Xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển mới cho doanh nghiệp 

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/4, Viện Khoa học pháp lý, Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế và Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tọa đàm “Đưa Nghị quyết số 27 vào cuộc sống - xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp”.
Xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển mới cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Tọa đàm “Đưa Nghị quyết số 27 vào cuộc sống - xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp” - Ảnh: VGP/LS

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), đại diện Ban tổ chức nhấn mạnh: Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có rất nhiều nội dung, yêu cầu mới, quan trọng.

Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

Ông Cương mong muốn, từ tâm huyết với sự nghiệp chung, bằng kinh nghiệm, trí tuệ sâu sắc của mình, các đại biểu trao đổi, nhận diện rõ hơn những yêu cầu mới đặt ra từ Nghị quyết 27-NQ/TW, hiến kế giải pháp để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đề cập đến nội dung rà soát pháp luật trong quá trình thực hiện Nghị quyết, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, cần rà soát mô hình tổ chức doanh nghiệp. Rà soát các quyền và nghĩa vụ trong doanh nghiệp, mô hình quản trị mới của các doanh nghiệp để có nghiên cứu, sửa đổi luật doanh nghiệp trong tương lai.

Việc rà soát Luật Hợp tác xã là cần thiết, vì Luật Hợp tác xã chưa thực sự sát với thực tiễn hiện nay. Chính phủ đang sửa đổi luật này. "Tôi hy vọng tới đây Luật Hợp tác xã sẽ tiệm cận được với các mô hình trong thực tiễn, Luật được xây dựng theo hướng mở. Hy vọng luật ra sẽ thúc đẩy được khu vực kinh tế này", Đinh Dũng Sỹ nói.

Đồng thời, đề nghị rà soát luật để bảo đảm 6 quyền của doanh nghiệp. Ông đặc biệt đề nghị quan tâm đến vấn đề chấn chỉnh phong cách đạo đức công vụ của cán bộ thực thi pháp luật. "Chấn chỉnh chính chúng ta, để các vi phạm không có đất tồn tại. Luật là cần thiết, nhưng vấn đề thực thi cũng rất quan trọng”, ông Dũng nói.

Khẳng định lại tính pháp lý và thực tiễn của Nghị quyết số 27, luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nguyên Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, vấn đề trọng tâm là hoàn thiện và nâng cao hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật, đây là một thách thức với Bộ Tư pháp.

"Việc đồng bộ và thống nhất, công khai và minh bạch là những khái niệm để hiểu được đầy đủ ngữ nghĩa không đơn giản. Về vấn đề tiếp cận văn bản, cũng cần phải nghiên cứu rõ. Chữ “kịp thời” cũng là đòi hỏi không dễ với các nhà làm luật. Để ban hành một thông tư có Bộ cần đến hơn 300 ngày. Vậy làm thế nào để kịp thời khi nguồn lực có giới hạn? Làm sao để vượt qua được "bệnh mãn tính kinh niên" này?", ông Huỳnh đặt vấn đề.

Chủ tịch VIAC nhấn mạnh ý thứ 2 là vấn đề hoàn thiện cơ chế xã hội, vấn đề thuộc về lý luận là chính sách pháp luật có phải giải trình tiếp thu không?.

Theo ông, cần phải giữ nguyên ý kiến phản biện trong luật, trong văn bản quy phạm pháp luật. Gần đây, VCCI có thống kê về việc các bộ tiếp thu ý kiến của VCCI thế nào, kết quả cho thấy thấy khoảng 47% ý kiến được tiếp thu.

LS

275 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 613
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 613
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77379321