Phát biểu ngày 29/10 trước các thành viên Ủy ban Thứ ba của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo và nhân quyền, Giám đốc Văn phòng liên lạc FAO tại trụ sở LHQ ở New York (Niu Y-oóc), bà Carla Mucavi (Các-la Mu-ca-vi) nhấn mạnh những người lao động trong ngành nông nghiệp nằm trong nhóm người dễ tổn thương nhất do tình trạng mất an ninh lương thực, mặc dù họ là lực lượng đóng góp rất lớn trong toàn bộ quá trình sản xuất lương thực - thực phẩm. Ngoài ra, nạn di cư do điều kiện sống không đảm bảo, thời tiết cực đoan cũng là nguyên nhân khiến nguy cơ mất an ninh lương thực ở nhóm cư dân này càng thêm gia tăng. Bà Mucavi cũng đồng thời nhấn mạnh tới thực trạng quyền sở hữu ruộng đất cá nhân tại nhiều vùng nông thôn các nước nghèo trên thế giới không được tôn trọng và bảo vệ. Thực tế này đã làm trầm trọng thêm nguy cơ bị đói của người lao động trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là phụ nữ và cộng đồng người dân bản địa. Quan chức LHQ nhấn mạnh bảo vệ quyền sở hữu đất đai của các hộ nông dân nhỏ phải là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự đảm bảo an ninh lương thực của chính phủ các nước.
Giám đốc Văn phòng liên lạc FAO Mucavi cho biết các hộ nông dân nhỏ tham gia vào chuỗi sản xuất - cung ứng tới 70% sản lượng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, các vùng quê nông thôn lại là nơi nạn đói hoành hành dữ dội nhất và các nguy cơ đe dọa người dân nơi đây đang càng ngày gia tăng.
Theo báo cáo mới nhất của LHQ, năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp số người bị đói trên thế giới tăng, từ mức 804 triệu người lên gần 821 triệu người, ngang bằng với số người thiếu lương thực của một thập kỷ trước. Trong khi đó, FAO thống kê có khoảng 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mãn tính và tình trạng thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến hơn 2 tỷ người toàn cầu./.
Lan Phương/TTXVN