Để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển huyện Triệu Phong hiệu quả 

Vùng ven biển huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) có 03 xã Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu An, với bờ biển dài 18km, có ngư trường đánh bắt rộng với nhiều loại hải sản quý, có giá trị kinh tế cao, có cửa lạch, cảng cá, bến cá; có tiềm năng về đất đai, nguồn nước để phát triển ngành nuôi trồng, đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản và khai thác khoáng sản; có kết cấu hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, nhất là hệ giao thông kết nối giữa các địa phương trong và ngoài vùng, nguồn lao động khá dồi dào, có 6 xã (Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Phước, Triệu Trạch, Triệu Sơn) nằm trong Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh.

           Nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế vùng ven biển của địa phương, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Triệu Phong đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực, xây dựng khối đoàn kết, tạo ra những hướng đi mới với những bước đi, lộ tình hợp lý, từng bước chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế hiện có thành năng lực nội sinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển vùng ven biển của huyện lên một tầm cao mới và đạt được một số kết quả tích cực.

          Nghị quyết số 04-NQ/HU của Huyện ủy Triệu Phong khóa XVIII về phát triển thủy sản giai đoạn 2011-2015 đã bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn của địa phương đề ra mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp để phát triển tủy sản vùng ven biển. Qua hơn 6 năm thực hiện nghị quyết, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở huyện Triệu Phong có bước phát triển khá cả về diện tích và sản lượng, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng ven biển của huyện. Diện tích thả nuôi thủy sản năm 2015 đạt 310ha, sản lượng đạt 1.390 tấn. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo phương thức thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên hoạt động nuôi tôm đã dần trở thành ngành mũi nhọn, cho năng suất khá cao, nhất là tôm thẻ chân trắng. Tổng diện tích ao hồ nuôi tôm 199 ha, thả nuôi 277 ha, sản lượng 1.334 tấn, doanh thu 185 tỷ đồng, tổng lãi (sau cân đối) 51 tỷ đồng. Một số mô hình nuôi cá nước ngọt tập trung được đầu tư xây dựng, diện tích thả nuôi đạt 43 ha; sản lượng thu hoạch đạt 56 tấn.

          Việc cải hoán, nâng cấp tàu thuyền được chú trọng, cơ sở hạ tầng phục vụ đánh bắt thủy sản được đầu tư. Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho đánh bắt, khai thác thủy hải sản. Số tàu đánh bắt xa bờ với công suất trên 90 CV là 23 chiếc, tàu thuyền ven bờ với công suất dưới 90 CV là 369 chiếc, thuyền không lắp máy, thuyền thúng là 124 chiếc. Lưới nghề sử dụng chủ yếu là lưới 2, lưới 3 rê mực nang, xăm bãi. Tàu xa bờ và trung bờ công suất từ 40 CV trở lên ở vùng cửa lệch với các nghề như vó mực, lưới vây các loại…, được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, cải tiến ngư lưới cụ làm tăng năng suất, hiệu quả khai thác. Nhiều tàu đã được đầu tư nâng cấp, mua sắm trang thiết bị nên sản lượng khai thác đạt cao.

            Chế biến thủy sản là hoạt động sản xuất phổ biến mang tính truyền thống đối với các xã vùng biển. Một số mặt hàng chế biến chủ yếu như: nước mắm, ruốc, cá hấp, sấy khô, đông lạnh bước đầu đã củng cố, khôi phục được ngành nghề, làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Làng nghề nước mắm Gia Đẳng đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Hiện nay, huyện có 01 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; có 05 cơ sở sản xuất nước đá, 02 cơ sở sản xuất nước lọc tinh khiết, 01 cửa hàng xăng dầu Nhật Tân, góp phần đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá.

          Bên cạnh khai thác và nuôi trồng thủy hải sản là ngành nghề chủ lực, các vùng vien biển huyện Triệu Phong còn trồng trọt một số loại cây trồng như: đậu đỗ các loại, ném, dưa, mướp, khoai, sắn, lạc, lúa một vụ …nhưng với quy mô nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 652 ha. Nhiều mô hình ứng dụng thành công tại các xã ven biển như mô hình chuyển đất lúa thiếu nước sang trồng đậu xanh, đậu đen xanh lòng, mô hình trồng ném trên cát, nuôi xen ghép tôm sú- rong câu, trồng keo lưỡi liềm ven biển đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân. Các mô hình kinh tế trang trại, gia trại được xây dựng và phát triển với 100 ha mô hình có thu nhập cao, trong đó có 03 trang trại và 15 gia trại. Việc trồng rừng trên cát được quan tâm với nhiều chương trình, dự án lồng ghép. Rừng tự nhiên và rừng phòng hộ tại các xã ven biển đã và đang phát huy tốt chức năng chính là chắn gió, chắn cát bạt nhằm giảm cường độ gió, chắn cát di động, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, các khu dân cư và vùng sản xuất. Hiện nay, tổng diện tích đất có rừng là 708 ha.

