- Thưa đồng chí! Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI đã xác định: Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là ưu tiên hàng đầu. Sau hơn hai năm nghị quyết đi vào cuộc sống, đồng chí có thể khái quát những kết quả cơ bản mà tỉnh Quảng Trị đã đạt được?
- Trước hết phải khẳng định, chủ trương tái cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu nông nghiệp bền vững gắn liền với xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được nhân dân ủng hộ, đồng tình thực hiện. Thực tế sau hơn hai năm đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, ngành nông nghiệp và các địa phương đã có nhiều cố gắng thay đổi, đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền được nâng cao, luôn xác định tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị cần tập trung lãnh đạo.
Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững để tiếp tục cụ thể hóa, chi tiết hóa những chủ trương, chính sách của Đảng trong phát triển ngành nông nghiệp. Trong đó xác định bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh là “sáu cây, hai con” cho giai đoạn 2017-2020, có định hướng đến năm 2025 (gồm hồ tiêu, cà phê chè, cao su, gỗ nguyên liệu, cây dược liệu, cây lúa và con bò, con tôm). Gắn liền với chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và thị trường phân phối tiêu thụ.
Sau khi có Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể phát triển. Trong đó, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh cụ thể hóa thực hiện nghị quyết, xây dựng các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao... phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, trong đó chú ý định hướng tái cơ cấu nông nghiệp theo vùng gò đồi, đồng bằng, vùng cát ven biển và quan tâm chuyển đổi sinh kế cho người dân ven biển sau sự cố môi trường biển.
Đến nay, ngành nông nghiệp phối hợp với các huyện, thị, các doanh nghiệp, hộ nông dân thực hiện được 1.700 mô hình sản xuất đạt chất lượng, trong đó có nhiều mô hình mẫu lớn áp dụng kỹ thuật công nghệ cao như trồng các loại rau ở Hải Lăng, Hướng Hóa, Vĩnh Linh; áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ như gạo hữu cơ của Công ty cổ phẩn Nông sản hữu cơ Quảng Trị, vườn tiêu hữu cơ ở Vĩnh Linh. Nhiều mô hình đạt hiệu quả rất cao, mang giá trị lớn hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. Trong giai đoạn hiện nay Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - PTNT ủng hộ phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thì chúng ta cần tranh thủ tốt điều kiện thuận lợi này để phát triển.
- Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân, nổi bật là chủ trương khuyến khích người dân liên doanh, liên kết với doanh nghiệp phát triển sản xuất; rà soát lại đất sản xuất cũng như cấp đất, cấp giấy CNQSDĐ cho người dân đang thiếu đất sản xuất. Đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Tỉnh Quảng Trị có hơn 70% dân số sống ở nông thôn. Mặc dù chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp- thương mạidịch vụ thì nông nghiệp rất cần được quan tâm hơn. Để nông nghiệp luôn xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế cần đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, kịp thời đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp phát triển ngành nông nghiệp, không để nông nghiệp Quảng Trị tụt hậu so với các tỉnh khác.
|
Mô hình sản xuất rau công nghệ cao ở huyện Hải Lăng
|
Trên tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết Đại hội Đảng, tại văn bản số 266, ngày 25/5/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã xác định: Trong phát triển nông nghiệp, phát huy vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân theo hướng doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, người nông dân sản xuất trên đất đai của họ. Thực hiện mô hình liên kết hộ nông dân góp đất để thực hiện dự án, tự nguyện cho nhà nước thuê đất để nhà nước cho doanh nghiệp thuê lại đất. Doanh nghiệp chỉ được giao đất xây dựng nhà xưởng, sản xuất giống, thực hiện các mô hình thực nghiệm với một diện tích đất nhất định phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, hạn chế cho doanh nghiệp thuê đất diện tích lớn trong điều kiện quỹ đất có hạn, người dân cần có nhu cầu mở rộng sản xuất. Đây là một chủ trương lớn của tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhiều người dân, phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước.
Để thực hiện chủ trương này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Sở Tài nguyên- Môi trường rà soát lại quy hoạch đất đai, thực hiện quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Phân tích bản đồ thổ nhưỡng trên toàn tỉnh, đánh giá được sự thích nghi của từng loại cây trồng, vật nuôi thời gian qua gắn với biến đổi khí hậu để có quy hoạch sát đúng, phù hợp, hiệu quả hơn.
