Cần lắm nhà bán trú cho học sinh vùng cao xã Hướng Lập 

(QT) - Vì điều kiện khó khăn phải băng rừng, lội suối đến trường trên quãng đường vài chục cây số, học sinh Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú TH&THCS Hướng Lập (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) luôn mong muốn có nơi ở bán trú ổn định để chuyên tâm học
Cần lắm nhà bán trú cho học sinh vùng cao xã Hướng Lập

Thực hiện chủ trương chuyển đổi các trường đóng trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới sang mô hình trường PTDT bán trú, tháng 4/2016 Trường PTDT bán trú TH&THCS Hướng Lập chính thức thành lập. Từ khi chuyển sang mô hình này, khó mà nói hết niềm vui của học sinh, phụ huynh cũng như thầy, cô giáo của trường bởi từ nay sẽ không còn cảnh các em học sinh từ các bản Cuôi, Tri, Tà Păng, Sê Pu, Cù Bai… phải vượt quãng đường hàng chục cây số trong mưa rừng, nắng núi để đến trường học chữ. Em Hồ Thị Sao, học sinh lớp 7 chia sẻ: “Nhà em ở tận bản Cù Bai nên lúc chưa được ở bán trú, mỗi ngày đi học em phải đi cả chục cây số để đến trường. Nay được ở lại trường học tập, được các thầy cô giáo chăm sóc, được cùng các bạn học bài nên việc học hành của em thuận lợi hơn nhiều”.

 

Một số thầy cô giáo của trường cũng cho rằng, từ khi chuyển sang mô hình bán trú, học sinh không phải đi về mỗi ngày nên giáo viên cũng bớt lo lắng khi các em qua sông, suối, đặc biệt là vào thời điểm mưa lũ bởi với tuổi các em vốn rất hiếu động, trong khi phần nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa đón. Đồng thời, các thầy cô cũng có thêm nhiều thời gian để trò chuyện, sinh hoạt cùng học trò, hiểu tâm tư, nguyện vọng các em để có thể giúp đỡ khi các em học hành, sinh hoạt, góp phần thay đổi nếp sống theo hướng tiến bộ, văn minh hơn cho các em học sinh là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

 

Năm học 2016 - 2017, Trường PTDT bán trú TH&THCS Hướng Lập có 317 học sinh theo học ở hai bậc tiểu học và trung học cơ sở. Ngoài số học sinh bậc tiểu học theo học tại các điểm lẻ, có điều kiện gần gia đình, còn lại hầu hết học sinh bậc trung học cơ sở phải về điểm chính tại trung tâm xã để học nên nhu cầu được ở bán trú là rất lớn. Tuy nhiên với cơ sở vật chất hiện có của trường chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu bán trú của học sinh. Dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà bán trú học sinh, thầy Phan Ngọc Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khu bán trú này vốn là nhà tập thể giáo viên được nhà trường cải tạo lại để làm nơi ăn ở, sinh hoạt cho 35 học sinh có nhu cầu bán trú bức thiết nhất của trường.

 

Theo thầy Dương, những học sinh bán trú này đều có hoàn cảnh chung là nhà ở cách xa trường hàng chục cây số, không thể đến trường và về trong ngày, người thân ở gần trường cũng không có nên nhà trường ưu tiên cho các em ở lại khu bán trú. Theo quan sát của chúng tôi, mỗi phòng bán trú có diện tích chừng 12m2 , được kê 8 giường. Mỗi phòng có hơn 10 học sinh cùng ăn ở, sinh hoạt và học tập sau giờ lên lớp. Em Hồ Văn Tình, học sinh lớp 9 cho biết: “Được ở bán trú rất vui, có bạn bè cùng học tập nên chúng em tiếp thu bài vở rất nhanh tiến bộ. Ở trường nhiều bạn cũng mong muốn được ở bán trú như em nhưng không có chỗ nên phải ở nhà người thân”.

 

Nếu như chỗ sinh hoạt và học tập sau giờ lên lớp của học sinh đã được kiên cố hóa thì chỗ nấu ăn của các em vẫn còn tạm bợ, đây là điều trăn trở lớn nhất đối với cán bộ và giáo viên từ khi trường chuyển sang mô hình bán trú. Tiếng trống trường vừa dứt chưa lâu, từng tốp học sinh về đến chỗ bán trú đã vội vàng vào bếp, người chẻ củi, người vo gạo để nấu ăn. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng các em rất tự giác, phân công nhiệm vụ rõ ràng.

 

Chứng kiến cảnh học sinh phải nấu ăn trong túp lều xập xệ, xiêu vẹo khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở. Thầy Nguyễn Hồ Phong, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do phải tận dụng tất cả các phòng để học sinh có nơi sinh hoạt và học tập nên hiện nay chỗ nấu ăn tập thể của học sinh không có, từ khi tổ chức bán trú nhà trường phải vận động ngày công của phụ huynh học sinh cùng thầy cô giáo trong trường dựng tạm một túp lều nhỏ để học sinh có nơi bếp núc.

 

Đây là sự cố gắng hết sức của nhà trường và phụ huynh, vì vậy mong các cấp, các ngành có sự hỗ trợ để học sinh có chỗ ăn ở đàng hoàng hơn, phục vụ tốt hơn cho các em trong việc học cũng như giảng dạy của nhà trường trong thời gian tới”. Đối với giáo dục vùng cao, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để vận động học sinh đến trường là một việc khó, giữ các em đi tiếp trên con đường học chữ lại càng khó khăn hơn. Việc chuyển đổi sang mô hình PTDT bán trú đã giúp cải thiện điều kiện ăn ở, đi lại cho học sinh vùng sâu, vùng xa, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ học, đi học không thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Tuy nhiên hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của học sinh bán trú vẫn còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của học sinh. Vì vậy, ngoài sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục huyện Hướng Hóa, rất cần sự chung tay, quan tâm sẻ chia của toàn xã hội trong việc xây dựng nơi ở bán trú cho học sinh, giúp thầy trò nơi đây vững tâm đầu tư cho công tác dạy và học.

 

Công Điền

1857 Go top
cụm từ

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 848
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 849
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89002268