          Bên cạnh những kết quả đạt được, trong khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển vẫn còn một số hạn chế, khó khăn đó là: Kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; việc khai thác hải sản xa bờ còn khó khăn. Mô hình có giá trị cao trong nông nghiệp còn ít; nuôi trồng thủy sản phát triển thiếu tính đồng bộ, bền vững. Việc đánh bắt và nuôi trồng chưa gắn chặt với công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, nguồn lợi thủy hải sản. Công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa mạnh, chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế chung. Cơ cấu kinh tế, lao động chuyển dịch còn chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chưa phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển của vùng. Lao động được đào tạo nghề còn thấp, cuộc sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Sự cố môi trường biển xảy ra làm cho môi trường biển bị thiệt hại và suy giảm cạn kiệt, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

            Trước thực trạng đó, ngày 14/4/2017, BCH Đảng bộ huyện Triệu Phong khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU “về khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển giai đoạn 2017-2020” với các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020: Diện tích gieo trồng cây hàng năm: 752 ha; Sản lượng lương thực có hạt: 950 tấn; Quy mô đàn trâu, đàn bò: 1.700 - 1.800 con (tăng 500-600 con); đàn lợn: 8.000 – 9.000 con (tăng 3.000 con – 4.000 con); đàn gia cầm: 35.000 - 40.000 con (tăng 6.000 - 10.000 con); Diện tích nuôi trồng: 400 ha; sản lượng: 1.600 – 1.800 tấn; Nước mặn, lợ 340 ha; sản lượng 1.500 tấn - 1.700 tấn; Nước ngọt: 60 ha; sản lượng 75 tấn – 80 tấn; Sản lượng khai thác thủy hải sản: 4.200 – 4.300 tấn; Sản lượng chế biến chiếm 35 - 40% sản lượng khai thác; Tàu đánh bắt xa bờ trên 400CV có 07 - 10 chiếc; tàu đánh bắt xa bờ từ 90 CV đến dưới 400 CV có 35 - 40 chiếc; Tạo việc làm mới cho 1.000 – 1.200 lao động; đào tạo nghề cho 200 – 300 lao động; Thu nhập bình quân đầu người 35 - 40 triệu đồng/năm.

          Để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển hiệu quả, thiết nghĩ các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, nhất là các địa phương thuộc vùng ven biển của huyện Triệu Phong cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, có hệ thống các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" và Nghị quyết của Huyện ủy (khóa XIX) “Về khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển của huyện giai đoạn 2017 – 2020” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của biển, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm của nhân dân để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vùng ven biển nhằm đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội vùng biển.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vùng ven biển.

- Tiến hành rà soát, khảo sát hiện trạng phát triển kinh tế của vùng để định hướng quy hoạch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Quy hoạch phát triển kinh tế vùng ven biển của huyện gắn với quy hoạch chung phát triển Khu Kinh tế Đông Nam của tỉnh.

Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, đảm bảo bền vững, an toàn dịch bệnh. Phát triển mạnh nông nghiệp sạch, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuyển đổi một số diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng rau màu, đậu xanh, dưa các loại,...

Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông - thuỷ - sản, khoáng sản, công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu và công nghiệp phụ trợ phục vụ đánh bắt, khai thác hải sản. Quan tâm xây dựng thương hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tăng sản lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Phối hợp nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, cửa lạch, chợ cá và các dịch vụ hậu cần phục vụ cho khai thác, chế biến thủy hải sản, phấn đấu tỷ lệ hải sản chế biến đạt 35 - 40% sản lượng khai thác.

Đẩy mạnh phát triển ngành thương mại – dịch vụ, du lịch. Tăng cường đầu tư hoàn thiện và đưa vào khai thác Khu Du lịch bãi tắm Nhật Tân (Triệu Lăng),…

Coi trọng phát triển kinh tế gắn với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển. Chăm lo sự nghiệp văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt kế hoạch giảm nghèo bền vững. Quan tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, giữ vững xã đạt chuẩn quốc gia về y tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm. Chú trọng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Phối hợp, liên kết đào tạo một số nghề cho lao động vùng biển để đón đầu các dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Đông Nam và các ngành, nghề có lợi thế của vùng biển... Phấn đấu đến năm 2020, đào tạo nghề cho 200 - 300 lao động.

-Tích cực tiếp cận, lồng ghép các chương trình, dự án để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng ven biển. Ưu tiên đầu tư phát triển cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, du lịch và dịch vụ; cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, giao thông kết nối, thủy lợi, điện sản xuất... góp phần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vùng biển. Khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư vào vùng biển.

- Đa dạng hoá các hình thức huy động vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương về hỗ trợ đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác xa bờ, khôi phục nuôi trồng thủy sản, vay vốn giải quyết việc làm...; chính sách hỗ trợ của tỉnh về đầu tư phát triển hạ tầng, hệ thống điện, công trình thủy lợi, phát triển CN-TTCN, ngành nghề, thương mại - dịch vụ, chính sách hỗ trợ trang trại, gia trại, hỗ trợ đào tạo nghề.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện nghiên cứu xây dựng chính sách hộ trợ xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại; chế biến, đào tạo lao động, ứng dụng khoa học công nghệ; chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng,...

- Tổ chức lại sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân vùng biển. Khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết (giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp, địa phương với địa phương, địa phương với doanh nghiệp,...) trong sản xuất, chế biến và tiêu thu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.

Với quyết tâm chính trị cao, bằng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt với truyền thống cách mạng anh hùng, với tinh thần vượt khó, không cam chịu đói nghèo, tin tưởng rằng vùng biển Triệu Phong tiếp tục có bước phát triển mới, gặt hái nhiều thành công, góp phần hiệu thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra. Thuỷ Phương

 

 

2760 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 878
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 878
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76860212