Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Thường trực huyện ủy Hải Lăng  

Thực hiện chương trình công tác tháng 10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để chuẩn bị nội dung trình Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 6 về sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị; ngày 11/20/2021, đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì làm việc với Thường trực huyện ủy Hải Lăng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Là một huyện có truyền thống về sản xuất nông nghiệp, Hải Lăng đã có nhiều cách làm mới, bước đi phù hợp để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn; hình thành được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, trang trại, gia trại; từng bước chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển các cây, con chủ lực của huyện; chú trọng liên doanh, liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, đã quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Huyện đã tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong đó có chế biến và bảo quản nông sản. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới đã được quan tâm đầu tư và được Nhân dân đồng lòng, chung tay xây dựng nông thôn mới. Tính đến thời điểm 30/9/2021, huyện đạt 4/9 tiêu chí[1], bao gồm: Tiêu chí số 3 (Thủy lợi), tiêu chí số 4 (Điện), tiêu chí số 8 (An ninh, trật tự xã hội), tiêu chí số 9 (Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới). Về tiêu chí  xã nông thôn mới: Toàn huyện có 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 73,33%, bình quân đạt 18,27 tiêu chí/xã, tăng 5,11 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 16 tiêu chí. Hiện nay, huyện còn 4 xã chưa đạt chuẩn gồm: Hải Định, Hải Chánh, Hải An, Hải Khê; trong đó, xã Hải Định đang xây dựng xã đạt chuẩn NTM năm 2021, Hải Chánh năm 2022 và Hải An, Hải Khê năm 2023.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU trên địa bàn huyện vẫn còn có những kết quả chưa như mong muốn. Việc duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất còn hạn chế, tính bền vững chưa cao; dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất sản xuất cánh đồng mẫu lớn kết quả đạt được chưa nhiều; các hình thức sản xuất (Tổ hợp tác, HTX) ở nông thôn chưa thực sự là bà đỡ cho các thành viên HTX; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm địa phương; chưa hình thành được các chuỗi sản xuất khép kín tiêu thụ nông sản…

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị để Hải Lăng đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2023 như kế hoạch, huyện cần tập trung hoàn thành tiêu chí về quy hoạch, tập trung xây dựng quy hoạch vùng của địa phương, trong đó, quan tâm đối với 03 vùng hiện hữu: Vùng đô thị Diên Sanh – Khu công nghiệp VSIP, vùng đô thị Mỹ Thủy – Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị và vùng đô thị La Vang kết hợp phát triển lâm sinh, du lịch... Bên cạnh đó, huyện cần tập trung thực hiện tốt tiêu chí môi trường, tính toán đến vấn đề xử lý rác thải, cấp nước, thoát nước trên địa bàn huyện. Để hoàn thành tiêu chí này, huyện cần đề xuất với tỉnh những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện, đây là tiêu chí có ý nghĩa quan trọng quyết định huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới như lộ trình đã đề ra. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thông qua HTX và nhóm hộ. Tổ chức các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản để thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Phát huy tốt vai trò HTX, tổ hợp tác là đầu mối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp.

Đồng chí cũng yêu cầu trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, người dân Quảng Trị tại các tỉnh phía Nam tiếp tục về quê tránh dịch, vì vậy, ngoài công tác tổ chức đón dân, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, huyện tính toán, đề xuất, bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt của người dân, việc học hành của con em… để đảm bảo cuộc sống trước mắt, cũng như lâu dài cho người dân trở lại quê. TL-VPTU

 

[1] Còn 5/9 tiêu chí chưa đạt chuẩn gồm: Tiêu chí số 1 (Quy hoạch), tiêu chí số 2 (Giao thông), tiêu chí số 5 (Y tế, Văn hóa, Giáo dục), tiêu chí số 6 (Sản xuất) và tiêu chí số 7 (Môi trường).

910 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 776
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 776
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87015769