Đẩy mạnh phát triển nền Y học cổ truyền và Hội Đông y các cấp trong giai đoạn mới 

Sau hơn 15 năm quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X “Về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt kết quả nhất định

Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân bằng y học cổ truyền và xây dựng tổ chức hội đông y các cấp vững mạnh đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về lĩnh vực này đã được ban hành kịp thời và từng bước được bổ sung, hoàn thiện tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, chỉ đạo, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực y học cổ truyền. Công tác phối hợp liên ngành ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Hội Đông y từ tỉnh đến cơ sở có bước phát triển góp phần quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân; cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, theo phương châm “Kế thừa, phát huy, phát triển y dược học cổ truyền, với y học hiện đại”.

Bên cạnh những kết quả quan trọng, quá trình thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư đã bộc lộ một số khó khăn, thách thức; Công tác nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc y học cổ truyền tại địa phương còn hạn chế ; Sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại chưa chặt chẽ nên chưa phát huy thế mạnh y học cổ truyền trong các cơ sở khám, chữa bệnh; Công tác quy hoạch, trồng, chế biến dược liệu vẫn còn bất cập.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém: Nền kinh tế của tỉnh phát triển còn chậm; số doanh nghiệp ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Nhân dân còn ít; nguồn kinh phí đầu tư xây dựng bệnh viện y học cổ truyền còn khó khăn. Chính sách thu hút cán bộ ngành y đã được ban hành sớm và thường xuyên có sự điều chỉnh nhưng hiện tại vẫn chưa đủ mạnh để thu hút nhất là những người có trình độ chuyên sâu y học cổ truyền mà tỉnh đang cần. Ngoài ra, khí hậu thời tiết Quảng Trị khắc nghiệt, thiên tai diễn biến phức tạp…cũng là yếu tố chưa hấp dẫn để các nhà đầu tư đến trồng dược liệu.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền Y học cổ truyền và Hội Đông y các cấp trong giai đoạn mới, cần tập trung thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục triển khai quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương khóa X “Về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, Kết luận số 86-KL/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới” gắn với việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, trong đó có lĩnh vực đông y và phát triển hội đông y các cấp.

Hai là, rà soát, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ theo Kết luận số 86-KL/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 111-CTHĐ/TU, ngày 27/4/2018, của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”; Nghị quyết số 87-NQ/HĐND, ngày 09/12/2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế công lập đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.

Ba là, thường xuyên củng cố, kiện toàn, chăm lo phát triển Hội Đông y tỉnh và các cơ sở hội đông y trên địa bàn theo hướng chất lượng và hiệu quả. Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đến tận cơ sở; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ  việc khám, chữa bệnh y học cổ truyền.

Bốn là, quy hoạch, phát triển vùng nuôi, trồng cây dược liệu quý, hiếm phù hợp với đặc điểm, điều kiện sinh thái của các địa phương; khuyến khích các cơ sở y tế, các tổ chức đông y, cộng đồng dân cư và hộ gia đình trồng, khai thác cây dược liệu phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ. Kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý tình trạng dược liệu giả, dược liệu không rõ nguồn gốc, quảng cáo và tiếp tay cho các sản phẩm không đúng với chất lượng sản phẩm trong lĩnh vực y học cổ truyền.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực y học cổ truyền. Nghiên cứu triển khai các loại hình dịch vụ du lịch gắn với y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe và quảng bá các sản phẩm y học cổ truyền.

Sáu là, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn xã hội hoá khác trong việc nuôi trồng, nghiên cứu, khai thác nguồn dược liệu hiện có trên địa bàn góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân. Có chính sách khuyến khích nhân rộng nhũng bài thuốc hay, kinh nghiệm quý về y học cổ truyền.

Lệ Thu

26 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 314
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 314
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84596903