​Mỹ lo ngại nguồn cung năng lượng không đáp ứng đủ cầu 

Washington đang lo ngại nguy cơ nguồn cung năng lượng không đáp ứng đủ cầu, qua đó kêu gọi các nhà cung cấp năng lượng tăng nguồn cung.
​Mỹ lo ngại nguồn cung năng lượng không đáp ứng đủ cầu

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 7/10 cho biết Washington đang lo ngại nguy cơ nguồn cung năng lượng không đáp ứng đủ cầu, qua đó kêu gọi các nhà cung cấp năng lượng tăng nguồn cung.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) để thảo luận vấn đề khí đốt, ông Sullivan cho biết: "Mỹ thực sự lo ngại rằng, vì nhiều do khác nhau, nguồn cung sẽ không theo kịp lượng cầu đang phục hồi."

Ông Sullivan khẳng định tăng nguồn cung năng lượng toàn cầu về dầu mỏ và khí đốt đến mức đáp ứng đủ cầu sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế.

Ông cũng bày tỏ hy vọng các công ty năng lượng có các biện pháp nhằm đảm bảo cung đủ cầu, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ đang thảo luận các “dàn xếp ngoại giao chi tiết” với các công ty năng lượng.

Trong khi đó, Bộ Năng lượng Mỹ cùng ngày cho biết “mọi công cụ luôn được đặt sẵn trên bàn” để giải quyết tình hình nguồn cung năng lượng khó khăn hiện nay.

Người phát ngôn Bộ trên nêu rõ: "bộ đang chủ động theo dõi sát sao nguồn cung trên thị trường năng lượng toàn cầu và sẽ phối hợp với các đối tác để xác định liệu cần những hành động gì và vào lúc này."

[Mỹ sử dụng Kho dự trữ dầu chiến lược để “giải cứu” thị trường dầu mỏ]

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh có nhiều câu hỏi xung quanh khả năng chính quyền của Tổng thống Joe Biden cân nhắc sử dụng kho dự trữ xăng dầu chiến lược hay cấm xuất khẩu dầu để hạ giá dầu thô.

Mỹ từng sử dụng kho chiến lược khi nguồn cung giá đoạn sau bão hoặc các sự kiện khác. Trong khi đó, lệnh cấm xuất khẩu dầu thô kéo dài 40 năm của Mỹ đã chấm dứt vào năm 2015, và từ đó đến nay, Mỹ là nước xuất khẩu dầu thô lớn trên thế giới.

Tình trạng giá khí đốt tăng chóng mặt, gần 600% trong năm nay trên thị trường châu Âu, do dự trữ ít trong khi nhu cầu tăng vì các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau khủng hoảng dịch COVID-19. 

Châu Âu nhập khẩu khoảng 60% lượng khí đốt, chủ yếu đến từ Nga, Algeria và Libya. Một phần còn lại được vận chuyển đến châu Âu bằng tàu biển từ Mỹ, Qatar và một vài nước khác.

Tuy nhiên, năm 2021, hệ lụy từ chi phí vận tải đường biển tăng cao, cộng hưởng với nhu cầu năng lượng tăng vọt ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Brazil - các quốc gia vừa trải qua tình trạng khô hạn khiến nguồn điện từ các nhà máy thủy điện sụt giảm nghiêm trọng - đã càng làm khan hiếm nguồn cung cho thị trường năng lượng châu Âu.

Tại Anh, tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu cũng đã khiến 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng 8, buộc hàng triệu khách hàng phải chuyển sang các nhà cung cấp khác.

Cuộc khủng hoảng khí đốt cũng khiến các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng lao đao./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

 

295 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 701
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 701
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88328455