Đối với vấn đề đất đai của hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông thì UBND huyện phải rà soát lại quy hoạch phát triển đất sản xuất nông- lâm nghiệp gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng các điểm dân cư, di dân; phối hợp với Sở Tài nguyên- Môi trường tham mưu UBND tỉnh rà soát, thu hồi một phần diện tích đất do Ban quản lý rừng phòng hộ, các tổ chức đang sử dụng, quản lý trên địa bàn để giao, cấp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất, thiếu đất sản xuất. Việc tiếp tục hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, cấp giấy CNQSDĐ cho bà con dân tộc thiểu số để đảm bảo họ có quyền và lợi ích hợp pháp, có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; là căn cứ xác lập quan hệ về đất đai, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho các cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất yên tâm đầu tư trên mảnh đất của mình và thực hiện những chủ trương lớn của tỉnh về phát triển nông nghiệp.
- Thu hồi một diện tích lớn đất của người dân đang phát triển sản xuất để cấp cho doanh nghiệp thuê là việc làm đã được nhiều tỉnh, thành xem là bước đi không còn phù hợp với xu thế. Ngay Thủ tướng Chính phủ cũng khuyến khích mô hình nông dân cho doanh nghiệp thuê quyền sử dụng đất để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thưa đồng chí, vấn đề này được tỉnh Quảng Trị thực hiện như thế nào?
- Trong lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn, việc thu hồi đất của người dân để cho doanh nghiệp thuê thời hạn 30 năm, 50 năm đã không còn phù hợp với tình hình mới cũng như chủ trương của Chính phủ, của tỉnh và nguyện vọng chính đáng của người dân. Trừ khi người dân không có nhu cầu , tự nguyện trả lại đất thì chính quyền mới cho thuê đất trên diện tích người dân tự nguyện trả lại. Nhà nước cần đảm bảo để người dân lao động có đất để có tư liệu sản xuất, chủ động đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế.
Về phía tỉnh Quảng Trị, Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương không thu hồi đất của dân đang sản xuất, sinh sống làm ăn để cấp cho doanh nghiệp thuê đầu tư vào nông nghiệp như thời gian qua, mà khuyến khích người dân và doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất. Như vậy, với cách làm mới này người dân không sợ viễn cảnh mất đất, mất ruộng nhưng vẫn thu được hiệu quả kinh tế từ đơn vị diện tích đất của mình. Nông dân trở thành những lao động, công nhân khi các doanh nghiệp sử dụng họ trở lại lao động trên cánh đồng mà họ đã cho thuê liên doanh, liên kết.
- Có hai địa phương rất năng động đó là huyện Cam Lộ đi đầu trong việc chính quyền đứng ra làm trung gian để người dân ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê đất trồng cây dược liệu; và UBND thành phố Đông Hà phát triển nông nghiệp theo hướng phục vụ cư dân đô thị, trong đó chú ý đến mô hình trồng rau hữu cơ. Đồng chí có đánh giá gì về việc làm này?
- Đúng là Cam Lộ đã năng động, sáng tạo đi đầu trong việc chính quyền cấp xã, hợp tác xã làm trung gian để người dân ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê đất trồng cây dược liệu. Dự án trồng cây dược liệu thâm canh, sản xuất theo công nghệ kỹ thuật cao và kết hợp tiêu chuẩn VietGap tại thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy có quy mô 7 ha. Điểm nổi bật trong thực hiện dự án chính là người nông dân mạnh dạn cho doanh nghiệp thuê đất, hưởng tiền thuê đất, rồi lại được chính doanh nghiệp này thuê làm công nhân và được trả công xứng đáng với sức lao động của mình bỏ ra. Quá trình hợp tác sản xuất như vậy nông dân trở thành công nhân trên chính đồng ruộng của mình, có nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với trước đây, vừa không phải phập phồng lo thiên tai, dịch hại, mất mùa. Việc tích tụ ruộng đất xây dựng mô hình cánh đồng lớn, sản xuất tập trung chuyên canh, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; trong đó vai trò đầu tàu của doanh nghiệp, hợp tác vận hành chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp như dự án trồng cây dược liệu ở xã Cam Thủy sẽ tạo bước đột phá trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất tổng hợp các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa và tăng thu nhập cho nhân dân.
Còn ở thành phố Đông Hà hiện có diện tích trồng rau trên 146 ha, trong đó có khoảng 21 ha đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, hữu cơ, sản lượng rau hàng năm đạt trên 3.200 tấn; giá trị thu nhập 1 ha rau an toàn đạt khoảng 300 đến 350 triệu đồng. Phát triển rau an toàn, rau hữu cơ là một hướng đi đúng, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp ven đô, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Hiện nay thành phố đang hướng dẫn, chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ nông dân và nâng cao năng lực của người dân trong việc ứng dụng các chế phẩm của công nghệ vi sinh vật vào sản xuất. Xây dựng mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh, trồng rau trên giá thể, tưới nước tiết kiệm, điều tiết tự động dinh dưỡng, ánh sáng, chăm sóc, thu hoạch. Hướng đến sản xuất rau công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đông Hà là yêu cầu tất yếu, cơ sở quan trọng để tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu về đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng và môi trường sinh thái, bảo đảm tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp đô thị.
