Tại buổi làm việc, ý kiến của các ngành đều đánh gia cao những kết quả đạt được sau hơn 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU. Hầu hết các nhóm chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là 3,49%, đạt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu: 3,5-4%); Sản lượng lương thực bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt 28 vạn tấn/năm, vượt 11% mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu:ổn định 25 vạn tấn); Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 50%, đạt mục tiêu Nghị quyết; Đến cuối năm 2020, đảm bảo cấp nước tưới tưới tiêu ổn định, chủ động cho trên 85% diện tích gieo cấy lúa 02 vụ với hơn 50.400ha, đạt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu từ 85-90%); Đến cuối năm 2020, có 51 HTX nông nghiệp được chứng nhận HTX kiểu mới, vượt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu 50 HTX); có 200/235 THT nông nghiệp được chứng thực, đạt tỷ lệ 85%, vượt 15% mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu 70%); Đến năm 2020 có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 56,4%, vượt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu 50-55%), có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đạt mục tiêu Nghị quyết, không còn huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt mục tiêu Nghị quyết. Sản xuất nông nghiệp đang từng bước phát triển theo hướng gắn số lượng, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa. Các hình thức tổ chức sản xuất cũng phát triển theo hướng tích cực, chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, quy mô lớn, liên kết chuỗi giá trị; tập trung chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hướng đến nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hữu cơ, thân thiện với môi trường. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để cải thiện điều kiện sản xuất. Nguồn nhân lực quản lý được đào tạo và tổ chức hợp lý, hiệu quả hơn. Huy động được nguồn lực khá lớn để đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.Việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều điểm nghẽn, khó khăn. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, vấn đề tập trung ruộng đất để sản xuất cánh đồng lớn thực hiện chưa nhiều; chuyển đổi cây con chưa rõ nét; tính bền vững để nhân rộng các mô hình sản xuất chưa cao; sản lượng đàn nuôi giảm; nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm thiếu tính bền vững... Bên cạnh đó, việc huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn dàn trải trên nhiều lĩnh vực; một số cơ chế chính sách trong nông nghiệp nông thôn ban hành giai đoạn 2017 - 2020 có điểm chưa phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển chung.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định, nông nghiệp là một trong 03 trụ cột của nền kinh tế, có vai trò là bệ đỡ, vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, quá trình đánh giá sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU cần phân tích làm rõ những điểm nổi bật trên các lĩnh vực cụ thể; đồng thời chỉ ra được những hạn chế, khó khăn, trách nhiệm thuộc cấp nào, ngành nào, trong đó đánh giá làm rõ hiệu quả của các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp có thực sự phát huy tác dụng hay không, đề xuất điều chỉnh như thế nào hoặc thay thế những chính sách nào cho phù hợp trong giai đoạn tới. Việc triển khai thực hiện liên kết “5 nhà” đã thực sự hiệu quả hay chưa, chỉ ra trách nhiệm của đơn vị làm chưa tốt để có hướng chỉ đạo kịp thời… Đồng chí đề nghị sau phiên làm việc, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp tục rà soát, hiệu chỉnh để hoàn thiện, đề xuất các văn bản trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến để trình Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 6. TL-VPTU