Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng 

Đội ngũ đảng viên là lực lượng nòng cốt, là cầu nối của Đảng với Nhân dân, góp sức cùng Nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng. Để tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới cần tiếp tục nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “chất” của đảng viên. Đây là giải pháp quan trọng góp phần tăng cường sức mạnh và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên”1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “chất” của đảng viên thể hiện qua quan điểm của Người về tư cách và tính Đảng của đảng viên, tập trung ở những nội dung cơ bản sau:

          Một là, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên định lập trường giai cấp công nhân và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đảng viên phải ý thức rõ rằng: “Đảng ta là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân để phục vụ Nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng”2. Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: “Suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho CNXH và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới”3.

          Người vừa động viên, vừa căn dặn đảng viên “phải tin chắc rằng cách mạng nhất định thành công, phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, phải tuyệt đối chấp hành mọi chính sách và nghị quyết của Đảng”4.

          Hai là, luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên hết; giữ gìn kỷ luật của Đảng và Chính phủ; sẵn sàng hy sinh cho Đảng.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi một đảng viên phải ghi chắc điều đó. Chúng ta gọi nó là Đảng tính5; “Đảng viên là người thay mặt Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động”5. Vì vậy, lợi ích của người đảng viên phải ở trong chứ không thể ở ngoài lợi ích của Đảng, của giai cấp. Người khẳng định: “Đạo đức các mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết”6; “Mỗi một đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể Nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng”7. Để tạo nên sức mạnh vô địch của Đảng, tất cả đảng viên phải “kiên quyết phục tùng sự lãnh đạo tập trung của Đảng”; “kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng”8.

          Ba là, hành động vì con người, thái độ kính trọng và “lễ độ” với Nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng trong mọi việc

          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời và sự nghiệp cho công cuộc giải phóng con người khỏi ách áp bức, nô lệ; giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam. Tư duy tiến bộ, hiện đại và nhân văn của Người được thể hiện rõ khi Người đưa Nhân dân lên địa vị là người chủ đất nước; giúp con người phát huy phần tốt đẹp và đẩy lùi phần xấu; khoan dung, độ lượng, tôn trọng cả những người đã từng đi sai đường. Người quan niệm, đảng viên “là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”, không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng việc phục vụ Nhân dân. Vì vậy, đảng viên phải “kiên quyết đấu tranh cho Nhân dân”9;gần gũi dân chúng, thương yêu, giúp đỡ dân chúng, tổ chức và lãnh đạo dân chúng”10.

          Trong các bài viết cũng như trong phong cách ứng xử, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đảng viên phải “yêu kính nhân dân”, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân, chăm lo cho Nhân dân cả đời sống vật chất và tinh thần.

          Bốn là, nắm vững những quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, thạo chính trị, giỏi chuyên môn, làm việc khoa học, cẩn trọng, lý thuyết gắn liền với thực hành và nói đi đôi với làm

          Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc yêu cầu đảng viên: “Chớ đem chủ quan của mình thay đổi điều kiện thực tế. Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước”11. Người phê phán đảng viên thích “Làm việc lối bàn giấy”12, không bám sát tình hình cơ sở, “làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn”13.

          Trong tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kém lý luận dẫn đến bênh chủ quan, không biết xử lý khéo công việc nên kết quả thường thất bại. Vì vậy, đảng viên phải luôn học lý luận và gắn lý luận với thực hành. “Đảng kết hợp lý luận với kinh nghiệm và thực hành của cách mạng Việt Nam. Đảng áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp Mác - Lênin mà giải quyết các vấn đề thực tế của cách mạng Việt Nam”14.

          Năm là, nghiêm khắc với bản thân, thật thà nêu ý kiến của mình, giữ gìn đạo đức cách mạng, học tập suốt đời và tiên phong gương mẫu về mọi mặt

          Nhìn rõ sức ảnh hưởng của mối đảng viên đến quần chúng và sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, đảng viên phải luôn giữ gìn đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải giữ chủ nghĩa cho vững và giữ “bí mật”15.

          Người nhiều lần nhắc nhở: “Tất cả các đảng viên bắt buộc phải đào cho đến tận gốc rễ những sai lầm”16, “phải thật thà tự phê bình và phê bình để tiến bộ mãi”17; “phải học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và thấm nhuần chính sách của Đảng để luôn luôn tiến bộ”18. Người yêu cầu: “Đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; đối với Đảng thì củng cố tốt và phát triển tốt”19.

          Đối với những đảng viên thoái hóa, biến chất, Người căn dặn: “Những phần tử đầu cơ vào Đảng có sự đôn đốc kiểm tra của Đảng và nhân dân, sẽ bị lật ra và Đảng sẽ thành trong sạch, kiểu mẫu, thành tâm thành ý phụng sự nhân dân, cách mạng và tất cả các đảng viên mới thành nười kiểu mẫu, đoàn kết giúp đỡ được anh em ngoài Đảng”20.        

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, Đảng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới: “Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Nhận thức về Đảng, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít đảng viên chưa đúng, không trong sáng. Cơ cấu đảng viên chưa hợp lý, tỉ lệ đảng viên trẻ chưa tương xứng với tiềm năng”21. Nguyên nhân là do: “Một số tổ chức cơ sở đảng buông lỏng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chưa nắm chắc diễn biến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên; đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên còn biểu hiện nể nang, hính thức, nặng về thành tích; chưa làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên, việc chuyển sinh hoạt đảng, xét miễn sinh hoạt đảng còn lỏng lẻo; chưa thường xuyên rà soát, kiên quyết sàng lọc đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng”22.

Sức mạnh của Đảng do sức mạnh của đội ngũ đảng viên tạo nên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”23. Do đó, tăng cường công tác rà soát, sàng lọc đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng là một đòi hỏi tất yếu, khách quan có tính quy luật, là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh./. Phan Văn Lãn

 

* 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 23: Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

 * 21, 22: Văn Kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

 

 

272 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 710
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 710
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77398657