Việt Nam - điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics khu vực châu Á-Thái Bình Dương 

(Chinhphu.vn) - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn ở mức hai con số, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Hội nghị thường niên khu vực châu Á-Thái Bình Dương thu hút đông đảo doanh nghiệp logistics quốc tế - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngày 14/7, tại TP. Đà Nẵng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Hội nghị thường niên khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên đoàn Các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA). Sự kiện thu hút gần 300 doanh nghiệp logistics quốc tế là các nhà cung cấp dịch vụ logistics từ 50 quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các doanh nghiệp quan tâm tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển logistics.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận các nội dung quan trọng, như: Hành trình số của FIATA: Phát triển nhà giao nhận vận tải số; vai trò của trung tâm logistics trong phát triển vận tải xuyên biên giới và hành lang kinh tế Đông Tây; chương trình đào tạo hàng hoá hàng không FIATA-IATA toàn cầu và lợi ích cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho hay, hội nghị AFFA tập hợp các nhà giao nhận vận tải hàng đầu từ châu Á tập trung bàn bạc vào những thách thức, xu hướng mới cũng như yêu cầu về phát triển bền vững trong khu vực. Sự kiện là điểm nhấn của ngành logistics và vận tải tại châu Á. Tại đây các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được các xu hướng mới nhất và phương pháp hay nhất trong lĩnh vực giao nhận vận tải vào năm 2023.

Chủ tịch FIATA, ông Ivan Petrov cho hay, đơn vị là đại diện cho các doanh nghiệp giao nhận hàng hóa tại 150 quốc gia. "FIATA hoạt động ở cấp độ quốc tế để đại diện cho dịch vụ các nhà cung cấp hoạt động trong lĩnh vực hậu cần thương mại và chuỗi cung ứng sự quản lý, đồng thời đơn vị cũng thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại và các thông lệ tốt nhất giữa các cộng đồng giao nhận vận tải. Song song với đó, FIATA ủng hộ việc tạo thuận lợi cho thương mại và đóng góp tích cực vào hoạt động của chuỗi cung ứng thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan", ông Ivan Petrov nói.

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Logistics Việt Nam thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, với vị trí địa chính trị đặc biệt, nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn ở mức hai con số, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Báo cáo của WB công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 3.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trong khuôn khổ hội nghị - Ảnh: VGP/Lưu Hương

"Dịch vụ logistics không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.

Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ logistics quy định tại Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có buổi tiếp xã giao với Chủ tịch FIATA và Tổng Giám đốc FIATA, ông Stéphane Graber,  tại trụ sở Chính phủ. Thủ tướng ghi nhận những đóng góp của FIATA trong phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam, mong FIATA tiếp tục quan tâm hỗ trợ ở góc độ tư vấn, kết nối cơ hội hợp tác kinh doanh, đào tạo trong ngành dịch vụ logistics của Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ đồng hành cùng các đối tác trong và ngoài nước, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại-dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng đến hợp tác phát triển dịch vụ logistics đem lại lợi ích nhiều hơn cho các bên, góp phần đưa quan hệ Việt Nam với các nước lên tầm cao mới, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các nước trong khu vực.

"Trong bối cảnh ngành dịch vụ logistics đang đối mặt với nhiều thay đổi khó lường và sự phát triển của khoa học công nghệ, xu hướng toàn cầu hóa đang mở ra nhiều cơ hội mới cùng với những thách thức cho ngành logistics, hội nghị là cơ hội quý báu để các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực có dịp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh cũng như chia sẻ những kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics mở ra cơ hội thúc đẩy xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Lưu Hương

179 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 677
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 677
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77200679