XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU Ở TỈNH QUẢNG TRỊ -NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM  

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta với mục đích làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đây chính là cuộc cách mạng về kinh tế - xã hội và chính trị ở nông thôn nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững; một xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, tiến bộ.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 800/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước, diện mạo nông thôn, kết cấu hạ tầng đến đời sống người dân được thay đổi rõ nét, xây dựng nên những vùng quê “trù phú - an lành”. Kinh tế nông thôn có bước phát triển, nhiều địa phương có sự đột phá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; sản xuất đã từng bước chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa, xác định được các sản phẩm hàng hóa chủ lực để phát triển. Nông dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Cùng với cả nước, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay Quảng Trị đã có 52 trên 117 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, các xã sau khi đã đạt chuẩn nông thôn mới cần phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí và hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Ủy Ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành kèm theo Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 12 tháng 03 năm 2018, bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, với 12 tiêu chí liên quan đến tất cả các nội dung từ phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, các vấn đề về văn hóa - xã hội. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chọn 8 xã để tập trung chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và tổ chức lễ phát động “Quảng Trị xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020”, gồm các xã: Cam Chính, Cam Hiếu (Cam Lộ), Vĩnh Thủy, Vĩnh Kim (Vĩnh Linh), Hải Thượng (Hải Lăng), Triệu Đại (Triệu Phong), Gio Sơn (Gio Linh) và Tân Hợp (Hướng Hóa).

Qua 1 năm triển khai thực hiện, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã tạo ra luồng sinh khí mới, làm thay đổi cơ bản nhiều vùng quê nông thôn. Các địa phương đã triển khai tích cực, đặc biệt đã huy động tham gia của đông đảo người dân, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang; cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; các tuyến đường được trồng cây bóng mát, trồng hoa theo quy hoạch. Phong trào “Thắp sáng đường quê” tại các xã được đẩy mạnh, 100% tuyến đường trục xã, thôn, trục chính khu dân cư có hệ thống điện chiếu sáng. Xác định mục tiêu hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả được nhân rộng, tạo nên thương hiệu sản phẩm của các địa phương như: sản phẩm tiêu, ném của xã Vĩnh Kim, sản phẩm cao dược liệu, sắn dây của xã Cam Chính, sản phẩm thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh của xã Vĩnh Thủy…vv. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn được các xã quan tâm chỉ đạo, rác thải sinh hoạt được thu gom theo định kỳ, quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung và nâng cao tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường. Hệ thống cổng chào, pa nô, áp phích được xã đầu tư lắp đặt hoàn thiện tạo nên cảnh quan, diện mạo mới cho các địa phương. An ninh trật tự, hành chính công được các xã duy trì tốt, công tác giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa làng xã được bảo tồn và phát huy. Với những kết quả đạt được, ngày 25 tháng 9 năm 2019, tại Quyết định số 2562/QĐ-UBND, Ủy Ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã quyết định công nhận 3 xã: Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy, Cam Chính đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Mặc dù đã đạt được kết quả khá toàn diện nhưng tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở một số xã hiện vẫn còn chậm, một số chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu đề ra; tiêu chí về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt chuẩn; việc huy động các nguồn lực, nhất là đối với các doanh nghiệp và nhân dân để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thấp. Chưa có các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm tại địa phương. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.

Qua quá trình triển khai  thực hiện, tỉnh Quảng Trị đã rút ra một số bài học kinh nghiệm bước đầu trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu như sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể từ cấp tỉnh đến xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn về mục tiêu phấn đấu vì cuộc sống của người dân để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao. Thường xuyên tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm lẫn nhau tạo phong trào thi đua giữa các địa phương trong xã, giữa các xã, giữa các thôn, khu dân cư, giữa các hộ gia đình với nhau; tích cực tuyên truyền thông qua các chuyên mục, tin bài, phóng sự về các điển hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu. Kịp thời nêu gương, động viên cán bộ, nhân dân nhất là những tấm gương điển hình trong việc hiến đất, hiến cây, góp tài sản chỉnh trang bộ mặt nông thôn tại các thôn xóm.

Thứ hai, cần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các địa phương cần huy động sự đóng góp của Nhân dân, các doanh nghiệp và con em xa quê. Ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hạ tầng phát triển kinh tế, nâng cấp các trường học, trung tâm văn hóa, trạm y tế xã đạt chuẩn. Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của xã, xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung trên địa bàn.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện phải xây dựng khung kế hoạch, có phương án, dự toán và phải được tập huấn, hướng dẫn một cách cụ thể. Chú trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về kiến thức xây dựng nông thôn mới. Các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc từ khâu khảo sát, đánh giá thực trạng; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể theo từng nội dung, tiêu chí, xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng. Định kỳ hàng tháng, hàng quý phải tổ chức hội ý đánh giá kết quả, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, xác định rõ nội dung trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, tránh dàn trải. Thường xuyên kiểm tra, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động  “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”; phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo bền vững.

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, lâu dài. Với những kết quả đạt được chỉ là bước đầu, mặt khác, tiêu chí và yêu cầu đặt ra ngày càng cao, đòi hỏi sự nỗ lực của nhân dân, sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ, với các giải pháp trên chắc chắn Quảng Trị sẽ đạt được nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo. Phạm Xuân Ngọc  - Trường Chính trị Lê Duẩn

1893 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 784
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 784
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76201289