Tại diễn đàn, có nhiều ý kiến của các nhà báo, các nhà quy hoạch, quản lý đô thị đăng đàn, trong đó vấn đề chung nhất được bàn thảo, đó là quy hoạch, phát triển đô thị là lĩnh vực nóng, trọng tâm diễn ra ở tất cả các đô thị trong nước bao trùm lên mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội; tác động trực tiếp đến nhiều ngành, nhiều cấp, đến mỗi người dân đô thị. Để các đô thị phát triển nhanh, bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có giải pháp quan trọng là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đô thị.
Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, việc đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn đang tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa lan tỏa nhanh và rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước. Nhiều đô thị mới, khu đô thị mới được hình thành phát triển; nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng. Các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ… đã có nền tảng phát triển kinh tế vững chắc, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ, thương mại cũng tăng mạnh hơn. Tại đây, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các lĩnh vực du lịch, giáo dục - đào tạo, dịch vụ tài chính - ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin…Các nơi có điều kiện tự nhiên đặc biệt như Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Sa Pa, Phú Quốc… hay các đô thị có di sản văn hóa - lịch sử tầm cỡ quốc gia và quốc tế như Huế, Hội An, Hạ Long, Phú Quốc, Côn Đảo… thì du lịch đã trở thành động lực phát triển chính.
Có thể lấy một đô thị tiêu biểu ở miền Trung để khảo sát. Đà Nẵng là thành phố trẻ, tuy mới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hơn 20 năm nhưng Đà Nẵng là “hiện tượng” của cả nước, đạt nhiều thành quả đáng khích lệ, hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình triển khai các đồ án quy hoạch đã mang lại cho thành phố một diện mạo đô thị hiện đại và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Đà Nẵng là địa phương thực hiện thành công phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Đây là nguồn lực quan trọng, là cách đi rất riêng để từ một “thành phố dây kẽm gai” trong chiến tranh trở thành một đô thị hiện đại, đáng sống; không gian đô thị không ngừng được mở rộng. Các thế hệ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng luôn khẳng định rằng, một trong những bài học mà Đà Nẵng có được là bài học về sự đồng thuận.
Tuy nhiên cũng như nhiều đô khị khác của cả nước, trong quá trình đô thị hóa, không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập. Hơn 20 năm phát triển đô thị, Đà Nẵng phải giải tỏa, bố trí tái định cư gần 130.000 hộ dân. Đa số người dân đồng thuận với chủ trương của thành phố, nhưng một số hộ không đồng tình với mức đền bù, bố trí đất tái định cư, nên có những khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Thêm vào đó là những vấn đề bất cập, trở ngại trong quá trình đô thị hóa như tình trạng ô nhiễm môi trường, khí thải hay thay đổi nhanh quy mô dân số, chính sách an sinh xã hội, các vấn đề về trật tự trị an, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Đối với tỉnh Quảng Trị, quá trình đô thị hóa có lẽ mang tính đặc thù so với cả nước, bởi sau chiến tranh, cơ sở vật chất đô thị không có gì, kể cả thời gian sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Quảng Trị sáp nhập vào tỉnh lớn Bình Trị Thiên. Chỉ mới trong thời gian 28 năm lập lại tỉnh Quảng Trị, quy mô, chất lượng các đô thị của tỉnh mới được xây dựng, trong đó thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị được đầu tư xây dựng, nâng cấp thành các trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư. Hạ tầng xã hội, hệ thống dịch vụ công cộng và nhà ở từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sự nghiệp y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Hạ tầng thương mại, dịch vụ phát triển. Đã từng bước hình thành nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Chất lượng cuộc sống người dân khu vực đô thị ngày càng được cải thiện. Kinh tế khu vực đô thị đã có sự tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp.
Đã hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị làm cơ sở cho công tác quản lý đô thị bằng quy hoạch và có kế hoạch. Tuy nhiên, các đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, kể cả thành phố tỉnh lỵ Đông Hà quy mô trung bình và nhỏ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và chưa đồng bộ; tốc độ đô thị hóa diễn ra chậm, chưa tạo được những trung tâm sản xuất, dịch vụ có quy mô lớn, chất lượng cao để có sức thu hút, cạnh tranh. Kiến trúc không gian đô thị, cảnh quan đô thị có mặt lạc hậu; diện tích cây xanh, mặt nước trong đô thị chiếm tỉ lệ thấp. Chất lượng quy hoạch chưa cao, chậm được điều chỉnh, hoàn thiện…
Để các đô thị trên cả nước nói chung và các đô thị ở Quảng Trị nói riêng phát triển bền vững phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó giải pháp quan trọng, có tính dẫn dắt phát triển đó là xây dựng bộ máy chính quyền đô thị vững mạnh; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo các cấp về trình độ quản lý nhà nước về đô thị. Đề cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ, có trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng, quản lý đô thị.
Song hành với việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý sai phạm về quy hoạch đô thị, về trật tự đô thị, chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, một vấn đề quyết định sự phát triển bền vững đó là sự huy động vai trò chủ thể của cư dân đô thị trong phát triển hạ tầng đô thị và tham gia quản lý, giám sát hoạt động quản lý đô thị của chính quyền; nhân rộng các mô hình tự quản, thực hiện nếp sống văn minh đô thị sâu rộng và hiệu quả. Muốn đừng để đô thị đánh mất linh hồn, quá trình xây dựng và phát triển của mỗi đô thị cần tạo bản sắc, dấu ấn riêng của vùng đất dựa trên tiềm năng, lợi thế, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như truyền thống lịch sử, văn hóa của mỗi địa phương.
Phương Minh
|