- Đồng chí đánh giá như thế nào về việc huyện Hải Lăng chủ động triển khai thực hiện tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn?
- Việc huyện Hải Lăng đi đầu triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất (TTRĐ) là cách làm năng động, sáng tạo. Dồn điền đổi thửa, TTRĐ là một chủ trương lớn của tỉnh nhằm đáp ứng nhiệm vụ mới về tái cơ cấu nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Khi vụ đông xuân 2017-2018 kết thúc, Hải Lăng cần tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Tích tụ, tập trung ruộng đất là nhằm tạo ra quy mô lớn hơn cho đơn vị sản xuất, nhiều mô hình trang trại và cánh đồng lớn hình thành. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, sau khi tích tụ, tập trung thành vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn hơn đã giảm chi phí lao động, giống, phân bón... Việc sử dụng máy móc, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thuận lợi và có hiệu quả hơn. Quy mô ruộng đất lớn hơn nên tăng hiệu quả sử dụng đất và tăng lợi nhuận cho người sản xuất, tạo sự gắn bó hơn giữa hộ góp đất và giữa các hộ với doanh nghiệp, trang trại. Quan trọng hơn là hình thành sự phân công lao động và cách thức quản lý khoa học, làm thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ, phân tán truyền thống sang hướng sản xuất quy mô lớn, gắn kết với thị trường.
- Với lĩnh vực nông nghiệp cao, nông nghiệp hữu cơ rất nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, để làm bài bản như huyện Vĩnh Linh đối với phát triển hồ tiêu hữu cơ thì chưa có huyện nào làm được. Đồng chí đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Phát triển cây hồ tiêu là một thế mạnh của tỉnh Quảng Trị. Chất lượng và thương hiệu hồ tiêu Quảng Trị đang dẫn dắt thị trường hồ tiêu Việt Nam, trong đó tiêu Vĩnh Linh đã chiếm phần nửa diện tích hồ tiêu Quảng Trị . Huyện Vĩnh Linh đã được Sở Khoa học- Công nghệ chọn làm mô hình mẫu để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu hạt Quảng Trị. Vì vậy, hạt tiêu Vĩnh Linh được chỉ dẫn về địa lý, quảng bá thương hiệu nên người dân yên tâm phát triển diện tích hồ tiêu một cách bền vững.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách làm truyền thống, chuyển sang hướng trồng tiêu hữu cơ bền vững thì mới đáp ứng được các đòi hỏi ngày càng khó tính về ATVSTP của thị trường thế giới. Châu Âu đã cảnh báo chất lượng hồ tiêu Việt Nam vì lâu nay lạm dụng quá nhiều thuốc BVTV, hóa chất. Nếu không có biện pháp hạn chế họ sẽ giảm nhập khối lượng lớn hồ tiêu Việt Nam. Ngay từ bây giờ chúng ta không có biện pháp chuyển hướng kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hồ tiêu mà trực tiếp là thu nhập, việc làm của người lao động. Nên cách làm hồ tiêu hữu cơ của Vĩnh Linh là rất phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường trong và ngoài nước. Không riêng huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh cũng đã kết nối với doanh nghiệp vào cuộc giúp người dân làm tiêu hữu cơ để xuất khẩu.
- Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy! Như vậy Quảng Trị đang quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chú trọng đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Xin đồng chí khái quát sơ bộ những bước đi của ngành nông nghiệp trong thời gian đến?
- Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khốc liệt, cần thiết quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng thích nghi với khí hậu từng vùng miền, lựa chọn đối tượng sản xuất, quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất phù hợp, giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra, mà người nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.
Hiện tại, nông nghiệp chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức. Năng suất và sản lượng của các nông sản chủ lực của Quảng Trị đã tới hạn. Có nhiều mặt hàng nông sản xếp vào nhóm thuộc tốp đầu của thế giới như hồ tiêu, cao su. Nhưng những năm trở lại đây năng suất đang chậm dần hoặc chững lại. Cùng với đó là yêu cầu cấp bách về ATVSTP. Sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu thiếu kiểm soát, công nghệ sau thu hoạch yếu kém, sản xuất theo phong trào, phá vỡ quy hoạch, chạy theo lợi nhuận trước mắt thì không thể nào có chất lượng cao được.
Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và thế giới ngày càng khắt khe hơn về chất lượng. Nếu cứ sản xuất như cũ, nông sản của chúng ta khó mà bán với giá cao. Chỉ còn cách nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất tiên tiến hướng đến nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, chuyển từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm thì mới có thể vượt qua khó khăn trên, từng bước mang lại cho người nông dân cuộc sống ấm no hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Lâm Quang Huy
(thực hiện)