Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Người chỉ rõ: Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người. Đây là ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến thắng lợi.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn và giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Văn hóa được xây dựng và bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử, nó làm nên nền tảng tinh thần của một xã hội, giữ vai trò quan trọng vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. Tư tưởng ấy, ngay từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta hết sức coi trọng.

Người khẳng định, “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1). Văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp.

Văn hóa không tách rời kinh tế, chính trị, một mặt nó chịu sự chi phối của kinh tế và chính trị, nhưng mặt khác, văn hóa có tác động trở lại to lớn đến kinh tế và chính trị. Người coi văn hóa nghệ thuật cũng là mặt trận, và anh chị em nghệ sỹ là những chiến sỹ trên mặt trận ấy. Người nhấn mạnh: Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Văn hóa cũng như chính trị, kinh tế và tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do. Ngòi bút của các bạn cũng là những chiến sỹ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Do vậy, văn hóa không đứng ngoài chính trị mà ở trong chính trị, gắn bó mật thiết với chính trị,“Có chính trị mới có văn hóa, xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nảy sinh được”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định, văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được; có thực mới vực được đạo; xã hội thế nào thì văn hóa thế ấy. Nhưng mặt khác, đến lượt mình, văn hóa là động lực của sự phát triển xã hội, phát triển kinh tế và “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Luận điểm này đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam, nâng cao sức tỏa sáng để tiếp tục làm nền tảng tinh thần vững chắc cho đổi mới và phát triển.

Văn hóa chính là phương thức sinh hoạt của dân tộc, của cộng đồng, gia đình, cá nhân... phù hợp với các đặc điểm về kinh tế, chính trị, xã hội, truyền thống của dân tộc, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước. Do vậy, tính chất của văn hóa cũng thay đổi cùng với những biến đổi trong mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong từng thời kỳ. Ngày 23/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Người thiết tha mong muốn: Nền văn hóa mới của nước nhà sẽ lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở; văn hóa phải làm cho mọi người có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng; đối với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả nam và nữ, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng những hạnh phúc mà mình đáng được hưởng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cái văn hóa mới này cần phải có tính khoa học, tính đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại. Nay nước ta đã được độc lập, tinh thần được giải phóng, cần phải có một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp với cả nguyện vọng của Nhân dân. Nền văn hóa mới bắt nguồn từ trong Nhân dân sẽ luôn luôn tìm tòi những con đường để làm sao có thể kể một cách chân thật hơn, chân thành hơn cho Nhân dân nghe về những mối lo âu và suy nghĩ của Nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã và đang là định hướng lớn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta. Nó mãi là ánh sáng soi đường cho công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta. Bác nói, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng… Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân…”(3)

Để đảm bảo xây dựng văn hóa trong tổ chức Đảng, Người luôn nhấn mạnh: Đảng một mặt phải làm công việc giải phóng dân tộc, một mặt phải giáo dục đảng viên và cán bộ, kiên quyết cảm hóa những phần tử xấu, sửa chữa những thói xấu còn lại. Phải cố gắng sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, khiến cho Đảng mạnh khoẻ, bình an.

Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa trở thành kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(4). Điều này càng thể hiện rõ, cùng với việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh, việc thực hiện tốt định hướng phát triển văn hóa của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển chung của đất nước.

Để thực hiện có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa như đã khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành, địa phương phải nêu gương để mọi người học tập và noi theo, “Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa đã thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa là nguồn lực nội sinh, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thanh Hoàng

 

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, t.3, tr. 431

(2) Hồ Chí Minh, Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, 1997, tr.10

(3) Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, t.2 (1945-1954), tr.199-200

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.II, tr.330

18888 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 553
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 553
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77371429