Qua công tác nắm tình hình, phối hợp giữa Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng với quá trình phối hợp khảo sát tình hình liên quan đến mua bán người tại ba tỉnh Savannakhet, Salavan và Champasac (nước CHDCND Lào) cho thấy có rất nhiều phụ nữ và trẻ em của tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh khác bị đưa sang Lào với nhiều mục đích khác nhau như làm tiếp viên nhà hàng, nhân viên khách sạn, cơ sở mát xa, cắt tóc gội đầu thư giãn …
Trước tình hình đó, thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, nhiều năm qua, Hội LHPN tỉnh đã phát huy vai trò thành viên Ban Chỉ đạo về phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người cho hội viên, phụ nữ. Từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho hơn 50.000 lượt hội viên, phụ nữ; mở 150 lớp tập huấn, điểm truyền thông cho hơn 8.300 hội viên, phụ nữ; tổ chức hơn 60 cuộc nói chuyện chuyên đề, hội thảo, hội thi, tọa đàm, hái hoa dân chủ, liên hoan văn nghệ ở các câu lạc bộ; đồng thời cấp phát tờ rơi đến tận hội viên phụ nữ với chủ đề: “Đoàn kết phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em tại cộng đồng”.
Các cấp hội phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp chị em và người dân trên địa bàn hiểu rõ các thủ đoạn của bọn tội phạm, nguyên nhân, hậu quả của nạn buôn người để chủ động phòng ngừa. Trong quá trình tuyên truyền, hội chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và nhóm đối tượng có nguy cơ cao, phụ nữ từ 18- 35 tuổi chưa có gia đình, học vấn thấp, những người chuẩn bị đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động, lấy chồng nước ngoài, trẻ em mồ côi, cha mẹ ly hôn, ly thân, gia đình nghèo, trẻ em lang thang cơ nhỡ…
Một trong những trọng tâm của công tác phòng chống mua bán người mà Hội LHPN tỉnh đã đầu tư trong những năm qua, đó là hoạt động phối hợp với các tỉnh giáp biên giới Việt - Lào và chung tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Trên cơ sở ghi nhớ giữa phụ nữ 3 tỉnh: Quảng Trị (Việt Nam), Savannakhet (Lào), Mukdahan (Thái Lan) và văn bản ghi nhớ của Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị và tỉnh Salavan (Lào), hàng năm Hội LHPN các tỉnh đã tổ chức hoạt động trao đổi nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực công tác như: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới và phòng chống mua bán người 2 bên biên giới.
Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Đồn Biên phòng tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho phụ nữ thuộc 3 bản Đenvilay, Xi Ổi và Pa lọ của Mường Noòng, tỉnh Savannakhet (Lào) - bản biên giới giáp xã Axing huyện Hướng Hóa; thăm tặng quà phụ nữ nghèo của tỉnh Savannakhet; duy trì và phát huy các hoạt động kết nghĩa bản - bản 2 bên biên giới; tổ chức các hội thảo thường niên thông báo cho nhau tình hình mua bán người và bạo lực gia đình; những khó khăn thực tế đang gặp phải và đưa ra một số giải pháp, kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; cam kết cùng hợp tác và coi đây là hoạt động thường xuyên của phụ nữ các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong hành động chung nhằm ngăn chặn và giải quyết vấn đề mua bán người giữa Hội LHPN các tỉnh Quảng Trị, Savannakhet, Salavan (Lào) và Ủy ban phát triển phụ nữ tỉnh Mukdahan (Thái Lan).
Để công tác phòng chống mua bán người thu hút được sự quan tâm, chung tay vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, chính quyền các địa phương và người dân trong tỉnh, trên cơ sở chỉ đạo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Ban Chính sách - Luật pháp TƯ Hội, Ban Chỉ đạo 130 tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ phát động chiến dịch truyền thông về phòng chống mua bán người tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), lễ phát động đã thu hút hơn 1.000 người tham gia.
Để tăng cường hoạt động phòng, chống mua bán người, hội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xoá nghèo bền vững; quan tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ và con em phụ nữ nghèo... Hội LHPN tỉnh xây dựng mô hình trồng cây thanh long tại một số xã miền núi, hỗ trợ lạc, thóc giống, phân bón, máy gieo lúa cho phụ nữ nghèo miền núi. Xây dựng các mô hình làm kinh tế giỏi; phát triển mô hình phụ nữ tiết kiệm, tiết kiệm vốn vay thôn bản, tín chấp, tạo điều kiện cho chị em tiếp cận các nguồn vốn, tư vấn cho các nạn nhân khi trở về được hỗ trợ nơi ăn ở an toàn, tham vấn tâm lý- xã hội, chăm sóc y tế, tư vấn, can thiệp pháp lý, học văn hóa, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vui chơi giải trí, phát triển kỹ năng sống và phát triển thể lực, hỗ trợ thiết bị nghề, hỗ trợ vốn ban đầu.
Hội đã tranh thủ tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ cho hai nạn nhân bị buôn bán trở về mỗi chị 10 triệu đồng để kinh doanh hàng tạp hoá, áo quần. Các chi hội, tổ phụ nữ có đối tượng phụ nữ bị mua bán trở về phân công chị em đến động viên, giúp ngày công, giúp giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ 22,5 triệu đồng cho chị em vay để làm ăn. Ngoài ra, hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay giúp chị em có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Những hoạt động của các cấp Hội LHPN Quảng Trị đã góp phần cùng các cấp, các ngành ngăn chặn tình trạng phụ nữ, trẻ em bị mua bán và từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.
Phương Thiện