Những ngày này, cả thế giới tiếp tục tăng thêm niềm hy vọng khi vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu được tiêm chủng đại trà. Mọi ánh mắt đang dõi theo từng thông tin về hiệu quả cũng như quá trình triển khai tiêm chủng vaccine.
Thống kê của hãng tin Bloomberg cho biết, 8 tháng sau khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai, hơn 4 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới. Theo đó, 25,9% dân số toàn cầu đã được tiêm chủng đầy đủ song tốc độ tiêm trên toàn cầu đã chậm lại một chút. Mũi tiêm thứ 4 tỷ đạt được sau 30 ngày trong khi mũi tiêm thứ 3 tỷ chỉ mất 26 ngày. Mũi tiêm 1 tỷ và 2 tỷ lần lượt đạt được sau 140 ngày và 40 ngày.
Khoảng 40% trong số 4 tỷ liều đã tiêm được thực hiện ở Trung Quốc (1,6 tỷ), Ấn Độ 451 triệu liều và Mỹ 343 triệu liều. Hiện, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đã tiêm chủng cho gần 70% dân số, trong khi Uruguay và Bahrain đạt 60%.
Theo các chuyên gia, với tốc độ tiêm 37,7 triệu liều một ngày, thế giới sẽ mất thêm một năm mới đạt mức độ miễn dịch toàn cầu cao.
Theo các nghiên cứu mới đây, các loại vaccine COVID-19 đã được sản xuất nhằm chống lại virus SARS-CoV-2, vẫn tỏ ra hiệu quả trước biến thể Delta. Bởi lẽ, chủng này không khác so với chủng virus ban đầu đến mức nó có thể “né” được các mũi tiêm.
Theo trang The Guardian, một nghiên cứu mới cho thấy, vaccine đã ngăn ngừa được 22 triệu ca nhiễm và 60.000 ca tử vong vì COVID-19 ở Anh. Vaccine cũng giúp hơn 52.600 người không phải nhập viện, số liệu từ Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cho biết.
Song song với việc tiêm chủng trên diện rộng phòng ngừa sự lây lan của đại dịch COVID-19, một số loại thuốc kháng virus như Molnupinavir lại mang tới thế giới một niềm hy vọng khác - chấm dứt dịch bệnh và có thể coi COVID-19 như một loại cảm cúm thông thường.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill (Mỹ) đã giới thiệu một nghiên cứu mới có tên Molnupiravir là thuốc kháng virus đường uống và tác dụng trực tiếp đầu tiên, có hiệu quả cao trong việc giảm mức độ virus lây nhiễm SARS-CoV-2 và axit ribonucleic (RNA) ở mũi họng.
Nghiên cứu công bố trên trang web chuyên ngành khoa học sức khỏe medRxiv đã công bố thông tin chứng minh Molnupiravir có cấu hình an toàn và dung nạp thuận lợi, do đó, trở thành một chất kháng virus đầy hứa hẹn, có thể chống lại SARS-CoV-2. Hiện Công ty Merck của Mỹ (MSD) đã phát triển thuốc Molnupiravir cùng với sự công tác của Công ty Ridgeback Biotherapeutics của Đức. “Liều thuốc hy vọng” này hiện đã đi tới chặng cuối - đánh giá thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn III, trong đó, sử dụng điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 không nhập viện, đã được phòng thí nghiệm xác nhận.
Theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Informa Pharma Intelligence, từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2021, các hãng dược đã khởi động hàng nghìn thử nghiệm thuốc trên thế giới, 650 dự án diễn ra tại Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden gần đây cho biết sẽ chi 3,2 tỷ USD nhằm đẩy nhanh việc phát triển và tìm ra các phương pháp điều trị kháng virus đối với bệnh COVID-19 và các mối đe dọa trong tương lai. Mỹ cũng có hơn 225 thử nghiệm lâm sàng, gồm các loại thuốc mới lẫn đã phê duyệt trước đây.
Hai "ông lớn" là Merck và Pfizer đều đang thử nghiệm thuốc kháng virus có thể dùng tại nhà ngay sau khi nhiễm bệnh.
Trong khi đó, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc tiêm tĩnh mạch Ronapreve để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình…
Việc phê chuẩn được đưa ra dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn 3. Theo đó, hỗn hợp kháng thể trong thuốc (gồm bộ đôi 2 kháng thể đơn dòng Casirivimab và Imdevimab) giúp giảm đáng kể nguy cơ các bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ tới trung bình có diễn biến nặng đến mức phải nhập viện hoặc tử vong. Thuốc Ronaperve có thể duy trì hoạt động chống lại các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến chủng Delta.
Hơn 197 triệu người mắc COVID-19
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 627.000 ca mắc COVID-19 và trên 9.590 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 197 triệu ca, trong đó trên 4,21 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 79.000 ca), Ấn Độ (44.673 ca) và Indonesia (43.479 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.893 ca), Brazil (1.225 ca) và Nga (799 ca).
Trong ngày 29/7, khu vực Đông Nam Á tiếp tục là nơi ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19. Quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất vẫn là Indonesia với 43.479 ca. Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hằng ngày là Thái Lan với 17.669 ca, tiếp đó là Malaysia với 17.170 ca.
An Bình