Gio Linh - Rộn ràng lễ hội đầu xuân 

Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, khi trời đất giao hòa, lòng người hân hoan, khắp nơi trên địa bàn huyện Gio Linh sôi nổi diễn ra các lễ hội mừng Đảng – mừng Xuân đậm nét văn hóa truyền thống, cầu cho mùa màng bội thu, năm mới may mắn, làm ăn phát đạt, thể hiện tinh thần thể thao, tình đoàn kết. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị văn hóa riêng, tạo không khí ấm áp, vui tươi với sức sống của ngày Xuân. Năm nay, đời sống nhân dân được nâng cao nên số lượng người tham gia rất đông đảo.

1. Lễ hội đua thuyền truyền thống.

Với truyền thống nghề sông nước, các xã Gio Mai, Gio Việt, thị trấn Cửa Việt, Gio Hải, Trung Giang, Trung Hải tổ chức lễ hội đua thuyền vào ngày mồng 4 tháng Giêng, nhân dân ở đây thường gọi là “chèo đua cầu mùa”. Lễ hội có ý nghĩa khẳng định thế mạnh kinh tế vùng sông, miền biển. Những năm gần đây, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản của huyện Gio Linh tăng lên đáng kể. Sau sự cố môi trường biển, huyện đã có chủ trương xây dựng các mô hình kinh tế để chuyển đổi sinh kế cho nhân dân; tăng cường đầu tư tàu đánh bắt xa bời. Hiện nay, toàn huyện có 886 tàu, thuyền với tổng công suất 78.914 CV; trong đó, 171 tàu xa bờ.

2. Lễ hội ném cù.

Một trong những lễ hội độc đáo của huyện, lễ hội ném cù cầu thịnh đã đi vào truyền thống văn hóa vùng cát, đồng bằng lúa nước lâu đời của nhân dân xã Gio Mỹ, lễ hội diễn ra trong hai ngày, mồng 4 tháng Giêng tại thôn An Mỹ và mồng 7 tháng Giêng tại thôn Cẩm Phổ. Trước khi đưa cù (được làm bằng gốc chuối) vào sân thi đấu, người lớn tuổi nhất làng sẽ tiến hành làm lễ tế trời đất, sau đó tuyên tố khai hội cướp cù. Mỗi trận cướp cù thường kéo dài ba hiệp, một hiệp khoảng 30 phút. Mỗi đội chơi đại diện cho một xóm, hoặc một thôn trong xã. Đội nào đưa cù vào rọ (được đặt trên ngọn một cây tre cao chừng hơn 3 m) là đội chiến thắng, sẽ được thưởng và ghi vào sử làng.

 Lễ hội diễn ra trong không khí ấm áp, vui tươi, đoàn kết, tạo tinh thần hân hoan, hứng khởi cho nhân dân bước vào lao động sản xuất trong năm mới. Với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện, xã Gio Mỹ và các xã vùng cát, đồng bằng huyện Gio Linh các năm gần đây đã triển khai nhiều mô hình sản xuất như mô hình lúa hữu cơ, gieo sạ hàng, mướp đắng nhà lưới, lạc phủ bạt nilong, mô hình cá - lúa, trang trại trên cát, … cho hiệu quả kinh tế cao.

3. Lễ hội chẻ đá đan troi.

Phát huy thế mạnh vùng kinh tế - văn hóa gò đồi, lễ hội “chẻ đá đan troi” xã Gio Hòa diễn ra ngày mồng 4 tháng Giêng, du khách khi đến đây có cơ hội chụp những tấm hình rất lãng mạn giữa bạt ngàn rừng cao su, hồ tiêu, … Các đội phải chẻ viên đá (gọi là “đá mồ côi” lớn) bằng hình thức thủ công với ve, đục, búa… Đội nào chẻ đá ra được nhiều viên đá vuông thành sắc cạnh, hình thức đẹp, cân đối, đủ hai mặt thì thắng cuộc. Ngoài kinh tế chính là cao su, hồ tiêu, … mỗi năm nghề chẻ đá làm trong 10 tháng, một lao động có thu nhập khoảng 50 đến 70 triệu đồng.

Lễ hội chẻ đá

Lễ hội đan troi

Ngoài những lễ hội nổi bật trên, Đảng bộ và nhân dân huyện Gio Linh tổ chức đón Tết cổ truyền Mậu Tuất - năm 2018 trong không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm. Khắp các địa phương, cơ quan trong toàn huyện đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT chào mừng kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, mừng Đảng mừng Xuân Mậu Tuất trong không khí sôi nổi và thiết thực.

Hội khai bút đầu xuân

 Các lễ hội trong toàn huyện đã góp phần xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội, phát huy được tính tích cực, sáng tạo của nhân dân, tạo sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư, tình làng nghĩa xóm được củng cố gắn bó hơn. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao, các giá trị văn hóa được gìn giữ và phát huy, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội từng bước thấm sâu vào ý thức của người dân, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm, đồng thời hạn chế, ngăn chặn một số hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, vi phạm thuần phong mỹ tục được đẩy lùi. Các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học - khuyến tài đã mang lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của huyện.

 Thông qua các lễ hội, lễ kỷ niệm, hội thi của huyện đã góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức và hưởng thụ của các tầng lớp nhân dân, đảm bảo định hướng chính trị, cổ vũ động viên cán bộ, nhân dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương. Quốc Dũng-VPHU Gio Linh

1356 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 901
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 901
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76796561