Bệnh lùn sọc đen hại lúa tiếp tục diễn biến phức tạp  

(QT) - Đến nay bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện trên lúa vụ hè thu 2017 ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với 677,1 ha. Trong đó, huyện Gio Linh có diện tích lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen nhiều nhất với 342,6 ha, Cam Lộ 271 ha, Triệu Phong 25,5 ha, Vĩnh Linh 12,2 ha, huyện Hải Lăng 3,8 ha…

Người dân triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen. Ảnh: Q.H

Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên kiểm tra, theo dõi và dự báo tình hình bệnh lùn sọc đen và côn trùng môi giới; cử cán bộ tham gia chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh lùn sọc đen và rầy môi giới đến từng địa phương; báo cáo, tham mưu UBND ban hành văn bản chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tập trung phòng trừ rầy và bệnh lùn sọc đen hại lúa; tuyên truyền người dân cách phòng trừ bệnh trên phương tiện truyền thông đại chúng…

Tuy nhiên, bệnh lùn sọc đen vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do thời tiết thường xuyên thay đổi, thuận lợi cho sâu bệnh phát triển mạnh. Rầy lưng trắng có nhiều lứa chính và gối ngay trong một thời điểm trên cùng một chân ruộng.

Trong khi đó, sau 7 năm bệnh lùn sọc đen không xuất hiện, gây hại, chính quyền và người dân địa phương còn chủ quan, lơ là. Nhiều hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy trình, khuyến cáo, dẫn đến hiệu quả phòng trừ thấp.

Một nguyên nhân khác là vụ hè thu 2017 có thời gian chuyển vụ quá ngắn nên nhiều địa phương chưa tuân thủ cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo trồng do Sở NN&PTNT ban hành. Điều này dẫn đến việc có rất nhiều trà lúa khác nhau, tạo điều kiện cho rầy phát sinh mạnh, nhiều lứa, gối lên nhanh, gây khó khăn cho công tác phòng trừ dịch bệnh…

Đối với diện tích ruộng bị nhiễm bệnh nặng, việc tiêu huỷ chưa được thực hiện triệt để.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mặc dù bệnh lùn sọc đen hại lúa chỉ mới gây hại trên 3% tổng diện tích lúa vụ hè thu nhưng thời gian tới diện tích nhiễm bệnh dự kiến tăng thêm do có một số diện tích đã bị rầy mang virus bệnh lùn sọc đen chích hút sẽ tiếp tục biểu hiện rõ triệu chứng bệnh.

Bên cạnh đó, môi giới truyền bệnh lùn sọc đen là rầy lưng trắng đã có mặt với mật độ cao trên hầu hết các cánh đồng trong toàn tỉnh là những điều kiện rất thuận lợi có thể gây phát sinh thành dịch bệnh lùn sọc đen trong vụ đông xuân 2017 - 2018, vụ hè thu 2018 và các năm tiếp theo nếu không có giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

 

H.N- Q.H

 

 

907 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 532
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 532
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78011424