|
Việt Nam tham gia Diễn đàn Fullerton lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á. Ảnh: QĐND |
Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận thứ 3 với chủ đề “Việc sử dụng chiến lược các công nghệ mới nổi: Hàm ý với châu Á-Thái Bình Dương”, Trung tướng Vũ Chiến Thắng cho rằng không thể phủ nhận các tiến bộ về khoa học-công nghệ đã đóng góp không nhỏ cho cuộc phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng-an ninh của mỗi quốc gia, tạo cơ sở vững chắc để chủ động thích ứng trước những tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống, bao gồm đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, những mặt trái của nó cũng cần nhắc tới, cụ thể, tiến bộ khoa học-công nghệ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của các hình thái chiến tranh mới như chiến tranh mạng, chiến tranh đa môi trường, chiến tranh vùng xám, gây ra nhiều rủi ro dẫn đến xung đột và làm leo thang căng thẳng.
Vì vậy, cần phải có các cơ chế quản lý, giám sát việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ quân sự mới để hạn chế các tác động tiêu cực. Các nước cần minh bạch trong chính sách quốc phòng, chính sách phát triển khoa học-công nghệ quân sự và tăng cường hợp tác quốc tế để quản lý những rủi ro mà công nghệ tiên tiến có thể tác động đến an ninh của mỗi nước cũng như an ninh khu vực và thế giới.
Tại Diễn đàn Fullerton, một loạt nội dung được thảo luận trong 4 phiên về các chủ đề: COVID-19 và an ninh khu vực; An ninh biển và luật pháp quốc tế; Việc sử dụng chiến lược các công nghệ mới nổi: Hàm ý với châu Á-Thái Bình Dương; Các phương thức hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực.
Những đề cập của phía Việt Nam về thách thức và cơ hội của những tiến bộ khoa học-công nghệ đối với phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng-an ninh, ứng phó thách thức… được đánh giá tích cực. Tiến sĩ Samir Puri, chuyên gia nghiên cứu cấp cao Viện Nghiên cứu quốc tế (IISS), cơ quan tổ chức Diễn đàn Fullerton và Đối thoại Shangri-La, điều hành phiên thảo luận thứ 3 đánh giá: “Giữa những quan ngại về các mặt tiêu cực trong phát triển công nghệ, chúng tôi hoan nghênh phía Việt Nam nhấn mạnh cần phát huy những cơ chế hợp tác an ninh khu vực hiệu quả do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị ADMM và ADMM+, trong việc duy trì đối thoại chiến lược, áp dụng công nghệ thông tin tổ chức trực tuyến các cuộc trao đổi, đối thoại. Việt Nam khuyến nghị các nước không nên rơi vào các cuộc chạy đua vũ trang về công nghệ, cần minh bạch trong việc tăng cường xây dựng tiềm năng công nghệ quốc phòng. Những đề cập như vậy là rất cân bằng trong bối cảnh và tình hình thực tế hiện nay”.
Cũng tại Diễn đàn Fullerton, Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Quốc phòng Singapore Zaqy Mohamad cho rằng, đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể tới cách thức mà các nước và người dân tương tác với nhau. Đại dịch một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của hợp tác vượt ra ngoài biên giới quốc gia, mang tới những cơ hội lớn cho các Chính phủ và lực lượng quốc phòng cùng nhau hành động.
Nhân dịp này, Trung tướng Vũ Chiến Thắng cho biết, ngân sách quốc phòng Việt Nam phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhưng không chạy đua vũ trang, không trở thành gánh nặng của nền kinh tế đất nước. Việt Nam chủ trương đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
Theo Trung tướng Vũ Chiến Thắng, châu Á-Thái Bình Dương có tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới, là khu vực hòa bình ổn định, hợp tác, phát triển thịnh vượng hay không phụ thuộc rất nhiều vào hành động của chúng ta hôm nay, vào việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ như thế nào, sử dụng chỉ để phục vụ lợi ích vị kỷ của mỗi quốc gia hay vì hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Diễn đàn Fullerton lần này với hơn 20 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương tham dự từ các điểm cầu, là dịp quan trọng để các nhà hoạch định chính sách quốc phòng các nước khu vực thảo luận về các thách thức an ninh đang nổi lên trước thềm Shangri-La 2021. Trên cơ sở sự quan tâm của các nước, ban tổ chức Đối thoại Shangri-La sẽ xác định các vấn đề nóng, được nhiều nước quan tâm, để hình thành chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 6/6 tới tại Singapore. Tham dự Diễn đàn Fullerton trực tuyến lần này có các quan chức quốc phòng cao cấp, các chuyên gia phi chính phủ và các nhà nghiên cứu của IISS.
* Tại Diễn đàn Fullerton, Trung tướng Vũ Chiến Thắng cho biết, trong năm 2021, dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần đầu tiên nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế những sản phẩm của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
theo Quân đội nhân dân