|
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Châu đề nghị ngành Y tế cần đánh giá toàn diện hoạt động y tế dự phòng để đưa vào chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII sắp tới.
|
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới và đạt những kết quả quan trọng. Mạng lưới y tế cơ sở được quy hoạch phù hợp, khép kín mọi vùng, miền, đảm bảo các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hệ thống cơ sở y tế được đầu tư xây dựng, củng cố và phát triển từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Hệ thống y tế dự phòng sắp xếp, sáp nhập các trung tâm tuyến tỉnh thành Trung tâm Y tế dự phòng; mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp từ tỉnh đến xã, thực hiện dự phòng tích cực, chủ động, toàn diện. Nhiều trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, năm 2017 có 95,7% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Hệ thống y tế ngoài công lập ngày càng phát triển, đến nay có 136 phòng khám chữa bệnh, 89 cơ sở hành nghề y học cổ truyền. Đội ngũ cán bộ y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng; tổng số công chức, viên chức y tế hiện có 2.991 người; số bác sĩ/10.000 dân đạt 9,1 bác sĩ/10.000 dân. Số giường bệnh/10.000 dân đạt 30 giường bệnh/10.000 dân. Năng lực và chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, điều trị ung thư tại bệnh viện tỉnh… Thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp.
Về công tác dân số, sau 10 năm (2008-2018) kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình Chi cục Dân số- KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế, Trung tâm Dân số- KHHGĐ cấp huyện trực thuộc UBND huyện đã phát huy hiệu quả, nhất là phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân số tại địa phương, đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thông suốt.
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về dân số tiếp tục được đổi mới, đặc biệt mô hình thôn, bản, khu phố không sinh con thứ 3 trở lên phát triển rộng khắp; hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình tiếp tục mở rộng… góp phần cải thiện chất lượng dân số về nhiều mặt. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng giảm xuống còn 14,9%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao giảm xuống còn 27,7% năm 2015 và tình trạng tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tuổi thọ bình quân trên địa bàn tỉnh đạt trên 68 tuổi/bình quân chung cả nước 73 tuổi. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2016 là 112,5 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh nữ; bình quân của cả nước 112,2 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh nữ.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Châu cho rằng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn bấp bênh; người dân vẫn còn thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu; vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều vấn đề bất ổn.
Đồng chí đề nghị ngành Y tế cần đánh giá toàn diện hoạt động y tế dự phòng, hoạt động khám chữa bệnh quân- dân y kết hợp; hoạt động y tế tư nhân; chất lượng thuốc bán ở các quầy thuốc tư nhân như thế nào… để đưa vào chương trình hành động giải pháp thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII sắp tới.
Đối với công tác dân số, đề nghị ngành Y tế nghiên cứu chính sách tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy đề ra các giải pháp tận dụng thời cơ dân số vàng, đồng thời nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống.
NTH