Phiên họp có sự tham gia của ông Alex Read, chuyên gia của IPU; bà Lesley Miller, Quyền Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam; ông John Hyde, nguyên Nghị sỹ Nghị viện bang Tây Úc, chuyên gia UNDP, cùng các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố.
Tại Phiên họp, ông Alex Read đã giới thiệu Bộ công cụ tự đánh giá nghị viện; trong đó nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu hát triển bền vững (SDGs) "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Theo ông Alex Read, Bộ công cụ tự đánh giá nghị viện thiết kế nhằm giúp các nghị sỹ xác định đánh giá thực tiễn, khoảng cách, cơ hội và bài học kinh nghiệm. Việc này sẽ giúp cho các nghị sỹ thể chế hóa hiệu quả chương trình nghị sự mới và lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào quy trình lập pháp. Bộ công cụ này không mang tính luật định và được thiết kế phù hợp với tất cả các nghị viện, không phân biệt hệ thống chính trị và mức độ phát triển.
Bà Lesley Miller, Quyền Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, chia sẻ: Tại Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số, những người tàn tật, những người sống tại các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, xâm nhập mặn, đặc biệt người già trẻ em và phụ nữ là những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội và cần được quan tâm.
Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc "Không để ai bị bỏ lại phía sau", bà Lesley Miller khẳng định, Hiến pháp Việt Nam đã quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống, chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những năm qua, Việt Nam phê duyệt, ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Trong đó, năm 2015 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật; năm 2017 Việt Nam đã phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025".
Tuy nhiên, các chính sách của Việt Nam vẫn chưa giải quyết được đầy đủ sự bất bình đẳng. 32% trẻ em khuyết tật nhẹ và 90% trẻ em khuyết tật nặng chưa có cơ hội được đến trường hoặc đã đến trường nhưng bỏ học; chỉ có 1/4 lao động của Việt Nam được tiếp cận với bảo hiểm y tế. Đây là thách thức lớn của Việt Nam khi thiếu ngân sách để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Theo bà Lesley Miller, không chỉ Việt Nam, hiện nay, các quốc gia đang phát triển cũng đang gặp phải những khó khăn trong việc thực thi các Mục tiêu Phát triển bền vững. Do đó, cần tăng cường năng lực của các Đại biểu Quốc hội về các Mục tiêu phát triển bền vững và vai trò giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện các mục tiêu này ở tầm quốc gia; đồng thời đảm bảo đầu tư công thực hiện một cách công bằng. Trong quá trình lập ngân sách, Quốc hội cần phải xem xét ngân sách được phân bổ đối với từng cơ quan trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, nhất là chú trọng đến nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương...
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Sri Lanka, ông Alex Read, chuyên gia IPU, cho biết, Quốc hội Sri Lanka là nước đầu tiên trên thế giới thiết lập Ủy ban chuyên trách về các Mục tiêu phát triển bền vững và đặt ra mục tiêu đối với từng Ủy ban của Quốc hội. Cùng với đó, Quốc hội Sri Lanka đã đưa ra các giải pháp như: nâng cao nhận thức của người dân; tăng cường sự cộng tác với các đối tác khác trong xã hội trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; thông qua dự thảo Luật về phát triển bền vững; huy động tài chính từ nhiều nguồn trong xã hội; tăng cường sự kết nối các cơ quan của Chính phủ đối với các tổ chức xã hội trong việc thực thi các Mục tiêu phát triển bền vững./.
Đinh Văn Nhiều/TTXVN