Một số giải pháp cơ bản phòng, chống các hoạt động xuyên tạc, thù địch trên không gian mạng 

Không gian mạng là mạng lưới kết nối toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm internet, hệ thống máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, đó là môi trường đặc biệt mà con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Lợi dụng triệt để thế mạnh này của không gian mạng, những năm qua, các thế lực thù địch đã triệt để thông qua internet, mạng xã hội tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá Việt Nam; qua đó, hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, từng bước thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. 

1. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, nước ta đã đạt được thành tựu to lớn trong việc phát triển không gian mạng, nhờ đó quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin của người dân có những bước phát triển mạnh mẽ.

Sau 25 năm, kể từ thời điểm khai trương dịch vụ internet tại Việt Nam (năm 1997), số người sử dụng internet chỉ hơn 200.000 người. Đến năm 2023, số lượng người sử dụng internet ở nước ta đạt mốc 77 triệu người (xếp thứ 13 trên thế giới), 66% sử dụng mạng xã hội và các kênh liên lạc trên không gian mạng để giao dịch. Riêng đối với các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter…), Việt Nam được xếp trong nhóm đứng đầu thế giới về số người sử dụng. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học. Số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone ước đạt mốc 100,1 triệu người; số thuê bao băng rộng di động là 84,9 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 85,5 thuê bao/100 dân). Bản chất không gian mạng là môi trường mở cho phép người sử dụng tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin, chia sẻ, kết nối cộng đồng. Thông qua đó, con người được tiếp cận với lượng thông tin, kiến thức xã hội khổng lồ, được cập nhật thường xuyên với tốc độ rất nhanh, nội dung phong phú, đa dạng… dễ tạo hiệu ứng xã hội theo chiều rộng nên rất khó quản lý, giám sát và kiểm duyệt. Đây chính là một trong những thế mạnh của không gian mạng bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc hại đối với nước ta.

Qua nghiên cứu thấy, hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng thể hiện thông qua các phương diện sau:

Về nội dung thông tin xuyên tạc, thù địch: Kẻ địch ra sức xuyên tạc, phủ nhận vị trí, vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xã hội; xuyên tạc mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chúng triệt để lợi dụng, khoét sâu những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, lợi dụng các vụ việc phức tạp xảy ra ở trong nước để xuyên tạc rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, cần thay thế bằng hệ tư tưởng dân chủ tư sản để “phù hợp với xu thế phát triển”. Chúng ra sức cổ xúy cho những giá trị quyền con người phương Tây, tuyên truyền, cổ vũ cho luận điệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền”; ra sức ca ngợi chủ nghĩa tư bản, cổ súy chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, cho rằng chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, không còn là xã hội áp bức, bóc lột. Qua đó làm cán bộ, đảng viên và Nhân dân dao động, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về thành tựu đổi mới của đất nước và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam; kích động, chia rẽ nội bộ để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, lôi kéo, kích động nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất ổn định chính trị, xã hội ở nước ta.

Về phương pháp, thủ đoạn: Các thế lực thù địch lập ra các trang web, blog, tài khoản mạng xã hội và hội, nhóm trên mạng Facebook để phát tán những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, những thông tin xấu, độc trên không gian mạng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Mặt khác, chúng trộn lẫn thông tin thật - giả một cách tinh vi để hướng lái người dân theo luồng thông tin sai lệch; núp bóng “phản biện độc lập”, ngụy tạo sự khách quan để xuyên tạc nhiều vấn đề trong xã hội rất khó nhận biết. Chúng còn lợi dụng công nghệ để cắt dán, trích dẫn sai lệch các hình ảnh, tài liệu; lập những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, wedsite giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhân vật nổi tiếng để đăng tải thông tin sai sự thật, gieo rắc tâm lý hoang mang, hoài nghi, mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện trên 3.000 trang web, blog, tài khoản mạng xã hội và gần 100 hội, nhóm trên mạng xã hội thường xuyên đăng tải thông tin chống Đảng, Nhà nước, kích động gây rối an ninh, trật tự, kích động biểu tình, bạo loạn. Riêng năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 3.000 trang mạng có nội dung xấu, trong đó có 31 trang mạng, blog, 55 kênh Youtube, 49 trang fanpage, 765 tài khoản facebook đăng tải hơn 800.000 bài viết, video, clip có nội dung xấu, độc hại. Các thế lực thù địch cònthiết lập cơ sở dữ liệu, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn (Big Data)... để tạo ra các dữ liệu, tài liệu giả theo kiểu “có giá trị như thật”nhằm chống Đảng và Nhà nước ta. 

Về đối tượng, đối tượng hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc trên không gian mạng rất đa dạng, phức tạp, đó là những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn bài xích tư tưởng XHCN trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản; một bộ phận cán bộ, đảng viên bất mãn, cơ hội, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”; những người nhận thức thấp bị lôi kéo, lừa bịp tham gia tuyên truyền xuyên tạc… nhưng lực lượng chủ yếu chính là các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài cấu kết với các đối tượng chống đối, bất mãn, cơ hội chính trị trong nước. Số này giữ vai trò nòng cốt trong phát động và hậu thuẫn cho các chiến dịch phá hoại tư tưởng, tiến hành các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc hòng phá hoại công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng XHCN ở nước ta.

