Theo dự thảo Báo cáo sơ kết, qua gần 5 năm thực hiện Quy định 105, trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định và điều động, luân chuyển, biệt phái đối với 146.772 lượt cán bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo được nâng lên; hầu hết cán bộ được đào tạo cơ bản, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ tương ứng với chức danh bổ nhiệm. Việc bổ nhiệm cán bộ cơ bản xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và dựa trên năng lực, sở trường, phẩm chất, uy tín của cán bộ; đồng thời, gắn kết chặt chẽ với các khâu khác trong công tác cán bộ, góp phần quan trọng vào thành công trong công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trước mắt cũng như lâu dài.
Dự thảo báo cáo đã chỉ rõ một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Quy định 105 và phân tích đầy đủ các nguyên nhân. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất sửa đổi, bổ sung về bố cục dự thảo Quy định 105; một số nội dung liên quan đến quy định chung; tiêu chuẩn, điều kiện; thủ tục, quy trình nhân sự; phân cấp quản lý cán bộ...
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng khẳng định, nhận thức tầm quan trọng của Quy định 105 gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị quán triệt, cụ thể hóa Quy định 105 thành các Quy định số 09, 10-QĐ/TU ngày 20/4/2018 và Quy định số 436, 437-QĐ/TU ngày 19/11/2021 với nhiều nội dung mới, phù hợp với thực tiễn công tác cán bộ ở địa phương và triển khai thực hiện nghiêm túc.
Từ đó, công tác quản lý cán bộ được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ trên tất cả các khâu; đảm bảo đúng nguyên tắc, thẩm quyền, giữ vững vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng trong công tác cán bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cá nhân người đứng đầu; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý cán bộ đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nghiệp vụ. Công tác bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử đã được thực hiện theo một quy trình thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, phát huy tối đa dân chủ. Chất lượng cán bộ được nâng lên, góp phần từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, giữa Quy định 105 và các nghị định của Chính phủ chưa có sự thống nhất, nhất là về trình tự, thủ tục, thành phần các hội nghị trong quy trình nhân sự bổ nhiệm cán bộ. Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng đề nghị Ban Tổ chức Trung ương xem xét, tham mưu chỉ đạo thực hiện thống nhất trong hệ thống chính trị.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), nhiều cơ quan, đơn vị đã tiến hành sáp nhập, hợp nhất tổ chức. Tuy nhiên, trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy trình nhân sự các chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất nên các địa phương còn lúng túng, thiếu thống nhất trong thực hiện. Vì vậy, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương quy định cụ thể về nội dung này.
Theo điểm 2.7, Điều 6, Quy định 105, ban thường vụ các tỉnh, thành ủy tham gia ý kiến với ban cán sự đảng, đảng đoàn các cơ quan trung ương về đánh giá, quy hoạch, bố trí, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đình chỉ chức vụ, khen thưởng, kỷ luật đối với cấp trưởng, cấp phó thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của ngành dọc công tác và sinh hoạt đảng tại địa phương... Tuy nhiên, trên thực tế khi giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh cấp trưởng, cấp phó Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh thì các tổ chức tương ứng ở trung ương đều yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy có văn bản xin ý kiến. Vì vậy, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương có văn bản trao đổi với các cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội trung ương để thực hiện thống nhất.
Tại khoản 5, Điều 12, Quy định 105, cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất 1 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật. Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn cụ thể trường hợp cán bộ bị xử lý về mặt đảng viên do vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình thì có thuộc trường hợp này hay không vì thực tế có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong phần nguyên tắc lựa chọn, đề nghị hướng dẫn cụ thể về cách tính số phiếu tại các bước trong quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử tương tự như Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 (trên số có mặt hay trên số triệu tập).
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận các ý kiến góp ý của đại diện lãnh đạo các địa phương để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo báo cáo trước khi trình Bộ Chính trị.
Trần Tuyền