Nhiều dư địa cho xuất khẩu nước mắm của Việt Nam 

(Chinhphu.vn) - Ngày 24/6, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo "Đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm - Định hướng và giải pháp".
 
Nhiều dư địa cho xuất khẩu nước mắm của Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết xuất khẩu nước mắm bình quân cả nước mới đạt tỉ lệ khoảng 12,6% so với tổng sản lượng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết hiện nay cả nước có hơn 4.200 cơ sở sản xuất nước mắm với sản lượng trung bình trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít...

"Ngày nay, nước mắm không chỉ phục vụ nhu cầu của người dùng trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, mở ra cánh cửa quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế, mang lại lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp. Ngành hàng nước mắm Việt Nam những năm qua đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo an toàn vệ sinh trong sản xuất cũng như tiêu chuẩn kiểm định của thị trường quốc tế", ông Hòa nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Hòa phân tích về khó khăn khi xuất khẩu nước mắm: "Rào cản lớn nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề dư lượng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận và mở cửa thị trường xuất khẩu. Song song với việc đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu, việc đẩy mạnh nghiên cứu thị hiếu, mở rộng thị trường xuất khẩu với sự đa dạng về chủng loại nước mắm; đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc, cũng như xây dựng thương hiệu quốc gia cho nước mắm Việt Nam cũng là vấn đề được đặt ra".

Để có được nguồn nước mắm chất lượng, ông Hòa cho rằng cần tổ chức các đội tàu chuyên khai thác cá làm mắm, ướp muối ngay trên tàu để bảo đảm chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến nước mắm.

GS.TS. Lưu Duẩn, Trưởng ban tư vấn Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam nhìn nhận, để tận dụng được dư địa xuất khẩu nước mắm, cần sự hợp sức của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các hiệp hội nước mắm cũng như các nhà khoa học trong việc kết nối và tìm ra các giải pháp mang tính thực tiễn cao.

Các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nước mắm cần đầu tư kinh phí nhiều hơn nữa để thay đổi công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HARPC, HACCP, ISO 22000,... nhằm đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường Hoa Kỳ, Australia, EU... Bên cạnh đó, cần đầu tư, nghiên cứu đa dạng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm sang trọng, tiện lợi, hấp dẫn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin thêm: Việt Nam có 17 cơ sở sản xuất nước mắm trong danh sách xuất khẩu đi các thị trường, trong đó 17/17 cơ sở đều có mức xếp hạng an toàn thực phẩm đạt yêu cầu theo quy định hiện hành. Xuất khẩu nước mắm bình quân cả nước mới đạt tỉ lệ khoảng 12,6% so với tổng sản lượng. Trong đó, thị trường châu Á chiếm hơn 54%, châu Úc chiếm hơn 18%, châu Âu hơn 13% và châu Mỹ hơn 13%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nước mắm năm 2021 đạt 28,53 triệu USD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần đảm bảo nguồn nguyên liệu cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, dụng cụ chứa đựng trong quá trình sản xuất, chế biến nước mắm. Áp dụng các chương trình quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong sản xuất nước mắm. Quan tâm hơn nữa đến bao bì, nhãn mác sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có cơ chế xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng hóa chất, phụ gia trong chế biến. Khôi phục và phát huy các mô hình, làng nghề chế biến nước mắm có giá trị truyền thống lâu đời, xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nước mắm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP…

Đỗ Hương

127 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 800
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 800
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77226940