Giám sát và phản biện xã hội được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của MTTQ trong tình hình hiện nay. Nhiệm vụ này càng được đề cao trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ năm 2015 đến nay, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội tỉnh đã chủ trì triển khai nhiều chương trình giám sát, phản biện xã hội. MTTQ tỉnh đã tiến hành giám sát 8 chuyên đề; phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội giám sát 5 cuộc; phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực HĐND, các Ban của HĐND giám sát 71 cuộc. Đồng thời, MTTQ tỉnh tham gia đoàn giám sát Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về sự cố môi trường biển tại Quảng Trị; tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng nông thôn mới tại một số xã, huyện trong tỉnh; tham gia với Đoàn ĐBQH giám sát về cải cách hành chính; tham gia với Thường trực HĐND và các Ban của HĐND giám sát trên 10 cuộc về các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, văn hóa- xã hội và tổ chức các cuộc làm việc, khảo sát theo phản ánh, kiến nghị của nhân dân về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Các đoàn thể chính trị- xã hội cấp tỉnh triển khai hoạt động giám sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức. Phương pháp giám sát thực hiện đảm bảo quy trình, quy định từ việc xây dựng kế hoạch giám sát báo cáo với cấp ủy phê duyệt và thống nhất với chính quyền, các cơ quan nhà nước có liên quan. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực, vấn đề có tác động, ảnh hướng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Qua giám sát đã chỉ ra những hạn chế, từ đó có những kiến nghị, đề xuất đến cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành liên quan những vấn đề vướng mắc để tìm giải pháp khắc phục. Bên cạnh hoạt động giám sát chuyên đề và phối hợp giám sát, MTTQ tỉnh vận động nhân dân giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. 3 năm qua, Ban Thanh tra nhân dân đã giám sát 1.538 vụ việc, phát hiện, kiến nghị với chính quyền, các cơ quan chức năng xem xét, đã giải quyết 579/ 593 vụ việc.
Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của HĐND, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, việc chi trả chế độ chính sách đối với các đối tượng, thu chi, quyết toán ngân sách, quản lý các khoản đóng góp của nhân dân, đền bù thiệt hại môi trường biển… Hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng giám sát được 3.158 dự án, công trình, phát hiện và kiến nghị với các cấp, các ngành xử lý 549 vụ việc, phát hiện nhiều sai phạm trong quy hoạch, kế hoạch, thiết kế, thi công công trình và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
Cùng với hoạt động giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội tỉnh tham gia phản biện xã hội đối với việc xây dựng các đề án phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; dự thảo văn bản về chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đảng cùng cấp; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên do các cơ quan, tổ chức thẩm quyền cùng cấp ở địa phương yêu cầu. Các ý kiến đóng góp của MTTQ và các đoàn thể ngày càng chất lượng, hiệu quả, sát hợp với nguyện vọng của nhân dân, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, quy hoạch, những chính sách phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Qua 3 năm thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị, chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội được nâng lên một bước; nội dung, phương thức giám sát có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn hiện nay thì hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể còn thiếu, năng lực nghiên cứu, phân tích vấn đề, đánh giá và kết luận trong quá trình giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế; chưa tập hợp được nhân sĩ, trí thức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia vào hoạt động giám sát và phản biện xã hội; công tác phối hợp trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội thiếu đồng bộ, còn chồng chéo gây phiền hà cho cơ sở, dẫn đến hiệu quả hoạt động giám sát đạt được chưa cao.
Đến nay, chưa có cơ chế để MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nên chưa phát huy được vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng nhằm ngăn chận, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, hàng năm MTTQ cần xây dựng kế hoạch giám sát, hiệp thương với các đoàn thể chính trị- xã hội lựa chọn nội dung, vấn đề giám sát báo cáo cấp ủy phê duyệt; đồng thời phối hợp với Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh hiệp thương thống nhất nội dung, chương trình giám sát để tránh giám sát chồng chéo, làm khó cho cơ sở phải tiếp rất nhiều đoàn giám sát.
Thực tiễn hoạt động giám sát thời gian qua, nhiều đoàn giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội có nội dung tương tự nhau, tổ chức giám sát riêng lẻ theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, kế hoạch giám sát chồng chéo, vì vậy cần thành lập đoàn giám sát chung để giảm tải hoạt động giám sát chồng chéo cho cơ sở. Việc thành lập đoàn giám sát chung cũng sẽ tổng hợp được nhiều ý kiến cùng một vấn đề của các tổ chức chính trị- xã hội, kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết có sức nặng hơn. Mặt khác, MTTQ cần nghiên cứu thành lập hội đồng giám sát và phản biện xã hội chung của tỉnh, huy động trí tuệ của nhân sĩ, trí thức, các chuyên gia đầu ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia, lựa chọn những vấn đề lớn, nổi cộm đặt ra từ thực tiễn để giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả cao.
Sau giám sát và phản biện xã hội, cần theo dõi, đôn đốc, chất vấn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đề xuất, kiến nghị của đoàn giám sát. Có như vậy, hoạt động giám sát và phản biện xã hội mới đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, được cấp ủy và chính quyền đánh giá cao.
Thanh Hải