Việt Nam phản đối mạnh mẽ các hành vi vô nhân đạo với ngư dân 

(Chinhphu.vn) - Việt Nam phản đối mạnh mẽ các hành vi vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực đối với các ngư dân của Việt Nam.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 3/8 khi được hỏi về việc 2 tàu cá Việt Nam bị tấn công.

Theo đó, vào 10h30 ngày 30/7, tại địa điểm Đông Nam cách Cù lao Xanh, tỉnh Bình Định 145 hải lý, tàu Bình Định số hiệu BĐ 96101TS bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm vào mạn trái và bỏ chạy, làm một ngư dân bị thương nhẹ và tàu hư hỏng nặng. Sự việc tiếp theo diễn ra cùng ngày vào 13h30, tại vị trí cách Nam Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 129 hải lý và Bắc đường phân định Việt Nam-Indonesia 12 hải lý, tàu cá Khánh Hòa số hiệu KH 95858TS bị tàu cảnh sát biển Indonesia bắn vỡ cabin.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm: “Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang làm rõ các thông tin liên quan”.

Một vấn đề khác rất được quan tâm là liệu Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và tính hiệu quả của bộ khung COC trong việc giải quyết các xung đột trên biển hay không. Bà Hằng cho biết:

“Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan sắp tới sẽ được tổ chức tại Manila (Philippines), theo quy định của ASEAN thì các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc sẽ xem xét thông qua thỏa thuận khung về COC đã được các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc hoàn tất tại Hội nghị Các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN-Trung Quốc về tham vấn COC.

Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định lại lợi ích chung của các nước ASEAN và khu vực là duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và tại Biển Đông. Trên cơ sở đó, ASEAN luôn nhất trí cần có một COC hiệu quả và ràng buộc về mặt pháp lý nhằm góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Đề cập tới câu hỏi của báo chí về dự án thăm dò dầu khí liên doanh hợp tác giữa Việt Nam và Tập đoàn Repsol (Tây Ban Nha), bà Hằng cho biết: Hoạt động thăm dò dầu khí giữa Việt Nam với đối tác Tây Ban Nha là hoạt động kinh tế bình thường. Lộ trình tiến độ triển khai dự án là quyết định của doanh nghiệp, trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan.

Tất cả các hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam được tiến hành trong khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của Việt Nam, đóng góp tích cực và thiết thực cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh thêm.

Liên quan đến việc bắt giữ một số đối tượng mang danh nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, bà Hằng cho biết: “Những đối tượng bị bắt giữ điều tra do có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và quá trình điều tra được thực hiện theo đúng trình tự tố tụng của Việt Nam. Như tại các quốc gia khác trên thế giới, tại Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam”.

Thùy Dung

1498 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 604
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 604
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84998840