Về thời điểm, chúng triệt để lợi dụng thời điểm trong nước diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hộihoặc xảy ra các vụ việc nhạy cảm, phức tạp, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, những “điểm nóng” về an ninh trật tự trong nước; những biến động lớn về chính trị, kinh tế của thế giới… để đẩy mạnh các chiến dịch phá hoại tư tưởng nhằm tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, thù địch đối với nước ta.

2. Trong những năm qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc trên không gian mạng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi âm mưu, thủ đoạn phá hoại tư tưởng của kẻ địch, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội (ANCT-TTATXH) của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu tranh trên lĩnh vực này còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn như: Sự phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành trong tuyên truyền và đấu tranh, phản bác còn mang tính hình thức, thụ động chưa phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác này. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về âm mưu, hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại tư tưởng cũng như tác hại của quan điểm sai trái, thù địch đối với xã hội còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về âm mưu, phương thức và tác hại của các quan điểm sai trái, thù địch còn ở mức khiêm tốn. Việc đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch chưa đa dạng, phong phú về nội dung, có nơi, có lúc còn thiếu sắc bén, tính thuyết phục chưa cao. Lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm lợi dụng internet, mạng xã hội còn mỏng, trình độ chuyên sâu chưa theo kịp tình hình thực tiễn; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật còn thiếu, lạc hậu nên gặp khó khăn trong phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động phá hoại tư tưởng trên không gian mạng.

Trong những năm tới, các thế lực thù địch tiếp tục triệt để lợi dụng các thế mạnh của internet, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch với nước ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn. Nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động này, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng một số giải pháp trọng tâm như sau: 

Một là, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng luôn phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện một cách thực chất, thường xuyên, liên tục với quyết tâm chính trị lớn, có sức thuyết phục cao, sức lan tỏa sâu rộng; triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng và từng khu vực dân cư. Đặc biệt, cần huy động được rộng rãi trí tuệ, tâm huyết của các nhân sỹ, trí thức và nhân dân tiến bộ trên thế giới tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch đối với nước ta.

Hai là, chủ động tăng cường công tác nắm tình hình, nghiên cứu dự báo, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn, đặc biệt là phương thức hoạt động mới của kẻ địch lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch; dự báo thời điểm đẩy mạnh các chiến dịch phá hoại tư tưởng để kịp thời triển khai biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Chú trọng nắm tình hình từ xa, nắm tình hình ngay từ trung tâm phá hoại tư tưởng ở bên ngoài để triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. Chủ động xây dựng hệ thống thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng có khả năng chỉ huy, kết nối, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý sớm các thông tin xuyên tạc, xấu độc gây hại tới ANCT-TTATXH của đất nước ta.

Ba là, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực của các cơ quan chuyên trách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và hệ thống cơ quan báo chí, đài truyền hình trong phòng ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng cơ chế chỉ đạo thông tin thống nhất, hiệp đồng thông tin đồng bộ, tác chiến thường trực, đa dạng, đa tuyến. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, có nhiệt huyết và tầm cao về lý luận; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận có đạo đức, bản lĩnh, trí tuệ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đa dạng hóa nội dung, phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nhiều cấp độ, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực và từng tầng lớp nhân dân. 

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng. Làm cho cán bộ, đảng viên và người dân đặc biệt là thanh, thiếu niên thấy rõ tính hai mặt của không gian mạng; có khả năng nhận diện,phân biệt được các thông tin “thật”, “giả” và “miễn dịch” các nội dung thông tin xấu độc, nguy hại đối với xã hội; kịp thời phát hiện, tố giác và ngăn chặn hoạt động lôi kéo người dân tham gia tuyên truyền, xuyên tạc trên không gian mạng. Xây dựng ý thức và phong cách văn hóa khi tham gia mạng xã hội, internet; không đăng tải hoặc để lộ, lọt thông tin, tài liệu liên quan đến bí mật Nhà nước. Xây dựng và phát huy vai trò của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng nhằm huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong tham gia hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động này.

Năm là, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, internet và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các trang mạng độc hại, các blog “đen” thường đăng tải các tin, bài, phim có nội dung xấu, độc hại, trái với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, quản lý internet, cần xác định những quan hệ xã hội nảy sinh trên lĩnh vực này chưa được pháp luật điều chỉnh để kiến nghị cơ quan chức năng xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.

Sáu là, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác phòng chống hoạt động xâm phạm ANCT-TTATXH trên không gian mạng có phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh nhuệ, hiện đại, có trình độ chuyên môn sắc bén. Nghiên cứu sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin mới để ngăn chặn triệt để các tin tức xấu, độc trên các trang mạng, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung “độc hại”. Tiếp tục đầu tư, trang bị các trang thiết bị nghiệp vụ chuyên dụng và áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống hoạt động tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, thù địch chống phá nước ta.

Phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, thù địch chống phá nước ta là cuộc chiến đầy cam go, khó khăn và thách thức. Để phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác này, những năm tới, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống các giải pháp cơ bản nêu trên, có như vậy, chúng ta sẽ đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, thù địch đối với nước ta./. Anh Đào (tổng hợp từ nguồn tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương)

 

 

136 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1320
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1320
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88995253