|
Gạo sạch của nông dân huyện Triệu Phong được đóng gói, cung ứng ra thị trường
|
Sản xuất nông nghiệp theo phương pháp canh tác tự nhiên là quay vòng mùa vụ, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, kiểm soát cỏ, côn trùng và các loại sâu bệnh khác thay cho thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội và cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo vệ đất trồng, nguồn nước. Sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên kiểm soát được toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào để tạo ra các chế phẩm, quá trình làm đất, bón phân, chăm sóc, do vậy sản phẩm nông sản không độc hại và có chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, một nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng lúa theo phương pháp tự nhiên ở thôn An Hưng, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, yêu cầu cơ bản trong canh tác tự nhiên là không sử dụng phân bón hóa học mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. “Chúng tôi sử dụng phân chuồng ủ với với một số loại thân, lá cây rồi bơm chế phẩm đã ngâm lên men bao gồm cơm, rỉ mật mía hoặc đường nâu trộn đều, ủ thêm 10 - 15 ngày để tạo vi sinh vật, khử mùi hôi sau đó mới bón cho mỗi sào từ 2 - 2,5 tạ trước khi xuống giống. Để tăng cường dinh dưỡng cho lúa, chúng tôi sử dụng thêm các chế phẩm được ngâm ủ từ bột cá, một số loại cây và rỉ mật mía, bón từ 7 - 10 ngày một lần. Đối với phòng trừ sâu bệnh sử dụng chế phẩm bao gồm gừng, tỏi, ớt, rượu và rỉ mật mía được ngâm ủ từ 10 - 15 ngày để phun theo đợt…Lúa canh tác theo phương pháp tự nhiên không chỉ tạo ra sản phẩm gạo sạch, an toàn, dinh dưỡng cao mà còn mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội”, ông Đạt cho biết.
Đây cũng chính là phương pháp canh tác tạo ra sản phẩm gạo sạch của nông dân các địa phương trong tỉnh. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 89 ha lúa canh tác theo phương pháp tự nhiên. Với năng suất khoảng 45 tạ/ha, bình quân mỗi vụ nông dân canh tác lúa theo phương pháp này có khoảng 400 tấn lúa, tương đương với gần 200 tấn gạo sạch. Ông Nguyễn Minh Quý, một nông dân sản xuất gạo sạch ở thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cho hay: “Gạo sạch hiện đang được thương lái thu mua tại nhà với giá 23.000 đồng/kg. Với mức giá này thì nông dân đã có mức thu nhập cao so với gạo sản xuất bằng phương pháp canh tác thông thường. Tuy vậy, nông dân chúng tôi mong muốn gạo sạch của địa phương phải có được thương hiệu riêng để khẳng định chất lượng, giá trị và được nhiều người biết đến.
“Vụ hè thu năm nay, chúng tôi liên kết với một doanh nghiệp ở miền Nam sản xuất gạo sạch trên diện tích 6,9 ha. Ngay sau khi thu hoạch, sản phẩm sẽ được thu mua tại ruộng và sau đó được doanh nghiệp vận chuyển đi nơi khác và chế biến, cung ứng cho thị trường. Sản phẩm làm ra chưa biết có thương hiệu hay không và tiêu thụ ở thị trường nào nhưng chúng tôi mong muốn gạo sạch do mình sản xuất ra có sự hỗ trợ về thu mua, chế biến và xây dựng thương hiệu của các cấp, các ngành trong tỉnh. Làm được điều này, gạo sạch sẽ khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, người tiêu dùng dễ nhận biết, dễ mua, qua đó sẽ có giá thành cao hơn”, ông Hoàng Hải, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Oanh ở khu phố 6, phường 1, thành phố Đông Hà nêu thực tế: “Người tiêu dùng hiện nay thường ưu tiên chọn lương thực, thực phẩm sạch, có nguồn gốc và có thương hiệu để phục vụ nhu cầu hàng ngày cho dù giá cả có cao hơn. Đối với gạo sạch, hiện nay tôi vẫn phải nhờ người quen ở quê đặt mua từ những hộ canh tác lúa theo phương pháp tự nhiên để dùng. Trên thị trường gần đây có một vài điểm bán gạo sạch nhưng tôi chưa tin tưởng lắm vì nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu chưa thực sự rõ ràng”. Bà Oanh cũng cho rằng, nếu có được thương hiệu gạo sạch của tỉnh Quảng Trị hay của các địa phương trong tỉnh thì người tiêu dùng sẽ dễ dàng tìm mua, yên tâm sử dụng hơn trong nhu cầu hàng ngày.
Ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết: “Toàn huyện Triệu Phong hiện có hơn 20 ha sản xuất gạo sạch và sản phẩm này đang mang lại hiệu quả vượt trội trên nhiều mặt cho nông dân. Khi người dân mở rộng diện tích canh tác mặt hàng nông sản này thì yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được thương hiệu. Công việc này hiện đang được địa phương gấp rút phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ và một số cơ quan khác để thực hiện và gạo sạch của Triệu Phong sẽ sớm có thương hiệu để “đi” xa hơn, dễ tiêu thụ hơn và có giá trị kinh tế cao hơn nhờ được nhiều người biết đến, lên được kệ của các siêu thị, trung tâm thương mại”.
Đề cập đến việc xây dựng thương hiệu gạo sạch, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo sạch là rất cần thiết trong bối cảnh nông dân địa phương đang mở rộng diện tích sản xuất và nhu cầu sử dụng gạo sạch của người tiêu dùng tăng cao. Hiện nay một số địa phương trong tỉnh đã bắt đầu triển khai xây dựng thương hiệu gạo sạch và ngành nông nghiệp đã và đang quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt. Được biết tới đây, thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong” sẽ xuất hiện trên thị trường bằng các quy chuẩn, chứng nhận của cơ quan chức năng và công việc này cũng cần được các địa phương sản xuất gạo sạch sớm triển khai để mở ra hướng đi mới trong nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm nông nghiệp.
Huy Nam
|