Khi đang khảo sát tình hình thiệt hại của gia đình học sinh trường THPT Đakrông, thầy Phan Hoàng Bách tình cờ thấy cảnh học sinh ngồi sấy từng trang sách ngấm nước mưa trước ngày đi học.
|
Học sinh tại điểm trường Cưp, Húc Nghì, Đakrông, sấy khô sách giáo khoa. Ảnh: Phan Hoàng Bách.
|
Những cuốn sách bị vùi trong lũ
Các em đến trường với sách vở không còn nguyên vẹn. Nhiều em không có dép đi, đôi chân trần loang lổ vì ngâm nước lâu ngày.
Trao đổi với Zing ngày 21/10, thầy Bách cho hay các em may mắn vì nhà ở vùng cao nên không bị ngập. Dù vậy, những căn nhà sàn với mái tranh, vách nứa không đủ để che mưa, chắn gió mùa bão lũ. Vì thế, nước mưa tạt vào, ướt hết sách vở.
Một số sách có thể dùng lại sau khi sấy khô. Một số khác đã hỏng hết. Hơn 10 năm thầy Bách về Đakrông công tác, đây là năm lũ to nhất. Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân nơi đây.
Trong khi đó, hoàn cảnh của học sinh xã Triệu Nguyên còn đáng thương hơn. Bức ảnh các em vớt sách từ bùn do ông Trương Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã, chụp gửi quỹ Nguyễn Hiến Lê, khiến nhiều người xót xa.
Tại trường Tiểu học và THCS Ba Lòng, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cho biết khoảng 45% học sinh trường sống ở vùng ngập sâu, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt mưa lũ.
Trong những ngày người dân chỉ đủ sức để đảm bảo tính mạng con người, nhiều sách vở, đồ dùng học tập bị nước lũ cuốn trôi hoặc vùi lấp trong bùn.
Điểm chính trường Ba Lòng chịu ngập nặng, nước dâng đến tận tầng 2 khiến những đồ dùng không thể di chuyển lên cao bị hư hỏng.
Giáo viên cố gắng dọn dẹp, lau chùi bàn ghế chuyển lên tầng 2, nhưng nước lũ cứ rút lại lên cao, sau nhiều lần ngâm nước lũ, bàn ghế hư hại, khó sử dụng lại. Hai dãy nhà ở dành cho giáo viên cũng hỏng nặng.
Tại trường THPT Đakrông, Hiệu trưởng Lê Chí Thông cho hay sáng 21/10, học sinh đến trường ngày đầu tiên sau lũ. Học sinh ở các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Tà Long, Húc Nghì, Hướng Hiệp, Ba Nang, Đa Krông mất sách vở, máy tính bỏ túi do nhà ngập trong nước lũ.
Đến nay, trường vẫn chưa liên lạc được với một số học sinh do nơi các em ở bị mất sóng điện thoại.
"Những ngày nước dâng cao, nghĩ đến học trò vùng thấp, tôi sốt ruột lắm. Lúc đó, chúng tôi chỉ có thể vận động giáo viên cùng các ban, ngành giúp đỡ để lo đủ lương thực, thực phẩm cho những em trọ ở quanh trường", thầy Thông chia sẻ.
|
Sách vở của học sinh xã Triệu Nguyên bị bùn vùi lấp. Ảnh: Trương Văn Hoài / Quỹ Nguyễn Hiến Lê.
|
Ủng hộ sách vở cho học sinh vùng lũ
Theo thầy Phan Hoàng Bách, học sinh thiếu sách vở, quần áo, giày dép để đến trường là tình trạng phổ biến ở Đakrông. Vì thế, thầy Bách mong các em được giúp đỡ để việc học không bị gián đoạn.
Đây cũng là điều mà nhiều giáo viên khác ở vùng lũ trăn trở. Ngay trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường sau lũ, trường THPT Đakrông khảo sát, lập danh sách, thống kê số lượng để kêu gọi ủng hộ. Trường cùng căn cứ tình hình thực tế để tổ chức dạy bù hợp lý.
Thầy Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Ba Lòng, thông tin đến ngày 21/10, học sinh vẫn chưa thể trở lại lớp do nước ngập, giao thông chia cắt và nước vừa rút khỏi trường nên giáo viên chưa dọn dẹp xong. Khi các em đi học, trường sẽ tổ chức thống kê thiệt hại để xin hỗ trợ cho học sinh.
Thầy nói thêm những ngày qua, nhiều đoàn thiện nguyện đã liên hệ với thầy, ngỏ ý sẽ hỗ trợ học sinh chịu thiệt hại sau thiên tai.
Trong thiên tai, không chỉ thầy cô trực tiếp dạy dỗ học sinh Quảng Trị lo lắng mà nhiều tấm lòng hảo tâm cũng hướng về Đakrông. Họ đứng ra quyên góp sách vở, quần áo để gửi đến học trò vùng lũ.
Chị Hoàng Thị Thủy (Hải Lăng, Quảng Trị) thông tin sau vài ngày kêu gọi, nhóm nhận được nhiều lời đề nghị sẽ gửi sách giáo khoa. Tuy nhiên, do vẫn còn mưa lũ, sách nơi khác chuyển đến có thể hư hỏng, họ chưa trực tiếp nhận sách.
"Khi tình hình đỡ hơn, chúng tôi sẽ nhận sách ủng hộ, rồi chuyển về Đông Hà để nhóm ở đó gửi đến học sinh Đakrông", chị Thủy nói về kế hoạch tặng sách, giúp học sinh đến trường sau lũ.
Nguyễn Sương