Xác định tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị, tổ chức hội nghị quán triệt cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công đoàn toàn tỉnh; hướng dẫn các cấp công đoàn tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền cụ thể hoá bằng những chủ trương chính sách phù hợp với địa phương, đơn vị để thực hiện. Qua các kỳ Đại hội (khoá X, XI, XII), Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đều ban hành các chương trình, kế hoạch 5 năm về công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) có nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả, như: Thành lập Ban chỉ đạo "Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS)” ở cấp tỉnh. Chỉ đạo các cấp công đoàn khảo sát, phân loại doanh nghiệp, phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị; tăng cường cán bộ cơ quan LĐLĐ tỉnh cùng với cấp huyện, ngành tuyên truyền vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động ... Định kỳ, tổ chức giao ban chuyên đề phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS để rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cấp dưới.
Hình thành và duy trì các hoạt động truyền thống, tạo được điểm nhấn trong hoạt động công đoàn, như chương trình ”Tết Sum vầy”, ”Tháng Công nhân”, Chương trình ”Mái ấm công đoàn”, thu hút, tập hợp đông đảo công nhân lao động hưởng ứng, tham gia. Thông qua các Chương trình, hằng năm, Công đoàn đã tặng hàng nghìn suất quà cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2016, LĐLĐ tỉnh chọn chủ đề năm là “Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở” để tập trung chỉ đạo, tạo bước đột phá trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; năm 2017, 2018, 2019 chọn chủ đề “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, năm 2020 chọn chủ đề năm” Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS” nhằm lấy lợi ích làm điểm thu hút, tập hợp người lao động gia nhập tổ chức công đoàn.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu lý luận khoa học, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh quan tâm, từ năm 2005 đến nay đã triển khai nghiên cứu 3 đề tài khoa học cấp tỉnh liên quan đến nội dung này để áp dụng vào hoạt động công đoàn, đó là đề tài: “Hoàn thiện các giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”; ”Giải pháp xây dựng giai cấp công nhân và phát huy vai trò tổ chức công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; “Nghiên cứu đánh giá nguy cơ rủi ro và đề xuất biện pháp đảm bảo an toàn trong môi trường lao động của các doanh nghiệp chế biến gỗ ghép thanh, gỗ dăm ở tỉnh Quảng Trị”. Tham mưu cho Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành những chủ trương lớn để lãnh đạo công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn như: Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 30/7/2008 của Tỉnh uỷ về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ công chức, viên chức và tổ chức Công đoàn Quảng Trị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước”; Đề án 399 về “Phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020”...
Kết quả, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TU, LĐLĐ tỉnh đã thành lập được 100% CĐCS xã, phường, thị trấn phát triển được 3873 đoàn viên; 19 CĐCS đơn vị sự nghiệp ngoài công lập với 490 đoàn viên và 245 công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước, phát triển 13.800 đoàn viên.
Cùng với công tác vận động thành lập công đoàn cơ sở, việc nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn được chú trọng, ngay sau khi thành lập, các cấp công đoàn thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn cơ sở. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đoàn viên mới tham gia tổ chức Công đoàn. Sau mỗi nhiệm kỳ đại hội, 100% cán bộ công đoàn cơ sở đều được tổ chức tập huấn nghiệp vụ công đoàn, đặc biệt là đối với CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đều được tập huấn chuyên sâu về các vấn đề quan hệ lao động, bảo vệ quyền, lợi ích cho đoàn viên và người lao động... Vì vậy, chất lượng hoạt động của các công đoàn cơ sở sau khi thành lập dần đi vào ổn định, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đáp ứng được yêu cầu của đoàn viên và người lao động.
Đối với khu vực xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục cho đoàn viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; triển khai thực hiện có hiệu quả việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tham gia với cấp uỷ, chính quyền cơ sở cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; gương mẫu trong đạo đức, lối sống trước quần chúng nhân dân; tham gia tích cực, hiệu quả phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Hoạt động của CĐCS khu vực sự nghiệp dân lập sau khi được thành lập đã phát huy tích cực, tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên nâng cao nhận thức về chính trị, tổ chức tốt phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” nhằm đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo; đại diện cho viên chức, lao động giám sát thực hiện quy chế dân chủ. Đối với CĐCS khu vực doanh nghiệp, đã tập hợp được đội ngũ công nhân, lao động để tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chính trị, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức giai cấp và giáo dục truyền thống của giai cấp công nhân. Đa số công đoàn cơ sở đã thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, xây dựng thang, bảng lương, nội quy lao động, hướng dẫn người lao động ký kết hợp đồng với người sử dụng lao động đúng pháp luật, tham gia với người sử dụng lao động thực hiện đúng các chế độ chính sách cho đoàn viên, người lao động, tổ chức tốt việc đối thoại định kỳ, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể, bố trí, nâng cao chất lượng bữa ăn ca…góp phần ổn định quan hệ lao động hài hoà trong các doanh nghiệp; tham gia bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, tạo cơ sở chính trị - xã hội cho việc thành lập tổ chức Đảng ở doanh nghiệp.
Hằng năm, tỷ lệ CĐCS xã, phường, thị trấn đạt CĐCS hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 90%, trong đó có trên 20% CĐCS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tỷ lệ CĐCS khu vực doanh nghiệp và đơn vị ngoài công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 60%, trong đó có 19% CĐCS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 41-CT/TU, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp dân lập và xã, phường, thị trấn đạt được nhiều kết quả quan trọng, được các cấp uỷ Đảng, Chính quyền quan tâm chỉ đạo, phối hợp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Qua đó, góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh, xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống chính trị ở cơ sở. Thanh Hải (Văn phòng LĐLĐ tỉnh)