Đề xuất này được ông Macron nêu lên trong một bức thư dài 2.330 từ gửi tới toàn thể người dân Pháp, trong đó gồm cả việc đưa ra lời cam kết sẽ “lắng nghe các ý kiến mới” song vẫn tỏ rõ lập trường nhằm theo đuổi một “chương trình cải cách kinh tế cốt lõi”. Đây cũng được xem là biện pháp nhượng bộ tiếp theo của nhà lãnh đạo 41 tuổi này sau khi có bài phát biểu trên truyền hình nhằm đưa ra những biện pháp giải quyết xung đột xã hội vào tối 10/12/2018.
Trong bức thư gửi tới toàn thể người dân Pháp tối 13/1, Tổng thống Macron khẳng định “sẽ không có các vùng cấm cho các câu hỏi”, thậm chí các câu hỏi có thể đề cập từ chủ đề nhập cư cho tới tìm kiếm tị nạn. Nhà lãnh đạo này nêu rõ, chính phủ sẽ không đồng ý trước mọi đề xuất và đây cũng là một “điều bình thường” trong một chế độ dân chủ. “Tuy nhiên, ít nhất thì điều này cũng cho thấy chúng tôi không phải là những người sợ nói, trao đổi hay tranh luận” – bức thư của ông Macron viết.
Tổng thống Macron khẳng định ông sẽ tiếp tục trung thành với tuyên ngôn đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2017. Thông điệp này của nhà lãnh đạo Pháp được cho là đã ngầm loại trừ khả năng rút lại một số cải cách kinh tế ủng hộ giới doanh nghiệp, trong đó có việc xóa bỏ thuế tài sản – mà việc áp dụng các biện pháp này đã khiến ông Macron bị gán danh hiệu “Tổng thống của những người giàu có”.
Trong bức thư được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Pháp, Tổng thống Macron đã đưa ra một loạt câu hỏi mà ông hy vọng sẽ nhận được lời hồi đáp từ người dân nước này. Ông Macron tin tưởng rằng các đề xuất của người dân “sẽ giúp xây dựng một giao ước mới cho đất nước, tái cấu trúc hoạt động của chính phủ và quốc hội, cũng như định hình lại vai trò của nước Pháp tại châu Âu và trên trường quốc tế”. Tổng thống hứa sẽ thông báo kết quả trực tiếp tới người dân ngay trong tháng sau khi kết thúc cuộc thảo luận.
Sau đây là một số câu hỏi mà ông Macron đặt ra cho người dân Pháp:
- Bạn cho rằng những loại thuế nào nên được cắt bỏ?
- Bạn xem những khoản tiết kiệm chi tiêu công nào nên được ưu tiên?
- Liệu chúng ta có đang tồn tại quá nhiều cửa hành chính?
- Chúng ta có nên tiến hành trưng cầu dân ý một cách thường xuyên hơn và ai sẽ là người phát động công việc này?
Trong bức thư, Tổng thống Macron cũng lưu ý thêm rằng ông sẽ không chấp nhận bất cứ hình thức bạo lực nào, đồng thời kỳ vọng rằng việc nêu đề xuất tiến hành đối thoại toàn quốc chính là cách thức để ông có thể tỏ rõ thiện chí “biến sự giận dữ thành những giải pháp”.
Phong trào biểu tình "Áo vàng" đã bước sang tuần thứ 9 liên tiếp.
(Ảnh: Asian News Channel)
Phong trào biểu tình “Áo vàng” bắt đầu manh nha trên mạng xã hội từ tháng 10/2018 và đã nhanh chóng bị đẩy lên thành một cuộc “khủng hoảng tồi tệ nhất” trong sự nghiệp chính trị của Tổng thống Emmanuel Macron. Hàng chục nghìn người trong trang phục “Áo vàng” đã đổ xuống các tuyến đường của thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn trên khắp nước Pháp để phản đối chính sách do ông Macron đưa ra, vốn được xem là dành nhiều “ưu ái” cho tầng lớp những người giàu có.
Cuối tuần vừa qua, phong trào biểu tình leo thang thành bạo loạn của phe “Áo vàng” đã bước sang tuần thứ 9, với số người hưởng ứng đã tăng lên nhanh chóng sau kỳ nghỉ cuối năm. Đáng lo ngại hơn là trong vài tuần trở lại đây, người biểu tình “Áo vàng” đã hành động liều lĩnh khi xô xát với cảnh sát, đốt phá xe cộ, phá hủy các công trình và các cửa hiệu tại một số thành phố lớn của nước Pháp. Ngày 13/1, các phương tiện truyền thông và các tổ chức phóng viên Pháp đã lên án các vụ tấn công do người biểu tình “Áo vàng” nhằm vào các nhà báo, đồng thời kêu gọi áp dụng “các biện pháp bảo vệ tốt hơn” sau một loạt các vụ đụng độ xảy ra vào cuối tuần qua./.
Thu Lan (Theo Reuters, euronews.com)