Một số kết quả đạt được thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông tại tỉnh Quảng Trị 

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một chủ trương lớn của Đảng, thực hiện trong thời gian dài, nhiều việc mới, việc khó; đặc biệt, quá trình thay đổi tư duy nhằm chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới là việc làm không dễ.

Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và xã hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được nâng cao; đã tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của cộng đồng. Hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Các trường học đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và năng lực tự chủ trong thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Đến nay, về cơ bản đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh có cơ cấu hợp lý; hầu hết, đều có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tính đến ngày 31/12/2023, đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên trong biên chế ở các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là: 9.105 người[1], trong đó: Khối tiểu học hiện có 3.984 người[2], trong đó: CBQL (154 người), giáo viên ( 3.645 người) và nhân viên (185 người). Khối trung học cơ sở, hiện có 3.360 người[3], trong đó: CBQL (285 người), giáo viên (2.589 người) và nhân viên (486 người). Khối trung học phổ thông, hiện có 1.761 người[4], trong đó: CBQL (86 người), giáo viên (1.529 người) và nhân viên (146 người). Cán bộ quản lý và giáo viên tăng về số lượng và chất lượng ngày càng nâng cao. Theo chuẩn cũ hiện có 524/525 CBQL có trình độ chuyên môn đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm tỷ lệ 99,81%. Toàn ngành hiện có 461 CBQL, giáo viên phổ thông công lập có trình độ sau đại học (Cấp Tiểu học: 28 người; cấp THCS: 92 người và cấp THPT: 341 người). Ngoài ra, có 51 CBQL, giáo viên đang tham gia đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo được hỗ trợ học phí từ ngân sách Nhà nước.

Mạng lưới trường, lớp học trong toàn tỉnh đã được tổ chức, sắp xếp hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu việc triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đến nay, toàn tỉnh còn 368 đơn vị; giảm 108 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, tỷ lệ giảm 22,7%. Toàn tỉnh hiện có 895 điểm trường, giảm 40 điểm trường. Đầu năm học 2023 - 2024, tỉnh đã thành lập điểm trường tiểu học trên huyện Đảo Cồn Cỏ nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân huyện Đảo.

Cơ sở vật chất, trường lớp thực hiện lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông luôn được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất để có kế hoạch xây dựng, sửa chữa, cải tạo trường lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tính đến đầu năm học 2023 - 2024, toàn ngành có 4.055 phòng học (Tiểu học: 2.455 phòng; THCS: 1.120 phòng; THPT: 480 phòng), số phòng học kiên cố đạt tỷ lệ 87,84%; có 1.204 phòng học bộ môn, đa chức năng (Tiểu học: 470 phòng; THCS: 490 phòng; THPT: 244 phòng), có 330 thư viện (Tiểu học: 167; THCS: 130; THPT: 33), có 182 phòng thiết bị giáo dục và nhiều hạng mục công trình khác; hầu hết các cơ sở giáo dục tiểu học có đủ phòng học để triển khai dạy học 02 buổi/ngày, tỷ lệ đạt 0,99 phòng/lớp; các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có đủ phòng học theo quy định, có các phòng học bộ môn để tổ chức thực hành, thí nghiệm và dạy học môn Ngoại ngữ, Tin học. Tổng kinh phí trang cấp thiết bị dạy học lớp 1: 9.327.909.000 đồng; thiết bị dạy học lớp 2: 12.388.559.000 đồng; thiết bị dạy học lớp 6: 21.284.464.000 đồng; thiết bị dạy cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú năm 2023: 3.765.686.000 đồng; thiết bị dạy học tối thiểu cấp THPT năm 2023 cho các trường phổ thông thuộc tỉnh Quảng Trị: 7.442.868.000 đồng và thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học năm 2023 cho các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị: 5.032.000.000 đồng. Trong đó, ưu tiên xây dựng đủ phòng học, phòng chức năng; mua sắm trang bị đủ thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện chương trình lớp 1 năm học 2020 - 2021; chuẩn bị điều kiện triển khai sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022.

Các cơ sở giáo dục đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học, tự làm đồ dùng dạy học. Chú trọng đầu tư hệ thống công nghệ thông tin theo hướng hiện đại nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học. Đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai hệ thống đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên qua mạng; khai thác sử dụng có hiệu quả các phòng họp trực tuyến. Lệ Thu

 

[1] So với định mức của năm học 2023 - 2024 còn thiếu 332 người

[2] So với định mức thiếu: 146 người  (CBQL 24, giáo viên 106, nhân viên 16)

           [3] So với định mức thiếu: 142 người (CBQL 66, giáo viên + 2, nhân viên 78)

           [4] So với định mức thiếu: 44 người (CBQL + 01, giáo viên 23, nhân viên 22)

22 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 443
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 443
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84597148