Cần cơ chế kiểm soát, chống biến tướng, lợi ích nhóm trong xã hội hóa y tế 

(ĐCSVN) - Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 13/6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy định cụ thể những nguyên tắc và đặc thù của việc xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, đồng thời, bổ sung cơ chế kiểm soát để chống biến tướng và chống lợi ích nhóm.

 

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự án luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này trong bối cảnh ngành y tế đang trải qua những khủng hoảng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư sinh phẩm y tế... Nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám thực hiện đấu thầu mua sắm vì sợ sai, sợ vi phạm.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 13/6. Ảnh: QH 

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, thể chế pháp luật không rõ ràng được coi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Trong đó có những vấn đề bất hợp lí, chẳng hạn như mô hình kiêm nhiệm chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện công lập.

“Trong ngành y tế luôn có hiện tượng người giỏi chuyên môn y khoa khi được cất nhắc làm lãnh đạo luôn phải lựa chọn làm chuyên môn hay làm quản lý. Đối với những người chấp nhận vừa làm quản lý, vừa làm chuyên môn thì áp lực nghiệp vụ là rất lớn và khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Bác sĩ khi bước vào phòng mô nhưng lại phân tâm vì gói thầu A, B nào đó. Nếu không xử lý được hết thì việc vào tù là sớm hay muộn”- đại biểu Nguyễn Công Long chia sẻ. Do vậy, đại biểu kiến nghị, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này cần giải quyết những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế, phải giải quyết những quy định bất hợp lý như mô hình quản lý kiêm nhiệm chuyên môn và quản lý điều hành.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét một số vấn đề như sửa đổi, bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn, hoạt động quản lý bệnh viện công. Đồng thời cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh. Đại biểu cho rằng, Chương III của dự thảo Luật mới tập trung sửa đổi các quy định và các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mà không quy định tiêu chuẩn về điều kiện hành nghề quản lý.

Cần quy định cụ thể về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế

Nhiều đại biểu đề nghị dự án luật cần quy định cụ thể hơn về tài chính y tế, đặc biệt là về cơ chế xã hội hóa nhằm khắc phục những bất cập hiện nay trong quản lý bệnh viện.

Cho ý kiến vào Điều 90 của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng dự án Luật chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến Kết luận ngày 25/4/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Kết luận nêu rõ là phải nghiên cứu để quy định cụ thể vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực khám, chữa bệnh ngay vào trong dự án Luật này. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, nguồn lực trong xã hội còn rất lớn. Do đó, nếu như Quốc hội, Chính phủ ban hành những quy định thật cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về xã hội hóa; liên doanh, liên kết sẽ giúp cho các bệnh viện có hệ thống trang thiết bị hiện đại và sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân và mang lại lợi ích cho nền Y tế nước nhà.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu sáng 13/6. Ảnh: QH

Từ những ý nghĩa trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đưa ra 3 kiến nghị: Một là, kiến nghị quy định cụ thể vào trong dự án Luật này những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Thứ hai, kiến nghị bổ sung các cơ chế kiểm soát nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm. Thứ ba, cần bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.

Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu rõ, bệnh viện công lập chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cũng là một trong những giải pháp thực hiện xã hội hóa y tế. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lần này vẫn không có điều khoản nào quy định cụ thể để các đơn vị y tế yên tâm thực hiện tự chủ. Đại biểu đề nghị ngay trong dự thảo luật cần cụ thể hóa về hình thức xã hội hóa trong y tế, hướng dẫn rõ ràng các quy định về tự chủ y tế; Cần phân loại và phân nhóm các dịch vụ đầu ra các loại dịch vụ y tế thật cụ thể, nhóm dịch vụ cần thiết, thiết yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị do nhà nước giao thì được nhà nước tài trợ toàn bộ. Những dịch vụ cơ bản thì nhà nước cấp kinh phí một phần, chứ không sai lệch bản chất tự chủ. Ngân sách nhà nước cần ưu tiên cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Cần đánh giá, tổng kết, xác định phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình

Bày tỏ đồng thuận với dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho rằng trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án bác sĩ gia đình với mục tiêu là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam. Phòng khám bác sĩ gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan, tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân và chi phí bảo hiểm y tế.

Theo mô hình này, bác sĩ gia đình đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ gia đình cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế để không những chỉ chăm sóc, điều trị bệnh mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh và hỗ trợ về tâm lý và xã hội. Bác sĩ gia đình là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tầm soát bệnh tật giúp giảm tải ở bệnh viện.

Song thực tế cho thấy, mô hình này hiện vẫn đang gặp nhiều vướng mắc như chưa có cơ chế định giá, chưa thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ trong mô hình hoạt động của bác sĩ gia đình, chưa xây dựng được được quy chế phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống phòng khám chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân, phí dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán bảo hiểm y tế, chưa xây dựng được mẫu bệnh án giấy thống nhất bệnh án điện tử của phòng khám bác sĩ gia đình.

