Là một bộ phận của giai cấp công nhân Việt Nam, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ) Quảng Trị sớm được hình thành trong những năm đầu của thế kỷ XX. Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng ra đời và lãnh đạo, giai cấp công nhân, phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn tỉnh Quảng Trị đã phát triển và trưởng thành cùng nhịp bước với lịch sử giải phóng dân tộc, lịch sử bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương. Từ ngày đầu được thành lập, Tỉnh ủy Quảng Trị đã rất chú trọng củng cố tổ chức Công hội đỏ để vận động phong trào công nhân, lao động ở các thị xã, thị trấn, ở các đồn điền trong tỉnh đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Tuy số lượng ít và không phải công nhân công nghiệp, song đội ngũ công nhân, lao động Quảng Trị đã sớm hấp thụ, phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh kiên cường, bất khuất của Nhân dân, hòa mình vào phong trào cách mạng, luôn luôn đoàn kết, liên minh với nông dân dấy lên các cao trào cách mạng và khi thời cơ đến, đội ngũ công nhân và lao động cùng với các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh kịp thời đứng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, kiên quyết đập tan xiềng xích nô lệ và ách thống trị của thực dân phong kiến, giải phóng chính mình. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, ác liệt, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban cách mạng tỉnh, cán bộ, công nhân, lao động trong cùng một lúc vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu, lập nên những thành tích xuất sắc.
Trên con đường xây dựng CNXH, trong bối cảnh vừa có những khó khăn, thách thức lớn, song với kinh nghiệm đã tích lũy được cùng với lòng nhiệt huyết cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp công đoàn và công nhân, lao động trong toàn tỉnh từng bước vượt qua khó khăn, ra sức khôi phục, phát triển KT-XH, đưa tỉnh nhà vững bước tiến vào giai đoạn cách mạng mới.
Trong thời gian khôi phục phát triển kinh tế, văn hóa, đội ngũ công nhân, lao động đã có những đóng góp không nhỏ trong việc ổn định từng bước về cơ sở vật chất, đời sống tinh thần cho toàn dân, đặc biệt trên các lĩnh vực khai hoang phục hóa, thủy lợi, trồng cây gây rừng, các phong trao học bổ túc văn hóa, bình dân học vụ, vận động Nhân dân xây dựng vùng kinh tế mới….
Trải qua các giai đoạn lịch sử, dù trong lửa đạn chiến tranh hay trong gian khổ của thời kỳ đổi mới, xây dựng quê hương, đội ngũ CNVC-LĐ Quảng Trị và tổ chức Công đoàn đã không ngừng phát triển và trưởng thành, giữ vững, phát huy được truyền thống của quê hương Quảng Trị anh hùng, luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có khoảng 65 nghìn CNVC-LĐ, trong đó khu vực doanh nghiệp có 37 nghìn người. Trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, tỷ lệ đại học và trên đại học chiếm 83%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49,5%. Lực lượng lao động chuyển dịch theo hướng tăng ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, giảm ở khu vực kinh tế nhà nước. Đời sống, việc làm, tiền lương của đội ngũ CNVC-LĐ ở khu vực hành chính sự nghiệp cơ bản ổn định và được nâng lên; đối với khu vực sản xuất - kinh doanh, đa số các doanh nghiệp đều thực hiện đúng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật. Tình hình quan hệ lao động ổn định, không có hiện tượng đình công, lãn công.
|
Lãnh đạo tỉnh trao quà cho CNLĐ tại chương trình “Tết Sum vầy”. Ảnh: H.T
|
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá X; ngày 30/7/2008, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ công chức, viên chức và tổ chức Công đoàn tỉnh Quảng Trị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và tổ chức Công đoàn nâng cao trách nhiệm, quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ CNVC-LĐ, gắn các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với sự phát triển của giai cấp công nhân và đội ngũ CCVC-LĐ, xác định đội ngũ CNVC-LĐ là một trong những nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Các cấp uỷ đảng thường xuyên quan tâm chỉ đạo tổ chức Công đoàn thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ; tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đi sâu vào giác ngộ giai cấp và xây dựng bản lĩnh chính trị của giai cấp công nhân, phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến người lao động. Việc “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành tận tụy, sáng tạo, gương mẫu” được triển khai sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đoàn viên CNVC-LĐ, nhờ vậy từng bước nâng cao nhận thức, tư tưởng, tạo sự thống nhất, củng cố niềm tin trong CNVC-LĐ và xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đẩy lùi suy thoái về đạo đức và lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên CNVC-LĐ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, các cấp công đoàn đã thực hiện tốt chức năng đầu tiên là đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát, đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục vi phạm trong thực hiện chính sách liên quan đến người lao động, đề nghị thanh tra, xử lý các doanh nghiệp không khắc phục các vi phạm. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các ngành chức năng thanh tra các doanh nghiệp. Các cấp công đoàn luôn quan tâm, chăm lo về mọi mặt cho CNVC-LĐ, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà công nhân lao động vào các dịp lễ, tết, đặc biệt là công nhân lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, rủi ro đột xuất, hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn”...
Việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan, doanh nghiệp được triển khai thực hiện tốt theo các Nghị định của Chính phủ. Các cấp uỷ đảng tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn phát huy vai trò của mình trong hướng dẫn, tổ chức hội nghị cán bộ công chức lao động hằng năm theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chất lượng của các hội nghị: Công nhân viên chức, Cán bộ công chức, Người lao động được nâng lên. Hằng năm có 100% cơ quan, đơn vị phối hợp với công đoàn tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động vào đầu năm theo đúng tinh thần hướng dẫn liên tịch giữa UBND và LĐLĐ tỉnh và đã trở thành việc làm thường xuyên nền nếp, trong đó vai trò công đoàn và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, chủ doanh nghiệp đã thể hiện rõ hơn trước.
|
Công nhân điện lực sửa chữa, thay mới hệ thống điện ở Gio Linh. Ảnh: Trần Tuyền
|
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ CNVC-LĐ. Triển khai nhiều chủ trương chính sách, chế độ ưu đãi thu hút đông đảo cán bộ CNVC-LĐ tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác đào tạo nghề cho công nhân, lao động được tích cực triển khai. Công tác phát triển đảng viên trong CNVCLĐ luôn được coi trọng. Các cấp uỷ đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội, công đoàn, các doanh nghiệp đã quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, CNVC-LĐ ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp, nhất là đội ngũ công nhân lao động trẻ, nữ và công nhân thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Trong 5 năm qua, đã bồi dưỡng giới thiệu 6.854 đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp và có 3.675 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng, góp phần đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh. Tích cực tham mưu, giới thiệu những đảng viên trẻ, đoàn viên ưu tú có trình độ năng lực tham gia vào các vị trí lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể.
Xác định việc phát triển đảng viên, tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là tổ chức đảng, tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là việc làm cần thiết trong điều kiện hiện nay, vì vậy, năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án phát triển tổ chức đảng và đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước”. Qua thực hiện đề án cho thấy, công tác xây dựng, củng cố hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước được quan tâm hơn; số lượng tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp có bước phát triển, đến nay đã có 1.104 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 38.235 đoàn viên, tăng so với năm 2008 là 168 CĐCS và 11.772 đoàn viên; vị trí của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp được khẳng định, trách nhiệm từng bước nâng lên, là nơi đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Những kết quả đạt được của công đoàn các cấp và đội ngũ CNVC-LĐ trong tỉnh nhiệm kỳ qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, đội ngũ CNVC-LĐ Quảng Trị đứng trước những khó khăn, thách thức như: công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo công nhân, lao động, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, CNLĐ về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, về yêu cầu cấp bách phải xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh còn có những hạn chế nhất định. Các chế độ việc làm, lao động, các chính sách khác liên quan đến CNVC-LĐ chưa thực hiện triệt để và lâu dài, nhất là CNLĐ tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, chủ yếu hợp đồng theo mùa vụ nên tình hình CNVC-LĐ không ổn định; trình độ chuyên môn nghiệp vụ qua đào tạo của CNLĐ ở các doanh nghiệp còn thấp; tỷ lệ phát triển đảng là công nhân lao động trực tiếp vẫn còn ít; việc tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH, BHYT và hợp đồng lao động chưa được thực hiện triệt để ở doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Trong thời gian tới, Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh hình thành cũng như các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư; số lượng doanh nghiệp và CNVC-LĐ sẽ tăng nhanh. Hệ thống chính sách, pháp luật về quan hệ lao động ngày càng được hoàn chỉnh, tạo môi trường pháp lý cho tổ chức công đoàn phát huy tốt vai trò, vị trí, chức năng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cùng với đó, cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu ngày càng gay gắt, quan hệ lao động có xu hướng phức tạp; các thế lực thù địch đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá Đảng, Nhà nước; việc thực hiện các cam kết về lao động, công đoàn khi Việt Nam ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình Dương CPTPP và các hiệp định thương mại khác; sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…đang đặt ra nhiều thách thức không chỉ đối với tổ chức công đoàn, CNVC-LĐ mà còn đối với cả hệ thống chính trị.
Vì vậy, để xây dựng đội ngũ CNVC-LĐ tỉnh Quảng Trị vững mạnh trong giai đoạn cách mạng mới, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, làm cơ sở xã hội, chỗ dựa vững chắc cho Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mỗi đoàn viên, CNVC-LĐ trong tỉnh phải luôn giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có tinh thần đoàn kết; phải luôn không ngừng học tập để nâng cao kỹ năng, kiến thức tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo, tích cực rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, từng bước làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức, thích ứng nhanh với môi trường làm việc, đáp ứng trình độ phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại và hội nhập quốc tế để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh mới, tổ chức Công đoàn cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát cơ sở, hướng về người lao động. Làm tốt vai trò là người đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của giai cấp công nhân và người lao động. Tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò tiền phong của công nhân, công chức, viên chức, người lao động trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Chú trọng phát triển đoàn viên và tổ chức Công đoàn ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội. Tổ chức cho CNVC-LĐ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động; kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người lao động biết nghĩa vụ của mình và tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong đội ngũ cán bộ công đoàn, CNVC-LĐ, chủ doanh nghiệp thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW, ngày 9/1/2016, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ; có giải pháp cụ thể để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có kỹ năng hoạt động, dám nghĩ, dám làm, vì người lao động... để thu hút đoàn viên, chuẩn bị cho việc người lao động trong các doanh nghiệp được quyền chọn người đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp công đoàn tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X và Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ công chức, viên chức và tổ chức Công đoàn Quảng Trị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhằm xây dựng đội ngũ công nhân Quảng Trị ngày càng lớn mạnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động. Chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong cán bộ CCVC-LĐ. Thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của CBCNVC và tổ chức công đoàn, tôn trọng và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn phát huy tốt vai trò, vị trí của mình phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Với phương châm “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, lãnh đạo tỉnh tin tưởng rằng, nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp công đoàn và toàn thể cán bộ, đoàn viên và CNVC-LĐ trong tỉnh sẽ có bước phát triển mới, ngày càng mạnh mẽ, toàn diện, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền tỉnh thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng quê hương Quảng Trị giàu đẹp, văn minh.