Phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội 

(ĐCSVN) - Lao động- việc làm là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế góp phần đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện của người dân. Vì vậy, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh nhấn mạnh như trên tại Phiên 4 về lao động an sinh xã hội trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Thị trường lao động phục hồi nhanh 

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, lao động - việc làm là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế góp phần đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện của người dân. Vì vậy, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, thị trường lao động đã bị tác động nặng nề, có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, có hơn 30 triệu lao động (tương đương 58,36% lực lượng lao động) bị ảnh hưởng tiêu cực (bị mất việc làm; phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; giảm giờ làm, giảm thu nhập...). Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thị trường lao động đã phục hồi nhanh trong năm 2022.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: MD)

Cụ thể, lực lượng lao động tăng nhanh và ổn định: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,6 triệu người (tăng 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2022 là 68,5% (tăng 0,9%).

Số lao động có việc làm tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế của đất nước và tăng cả ở 6 vùng kinh tế - xã hội: Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,5 triệu người (tăng 1,5 triệu người). Đặc biệt 3 vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 là Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đã có mức phục hồi mạnh (Đông Nam Bộ tăng 19,5% vượt quy mô của lao động năm 2019; Đồng bằng sông Cửu Long tăng 12,4%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tăng 6,9%).

Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành trở lại chiều hướng tích cực khi lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,9 triệu người (tương đương 27,6%); lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 12 triệu người, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 - khi chưa xảy ra dịch COVID-19. 

Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động được cải thiện, số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.

Tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27%

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, mặc dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập và hạn chế. Về chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, ước tính cả năm 2022 tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27%.

Cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động, 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 27,6%); gần 34 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 67,5% tổng số lao động có việc làm.

Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ.

Đặc biệt những tháng cuối năm 2022, trước tác động bởi sự biến động của thị trường quốc tế và trong nước, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Theo báo cáo nhanh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan có 528 doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh, phải cắt giảm việc làm; số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp hơn 600 nghìn người (khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp, trong đó số lao động bị mất việc làm hơn 50 nghìn người (chiếm 8,4% số lao động bị ảnh hưởng).

Trong khi đó, để kịp cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các ngày lễ lớn, các đơn hàng năm 2023 nhiều ngành, nghề lại đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn đợt cuối năm như Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển 25 nghìn lao động, Hà Nội có nhu cầu gần 28 nghìn lao động, Bắc Ninh khoảng 20 nghìn lao động, Đồng Nai khoảng 12,5 nghìn lao động.

Phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, thiếu tính kết nối, đặc biệt thiếu kỹ năng và kinh nghiệm trong hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động.

Ảnh minh họa (Nguồn: HNV) 

Rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực

Theo Thứ trưởng, trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta có cả những cơ hội đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Khi nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách trong năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức. Để khắc phục cũng như lường trước được những khó khăn sắp tới, chúng ta cần có những giải pháp khắc phục và trả lời những vấn đề đang đặt ra ở cả lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, các nhiệm vụ, giải pháp sẽ tập trung vào một số vấn đề. Đầu tiên là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

Rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế...

Ngoài ra, phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua việc đa dạng hơn các gói dịch vụ an sinh xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, thích ứng với các rủi ro.../.

 
Minh Thư
222 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 801
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 801
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77239690