Trước đây, Đảng ta chủ trương đổi mới kinh tế và từng bước đổi mới về chính trị. Hiện nay, Đảng ta chủ trương đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế. Điều đó phản ánh kinh tế - xã hội của đất nước ta đã và đang phát triển, sự ổn định chính trị được giữ vững. Hay nói cách khác, sự phát triển của kinh tế - xã hội là căn cứ thực tiễn để Đảng ta tiếp tục đổi mới chính trị, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, xuất phát từ hệ thống chính trị của nước ta hiện nay là bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tấng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trúng lắp…, mặt khác, quan hệ và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì yêu cầu đặt ra là phải đồng bộ để đảm bảo hoạt động của toàn xã hội nhịp nhàng, vận hành thông suốt, hiệu quả. Hệ thống pháp luật và nền hành chính công vụ không những phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đất nước mà còn phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế, phải trở thành những công cụ chính trị góp phần đắc lực trong việc quản lý xã hội một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực, tạo sự tin cậy đối với các đối tác trên các lĩnh vực trong quá trình đổi mới đất nước.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong quan hệ giữa kinh tế với chính trị thì kinh tế thuộc hạ tầng kiến trúc, còn chính trị là yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng; là mối quan hệ trung tâm giữa ý thức xã hội và tồn tại xã hội. Kinh tế quyết định chính trị, song chính trị có tính tương đối độc lập của nó.
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xét về bản chất là đổi mới chính trị, trong đó bao hàm đạt được mục tiêu là xây dựng phương thức vận hành mới, tiến bộ, hiệu quả của cả hệ thống, thể hiện sự tập trung thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự chủ động, tích cực của các cấp, các ngành và của các địa phương. Để đạt mục tiêu đó, yêu cầu đặt ra đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế, tạo sự hoạt động nhịp nhàng của các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó chính trị và kinh tế là hai lĩnh vực trọng yếu. Hơn nữa, tính tương đối độc lập của chính trị có chức năng tác động, hướng dẫn thực tiễn kinh tế hoạt động.
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi khách quan, xét trong tình hình hiện nay, nó còn mang tính cấp bách đối với quá trình phát triển đất nước, trong đó đổi mới chính trị đảm bảo đồng bộ với đổi mới kinh tế sẽ trở thành yếu tố tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, trước hết và cơ bản là thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội thắng lợi tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của các lĩnh vực quan trọng khác.
Nếu không tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thì sẽ làm giảm sức chiến đấu của Đảng, không phát huy được sự chủ động, tích cực của các cấp, các ngành và của các địa phương; sẽ dẫn đến góp phần bội chi ngân sách bởi bộ máy cồng kềnh trong khi việc thực hiện tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, nợ công đang ở mức cao. Mặt khác còn có chỗ cho những tư tưởng bao cấp, tâm lý dựa dẫm, trông chờ vào Nhà nước tồn tại trong khi Đảng ta xác định là đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước và tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới./. Phan Văn Lãn