Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành điều chỉnh và thành lập đơn vị hành chính của 4 tỉnh 

(Chinhphu.vn) - Ngày 7/2, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức họp Phiên toàn thể lần thứ 12 để thẩm tra các đề án thành lập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh đơn vị hành chính của 4 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Quảng Nam và Trà Vinh.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành điều chỉnh và thành lập đơn vị hành chính của 4 tỉnh - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/LS

Trình bày tóm tắt các tờ trình của Chính phủ về việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của các tỉnh An Giang, Bến Tre, Quảng Nam và Trà Vinh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh An Giang, Bến Tre, Quảng Nam, Trà Vinh và Bộ Nội vụ, Chính phủ đã có 4 tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị trấn Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, thị trấn Tiệm Tôm thuộc huyện Ba Tri và thị trấn Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre; thành lập các phường thuộc thị xã Điện Bàn và thị trấn Trung Phước thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam; điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập ấp Phước Hội thuộc xã Long Khánh vào ấp Mê Láng thuộc xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thành lập thị xã Tịnh Biên, các phường thuộc thị xã Tịnh Biên, thị trấn Đa Phước thuộc huyện An Phú và thị trấn Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Kết quả sau khi thành lập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính: Tỉnh Bến Tre không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng 3 thị trấn và giảm 3 xã, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm thành phố Bến Tre và 8 huyện); 157 đơn vị hành chính cấp xã (139 xã, 8 phường, 10 thị trấn). Tỉ lệ đô thị hóa đạt 13,33% (tăng 3,43% so với trước khi thành lập 3 thị trấn).

Tỉnh Quảng Nam không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng 5 phường và 1 thị trấn, giảm 6 xã; có 18 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 2 thành phố, 1 thị xã và 15 huyện); 241 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 197 xã, 30 phường và 14 thị trấn). Tỉ lệ đô thị hóa đạt 30,50% (tăng 4,07% so với trước khi thành lập 5 phường và 1 thị trấn).

Tỉnh An Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng 1 thị xã, giảm 1 huyện, tăng 7 phường, giảm 1 thị trấn và giảm 6 xã; có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 2 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện); 156 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 110 xã, 28 phường, 18 thị trấn). Tỉ lệ đô thị hóa đạt 37,24% (tăng 3,41% so với trước khi thành lập 1 thị xã, 7 phường và 2 thị trấn).

Tỉnh Trà Vinh không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và 7 huyện); 106 đơn vị hành chính cấp xã (85 xã, 11 phường và 10 thị trấn).

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, đại diện các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các tỉnh có tờ trình lần này đã giải trình, làm rõ những vấn đề được Thường trực Ủy ban Pháp luật và các thành viên Ủy ban quan tâm. Trong đó, đại diện UBND các tỉnh An Giang, Bến Tre, Trà Vinh đều khẳng định, đã và đang quyết liệt đầu tư bằng ngân sách, cũng như các nguồn lực khác để thực hiện tốt các tiêu chuẩn được Ủy ban Pháp luật lưu ý, góp phần bảo đảm chất lượng đô thị sau khi các đơn vị hành chính đô thị được thành lập.

Thành viên Ủy ban Pháp luật đều tán thành với sự cần thiết thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh An Giang, Bến Tre, Quảng Nam và Trà Vinh. Việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính đối với đơn vị này đều bảo đảm đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Hồ sơ, trình tự, thủ tục lập Đề án bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Kết luận nội dung Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, ngay sau Phiên họp, các cơ quan hữu quan cần sớm hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, có báo cáo bổ sung đối với những nội dung thẩm tra đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cung cấp thông tin, giải trình, làm rõ để có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính của các tỉnh An Giang, Bến Tre, Quảng Nam và Trà Vinh tại Phiên họp thường kỳ tháng 2/2023.

Lê Sơn

89 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 606
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 606
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76995243