Để hoàn thiện mô hình này, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị ngành y tế cần có đánh giá, tổng kết cụ thể, xác định phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động như giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế. Đồng thời cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc nhằm tăng nhân sự y học gia đình trong khoa khám bệnh, ngoại trú. Cần quan tâm đến vấn đề hành lang pháp lý và được luật hóa, có thể đưa vào một điều luật cụ thể về nội dung này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Dự thảo Luật chưa thể hiện đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Góp ý vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) nêu quan điểm, trước đây, dư luận đã nhiều lần biết đến các trường hợp bệnh nhân đã phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám bệnh, chữa bệnh và thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

“Một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) khẳng định.

Do vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị về nguyên tắc pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh. Tuy nhiên, Dự thảo mới đề cập đến mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề, tập trung vào một số quy định mục 1, Chương II về Quyền của người bệnh chỉ bao gồm 6 điều quy định tương ứng và nghĩa vụ của người hành nghề tại Điều 37. Các quy định này vừa thiếu lại vừa chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ trước, chưa có cơ chế cụ thể để bảo đảm người bệnh thực hiện được các quyền của mình. Rõ ràng nếu chỉ dừng lại ở những quy định như vậy, dự thảo luật chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, chưa đạt được mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là người bệnh làm trung tâm như Tờ trình Chính phủ đã xác định.

Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục tổng kết kỹ thực tiễn để bổ sung các quy định về mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với tính chất đây là mối quan hệ ủy thác giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, dự thảo Luật cần khẳng định trong mối quan hệ này người hành nghề phải thực hiện các công việc khám bệnh, chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh. Cụ thể, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh sẽ ba góc độ: Một là trách nhiệm trong việc khám bệnh, chữa bệnh. Hai là trách nhiệm bảo mật thông tin của người bệnh. Ba là trách nhiệm tránh xung đột lợi ích.

Về trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh, ngoài những nội dung đã được Dự thảo quy định tại Điều 8 và Điều 11, đại biểu cho rằng cần quy định rõ người hành nghề bắt buộc phải thông tin cho bệnh nhân về những ưu điểm, nhược điểm, những rủi ro và tác dụng phụ của phương pháp chữa bệnh. Giải thích về những phương pháp chữa bệnh khác nếu có chứ không chỉ dừng lại ở quy định chung như dự thảo hiện nay là tư vấn cung cấp thông tin về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, cần phải khẳng định trách nhiệm này phải được tiến hành liên tục trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, nhất là khi có những diễn biến mới về tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Điều này bảo đảm người bệnh hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình và hiểu được kết quả của tiến trình khám bệnh, chữa bệnh mà bác sĩ đã thực hiện. Đây là một trong những nội dung được pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, các nước rất quan tâm.

Về trách nhiệm tránh xung đột lợi ích, đại biểu cho rằng đây là nội dung chưa được dự thảo quan tâm đúng mức nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hạn chế những đơn thuốc đắt đỏ. Theo pháp luật nhiều nước, để tránh xung đột lợi ích người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải công khai mối quan hệ, lợi ích của mình với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh như Công ty dược phẩm, các đơn vị thực hiện các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán các cơ sở nghiên cứu y học để việc giám sát trong quá trình hành nghề. Các thông tin này được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải thông báo cho người bệnh được biết.

Quy định về khám, chữa bệnh từ xa đã không được soạn thảo đầy đủ trong dự thảo Luật

Đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu hầu hết các ý kiến góp ý để sửa chữa, bổ sung những vấn đề luật hiện hành bị thiếu, không cập nhật, song đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chỉ ra rằng, khiếm khuyết lớn nhất của Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) mà Ban soạn thảo để trình lần này là quy định về khám, chữa bệnh từ xa đã không được soạn thảo đầy đủ. Theo đại biểu, chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng trong Luật Khám, bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này chỉ duy nhất ở Điều 55 khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa đề cập rất ít. Việc quy định như vậy là không đủ, thiếu tầm nhìn và nếu Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này nếu được thông qua thì sẽ có nhiều điều bất lợi xảy ra.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tập trung soạn thảo cách đầy đủ, chặt chẽ và khả thi quy định về khám chữa bệnh từ xa, có thể dành một chương để triển khai bổ sung thêm các nội dung đã đề cập.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ, tròn 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ đại biểu thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ. Theo đại biểu, vì yêu cầu khám, chữa bệnh của xã hội tăng cao, y học phát triển quá nhanh, áp lực khám, chữa bệnh thì vẫn luôn là cứu bệnh như cứu hỏa. Đặc biệt, hơn 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã càn quét làm sức khỏe nhân dân bị tổn thương nặng nề yêu cầu chống dịch như chống giặc đã bộc lộ bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch, họ đã làm ngày làm đêm bất chấp nguy hiểm, khó khăn mặc dù thù lao của cán bộ y tế cơ sở chỉ có 18.600 đồng một đêm. Những quy định của luật pháp, không còn phù hợp khiến hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở xin thôi việc hay những vụ việc tiêu cực đang được đưa ra ánh sáng… và thiệt hại thòi lớn nhất lại xảy ra cho chính người bệnh.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn là cả hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế. Trước mắt cần triển khai nội dung trong các Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mua sắm để khám, chữa bệnh và dũng cảm để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình. Ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp như: Luật Khám, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống dịch và những luật khác có liên quan như Luật đấu thầu mua sắm, Luật Tài sản công, kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt những vấn đề như xã hội hóa tự chủ bệnh viện…/.

 
Đỗ Thoa
289 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 727
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 727
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77215381