Kính thưa Quốc hội!
Về cơ bản, tôi thống nhất đánh giá, bổ sung của Chính phủ và ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã phát biểu trước về KTXH năm 2017; những tháng đầu năm của năm 2018 với nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin tưởng và lạc quan trong xã hội; mặc nhiên vẫn còn đó nhiều trăn trở về hạn chế, yếu kém, khuyết điểm cần phải nỗ lực khắc phục. Tôi xin phát biểu làm rõ một số vấn đề sau đây:
|
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường. Ảnh: CẨM NHUNG
|
1. Năm qua, ngành nông nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau những mất mát to lớn do thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt; phục hồi đáng kể sau sự cố môi trường biển ở miền Trung. Ngày càng thấy rõ quyết tâm và kết quả đạt được trong chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao; việc áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất gắn với chuỗi giá trị, gắn kết tốt hơn với thị trường; nhiều sản phẩm giá trị có mặt ở những thị trường “khó tính” trên thế giới, mở ra triển vọng tươi sáng cho nền nông nghiệp nước nhà. Các địa phương đã bước đầu trả lời được câu hỏi lớn là: “ Trồng cây gì, nuôi con gì?”; đã xác định được bộ cây, con chủ lực phù hợp, phát huy lợi thế của mỗi địa phương, tạo ra sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị hàng hoá cao.
Vui là vậy, song chúng ta cũng không ít băn khoăn với những chuyện buồn: Được mùa, mất giá; sản phẩm nông nghiệp mất an toàn vệ sinh thực phẩm; sản xuất thiếu kế hoạch; cung vượt cầu; báo động đỏ tình trạng “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp chưa có dấu hiệu kết thúc. Chúng ta đã đặt kỳ vọng lớn về mối quan hệ 5 nhà: Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học, Nhà Bank; song trong thực tế không đạt được kết quả như mong đợi; vai trò “nhạc trưởng” của Nhà nước chưa rõ nét trong dẫn dắt, tạo dựng, kết nối, gắn kết mối quan hệ này. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ, ngành nông nghiệp cần phân tích, đánh giá thực chất về vấn đề này để có giải pháp chỉ đạo, cụ thể hóa nội dung, phương thức, cơ chế, trách nhiệm của các bên liên quan trong mối quan hệ liên kết để đủ sức giải bài toán khó hiện nay của nông nghiệp Việt Nam.
Sẽ không công bằng khi chúng ta cứ mãi đổ lỗi cho người dân là: Vì lợi ích trước mắt mà đầu tư vào sản xuất tự phát, thiếu kế hoạch dẫn đến sản phẩm dư thừa; cung vượt cầu; sản xuất không gắn với thị trường… mà nên có thái độ tích cực hơn là Chính phủ, chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp phải thấy rõ và nhận lãnh trách nhiệm của mình trước nhân dân, là trung tâm định hướng, kết nối, đồng hành, dẫn dắt, hỗ trợ thiết thực cho người dân trong làm ăn kinh tế; không thể để mặc cho nông dân tự bươn chải vô định trong vòng luẩn quẩn như vậy! Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã phân tích những yếu kém của ngành trước Quốc hội trong chiều hôm qua; cử tri nông dân mong muốn toàn ngành nông nghiệp cần chủ động vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, gần dân hơn nữa; xem việc của dân chính là việc của mình để tập trung xây dựng hệ thống chính sách, quy định, hướng dẫn, tổ chức cho nông dân khi tham gia chuỗi giá trị; tư vấn pháp lý; tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng các chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động.
2. Tiếp cận vấn đề năng suất lao động, báo cáo Chính phủ cho biết: Năng suất lao động xã hội năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/ lao động, tăng 6% so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2011 - 2017 tăng 4,7%/ năm. Mặc dù năng suất lao động Việt Nam có cải thiện đáng kể theo hướng tăng dần qua từng năm; tuy nhiên, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaixia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Inđônêxia; 55% của Philippin và bằng 93,2% của Lào. Nguyên nhân quan trọng nhất để năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so các nước ngay trong khu vực ASEAN là tăng tưởng chủ yếu dựa vào chiều rộng, chủ yếu tăng vốn đầu tư và tăng lao động, trong khi đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp, năm 2017 đạt mức 45,19%.
Vậy, lao động Việt Nam hiện nay đang ở đâu trong thế giới 4.0 này? Sẽ là quá muộn trong một sân chơi kinh tế mà ở đó luật chơi không dành cho những ai không chuẩn bị đầy đủ cho mình tâm thế của người trong cuộc và vào cuộc với tất cả phẩm chất cần có. Chất lượng lao động phản ánh ở trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng và kỷ luật lao động; đó là những phẩm chất cơ bản nhất. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần có cuộc điều tra, khảo sát, đánh giá, nhận diện đầy đủ về tình hình, chất lượng, năng suất lao động Việt Nam hiện nay khó chỗ nào, thiếu- yếu chỗ nào? Từ đó khẩn trương xây dựng chiến lược, hệ thống chính sách, giải pháp mạnh để nâng cao chất lượng, năng suất lao động nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa hơn.
3. Về thực hiện chính sách người có công cách mạng, năm qua chúng ta đã làm rất nhiều việc thể hiện sinh động tinh thần trách nhiệm, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”; nhất là dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7/2017. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, song Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định và bổ sung gói tài chính trên 8.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người có công gặp khó khăn về nhà ở giai đoạn 2016- 2020. Đến nay đã đi qua gần nửa chặng đường thực hiện chủ trương này. Song Chính phủ chưa có thông tin với Quốc hội và toàn dân về tiến trình và kết quả thực hiện chương trình đầy ý nghĩa này. Vì thế, tôi đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để nguồn kinh phí sớm đến với đối tượng người có công. Phải xem đây là nhiệm vụ ưu tiên nhất, không thể chậm trễ. Mỗi ngày sự hỗ trợ của Chính phủ đến được người dân là rút ngắn mỗi ngày sự khó khăn của họ; khi mà số người có công với cách mạng ngày một vơi đi trong nỗi khát khao chờ mong chính sách ưu đãi đó. Đồng thời, đề nghị Quốc hội đưa nội dung này vào chương trình giám sát năm 2019, để bảo đảm rằng: Chính sách hỗ trợ nhà ở cho đối tượng người có công được thực hiện khẩn trương, kịp thời, đúng mục đích, yêu cầu, đối tượng thụ hưởng, không để bất cứ sai phạm nào xảy ra.
4. Tiếp theo ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về tình hình chấp hành pháp luật, tôi xin báo cáo trước Quốc hội một vụ việc điển hình sau đây: Vụ án “Buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” ở Quảng Trị và TP Đà Nẵng xảy ra từ cuối năm 2011, đã qua 3 lần xét xử sơ thẩm, tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; đặc biệt đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng. Công dân kêu oan, Đoàn ĐBQH Quảng Trị đã nhiều lần kiến nghị, chất vấn và báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4; Viện KSNDTC, Bộ Công an đã có trả lời và hứa sẽ đôn đốc giải quyết nhưng đến nay vụ án đã bước vào năm thứ 7 mà vẫn chưa đến hồi kết thúc. Người dân mòn mỏi chờ đợi kết luận cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, một lần nữa tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm giải quyết dứt điểm vụ án; đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan tố tụng, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thì kiên quyết xử lý, trên cơ sở thượng tôn pháp luật; không để có bất cứ “địa chỉ cấm”,“vùng cấm” nào trong xử lý vụ án này.
Lê Thị Cẩm Nhung (tổng hợp)