Giao dịch qua Sàn giúp bảo vệ người mua nhà 

(ĐCSVN) – Vừa mới đây, tại Báo cáo thẩm tra, tờ trình Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã có ý kiến theo hướng cho phép các bên bán bất động sản được chọn giao dịch qua sàn hoặc không, do quy định bắt buộc giao dịch qua sàn sẽ làm tăng chi phí trung gian.

Quyền được bảo vệ của người mua nhà

 Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (Ảnh: VARS)

Phân tích về nội dung trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) khẳng định việc bỏ qua quy định bắt buộc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai qua sàn là gián tiếp bỏ qua quyền được bảo vệ của người mua nhà.

Việc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai không thông qua sàn sẽ đẩy người mua nhà phải tự mình kiểm chứng chất lượng, pháp lý, giá cả… của bất động sản mà họ dự định mua, trong khi hầu hết họ không có được năng lực đó.

Chỉ có những đơn vị chuyên nghiệp mới có thể có năng lực thẩm định, thẩm tra các sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai. Khi không có sự tham gia của sàn, nhà đầu tư, khách hàng sẽ tiếp tục phải đối mặt với những dự án kiểu Alibaba... và đặt ra nguy cơ sẽ còn nhiều vụ án, nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện… và sự bất ổn của xã hội thông qua thị trường bất động sản.

Giao dịch qua Sàn không làm tăng chi phí

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, từ trước đến nay, chi phí bán hàng của chủ đầu tư dự án thường phải xác định trong khoảng 10% giá bán. Nhưng thường các chủ đầu tư sẽ lựa phân phối thông qua Sàn vì chi phí bán hàng sẽ rẻ hơn, hiệu quả hơn. Qua đó giúp cho chủ đầu tư nhanh thu và thu tốt hơn nhiều so với tự bán. Bởi vậy mà hầu hết ở các dự án Chủ đầu tư vẫn thường không trực tiếp bán hàng, thay vào đó, các giao dịch mua/bán nhà hình thành trong tương lai, thâm chí nhiều giao dịch nhà đất vẫn thực hiện qua sàn giao dịch.

Nhìn rộng ra, từ thời điểm Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 bắt đầu có hiệu lực ngày 1/7/2015, quy định giao dịch qua Sàn được bãi bỏ với mong muốn tạo điều kiện các chủ đầu tư chủ động với thị trường, giảm chi phí bất động sản khi đến tay khách hàng. Nhưng chúng ta có thể thấy, trong gần 10 năm, thị trường có sự trở lại ấn tượng, nhưng tác động “giảm chi phí” này có thực sự hiệu quả khi giá nhà thậm chí còn tăng mạnh.

Xét cả về mặt lý luận và thực tiễn, việc đưa quan điểm “giao dịch qua Sàn làm tăng chi phí là bất hợp lý”; đối với lo ngại việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn sẽ làm gia tăng chi phí, chúng ta có thể định mức phí trần, đủ để thực thi việc giao dịch.

Giao dịch qua Sàn gắn quyền với trách nhiệm và nghĩa vụ (Ảnh: VARS)

Trao quyền nhưng cũng cần đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ

Cũng theo Chủ tịch VARS, không khó để tìm ra các vụ tranh chấp tại dự án xuất phát từ chuyện Sàn phân phối, môi giới quảng bá nhiệt tình, đồng thời yêu cầu đặt cọc kẻo hết chỗ trước khi ký hợp đồng. Thế nhưng, sau một thời gian rất ngắn khi nộp tiền, kiểm tra lại thông tin của dự án thì khách hàng mới té ngửa, dự án chưa có giấy phép xây dựng chứ đừng nói đến đủ điều kiện bán hàng hay không. Khi các dự án bị phát hiện có sai phạm hoặc ngay cả khi người dân kiện cáo,… các Sàn, môi giới bất động sản vẫn là bên vô can, còn trách nhiệm vẫn quy hết về chủ đầu tư.

Trong khi hầu hết các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai vẫn đang hàng ngày được thực hiện thông qua Sàn giao dịch. Cần thiết phải tăng tính ràng buộc trách nhiệm của các Sàn, môi giới bất động sản khi thực hiện môi giới và nhận khoản chi phí hoa hồng để tránh những hệ lụy không đáng có.

Vì vậy, với việc quy định tất cả các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai cần thực hiện thông qua Sàn giao dịch đồng thời gắn trách nhiệm của Sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản trong việc mua/bán, sẽ bảo vệ quyền và lợi ích cho người mua nhà. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp cần bằng lợi ích các bên và giúp thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững.

Chủ tịch Nguyễn Văn Đính khẳng định, giao dịch thông qua Sàn, cá nhân môi giới sẽ là bên liên đới, chịu trách nhiệm nếu cung cấp thông tin không chính xác, môi giới mua bán các sản phẩm không rõ ràng. Sàn sẽ là gác chắn cho pháp luật như: chống rửa tiền, chống thất thu thuế vì giao dịch qua sàn sẽ phải thực thi đúng, đủ khi ta đã quy định cho nó. Ngoài ra, nhà nước có thể thông qua các sàn để nắm bắt đầy đủ hơn thông tin về thị trường bất động sản, qua đó có thể đưa ra các quyết sách vĩ mô đúng đắn. “Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã nhận thấy điều đó và có quan điểm “bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch” trong Nghị quyết số 18-NQ/TW”- ông Nguyễn Văn Đính nói.

 

 
HNV (lược ghi)
183 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 709
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 709
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77205832