Thế giới đón chào năm mới 2019
Người dân toàn thế giới đón chào năm mới 2019 với hy vọng về hòa bình, thịnh vượng, đẩy lùi những bất ổn. Tiến trình hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, kinh tế thế giới trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tình hình Brexit, xung đột tại một số điểm nóng trên thế giới, những mất mát do thiên tai và sự đe dọa bởi biến đổi khí hậu... là những vấn đề được nhiều người quan tâm trong dịp đón năm mới.
Cảng Sydney (Australia) trong thời khắc giao thừa đón năm mới 2019. (Ảnh: Reuters)
Nhân dịp đón năm mới 2019, lãnh đạo nhiều quốc gia đã gửi thông điệp tới người dân, cầu chúc một năm mới hòa bình, đoàn kết và phát triển thịnh vượng.
Trong thông điệp nhân dịp đón năm mới, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi người dân trên thế giới đoàn kết để giải quyết các thách thức và cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Theo ông Guterres, thế giới đang trải qua thử thách đầy cam go khi tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến nhanh chóng, chia rẽ về mặt địa chính trị ngày càng hằn sâu, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, số người di cư để tìm kiếm sự an toàn ngày càng nhiều. Trong bối cảnh đó, ông Guterres khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục là cầu nối đưa mọi người xích lại gần nhau nhằm giải quyết các vấn đề của thế giới.
CPTPP chính thức có hiệu lực
Ngày 30/12/2018, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực.
Đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago, Chile ngày 8/3/2018.
(Ảnh: THX/TTXVN)
CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam - được ký ngày 9/3/2018 tại thủ đô Santiago, Chile, thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui năm 2017.
Ngày 12/11/2018, Việt Nam đã trở thành nước thứ 7 phê chuẩn CPTPP, sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan..
CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên bày tỏ thiện chí
Ngày 1/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đang chờ đợi cuộc gặp thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ D.Trump
tại cuộc gặp lịch sử ở Singapore, tháng 6/2018. (Ảnh: Yonhap)
Tuyên bố này được ông D.Trump đưa ra ngay sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ thiện chí “sẵn sàng gặp” Tổng thống Mỹ vào bất cứ thời điểm nào trong thông điệp đầu năm mới 2019 được phát trong vòng 30 phút đồng hồ trên Đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV), ngày 1/1.
Trên trang cá nhân, ông D.Trump dẫn lại nội dung bài phát biểu năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với lời cam kết sẽ không chế tạo, thử nghiệm, hay chuyển giao vũ khí hạt nhân cho các bên khác và sẵn sàng gặp lại Tổng thống Mỹ vào “bất cứ thời điểm nào”. Người đứng đầu Nhà Trắng bày tỏ thêm rằng, ông đang trông đợi cơ hội được gặp lại Chủ tịch Kim Jong-un – người được ông D.Trump đánh giá là nhận thức rất rõ về những tiềm năng kinh tế lớn lao của Triều Tiên.
Tuy nhiên, thông điệp mà ông D.Trump đưa ra ngày 1/1 đã không đề cập đầy đủ tới những nội dung trong bài phát biểu đầu năm mới của Chủ tịch Kim Jong-un, trong đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo Mỹ không nên “thử thách sự kiên nhẫn của Triều Tiên bằng những động thái gia tăng sức ép và lệnh trừng phạt”.
Cuba kỷ niệm 60 năm cách mạng thành công
Ngày 1/1, Cuba đã long trọng kỷ niệm 60 năm Ngày Cách mạng Cuba thành công (1/1/1959 - 1/1/2019).
Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Cách mạng Cuba thành công (Ảnh: VTV)
Phát biểu tại lễ kỷ niệm được tổ chức tại thành phố Santiago, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro Ruz khẳng định sau chặng đường 6 thập kỷ, tinh thần cuộc cách mạng năm 1959 vẫn hoàn toàn tươi mới.
Bí thư Thứ nhất Raul Castro bày tỏ hài lòng trước quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo đang diễn ra cũng như tiến trình xây dựng Hiến pháp mới của đất nước, sẽ được trưng cầu ý dân để thông qua vào ngày 24/2 tới sau 3 tháng lấy ý kiến của nhân dân và được Quốc hội thông qua.
Bí thư Thứ nhất Raul Castro nhận định quan hệ với Mỹ đang trong giai đoạn khó khăn do những động thái thiếu thiện chí và chính sách siết chặt bao vây cấm vận của Washington. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Cuba khẳng định La Habana luôn sẵn sàng phát triển một mối quan hệ hòa bình, tôn trọng và cùng có lợi với quốc gia láng giềng này.
Ông Jair Bolsonaro nhậm chức Tổng thống Brazil
Ngày 1/1, ông Jair Bolsonaro đã chính thức trở thành tân Tổng thống thứ 42 của Brazil trong một buổi lễ nhậm chức diễn ra trang trọng tại Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Brasilia với điều kiện an ninh thắt chặt.
Tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Phu nhân Michelle Bolsonaro
tiến vào tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Brasilia. (Ảnh: Xinhua)
Phát biểu tại lễ nhậm chức, tân Tổng thống Bolsonaro – một thành viên của đảng Xã hội Tự do (PSL) theo đường lối cực hữu và Phó Tổng thống – Tướng về hưu Hamilton Mourao cam kết “duy trì, bảo vệ và tôn trọng Hiến pháp, tuân thủ luật pháp, thúc đẩy sự thịnh vượng của nhân dân, giữ vững sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của đất nước Brazil”.
Với 55% số phiếu ủng hộ, ông Bolsonaro đã đắc cử Tổng thống Brazil trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 10/2018, với cương lĩnh tranh cử tập trung vào cuộc chiến chống tội phạm, siết chặt an ninh, tăng cường việc làm và chống tham nhũng.
Chỉ ít phút sau khi sự kiện này kết thúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải thông điệp trên trang cá nhân, ca ngợi bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Bolsonaro và khẳng định “Mỹ luôn sát cánh bên Brazil”.
Tổng thống Mỹ quyết tâm xây dựng bức tường biên giới
Ngày 4/1, tại Nhà Trắng, sau khi các nhà lãnh đạo quốc hội của đảng Dân chủ từ chối yêu cầu về khoản ngân sách 5,6 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico, Tổng thống D.Trump đe dọa sẽ thực hiện một bước đi gây tranh cãi là tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và xây dựng bức tường mà không cần sự chấp thuận của quốc hội.
Người di cư trèo qua hàng rào ở biên giới Mỹ - Mexico để vào Mỹ
(Ảnh: AFP/Getty Images)
Ông D.Trump cũng từ chối việc hỗ trợ một dự luật mà có thể cung cấp đầy đủ ngân sách để chính phủ hoạt động cho đến khi ông được đảm bảo về số tiền để xây dựng bức tường.
Tình trạng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần trong hai tuần qua có thể sẽ phải tiếp diễn trong thời gian dài, cho đến khi nào bất đồng về khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico được giải quyết.
Xây tường biên giới với Mexico là một trong những cam kết mà ông D.Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016 nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép. Dự án này ước tính ngốn khoảng 23 tỷ USD, nhưng ông D.Trump sau đó cho rằng chỉ cần khoảng 5,6 tỷ USD để xây dựng bức tường này./.
PV (tổng hợp)