Tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam 

Đồng chí Lê Duẩn là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhân dân ta, người học trò lỗi lạc, tuyệt đối trung thành, kế tục xuất sắc lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với 79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm giữ cương vị Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của Nhân dân và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa…

Đồng chí đã để lại cho Đảng ta và Nhân dân ta một kho tàng di sản tư tưởng quý báu, trong đó hệ thống các quan điểm, tư tưởng của đồng chí về xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa vẫn giữ nguyên tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin được đề cập đến một số vấn đề mà tôi tâm đắc nhất trong tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam.

1. Tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn về văn hóa và xây dựng nền văn hóa mới

* Đồng chí luôn xem trọng văn hóa và đánh giá đúng vai trò của văn hóa trong lịch sử phát triển của dân tộc

Từ rất sớm, đồng chí Lê Duẩn đã có những nhận định rất thấu đáo về văn hóa gắn liền với dân tộc. Đồng chí cho rằng,Con người ta không chỉ sống với miếng cơm, manh áo, mà còn có đời sống tình cảm, đời sống văn hóa, những cái đó gắn liền với truyền thống dân tộc”. Khi nói chuyện với Đồng chí Nguyễn Khánh - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - ở Thượng Hải năm 1953, đồng chí đã nói lên những suy nghĩ của mình về văn hóa: “Nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc và tính nhân dân rất mạnh, thể hiện ở tâm hồn người Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam, phong tục, văn hóa và nghệ thuật Việt Nam trong cuộc sống hòa bình và cả trong chiến tranh. Chính sự phong phú và sâu sắc của dân tộc Việt Nam, của nền văn hóa Việt Nam, là nguồn sức mạnh của dân tộc ta trong đấu tranh cách mạng và trong cuộc kháng chiến hiện nay.” Từ đó có thể thấy, đồng chí rất xem trọng văn hóa, coi văn hóa chính là nguồn sức mạnh nội sinh làm nên những chiến công vĩ đại của dân tộc.

* Tư duy về văn hóa của đồng chí Lê Duẩn là tư duy văn hóa mở - sẵn sàng tiếp thu tinh hoa văn hóa từ nhân loại.

Trong vấn đề khôi phục và xây dựng nền văn hóa của dân tộc, ta bắt gặp quan điểm hết sức cởi mở và tiến bộ của đồng chí khi đề cập đến việc học hỏi kinh nghiệm của các nước, trong đó có Trung Quốc: “Rồi đây, kháng chiến thắng lợi, phải khôi phục, phát triển mạnh nền văn hóa Việt Nam… Trong việc này, ta phải học kinh nghiệm của Trung Quốc và sưu tầm, khai thác sức mạnh văn hóa trong tâm hồn và tri thức nhân dân. Phải làm cho nước mình đẹp hơn, đẹp bằng cảnh vật thiên nhiên cộng với sức sáng tạo văn hóa của người Việt Nam.”.

* Tư duy xây dựng nền văn hóa mới – nền văn hóa xã hội chủ nghĩa

Theo đồng chí, Nền văn hóa mới là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc. Nền văn hóa ấy được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Nó vừa hấp thụ có chọn lọc những thành quả văn minh loài người, những thành tựu văn hóa, khoa học hiện đại, vừa là sự kết tinh và nâng lên một tầm cao mới những gì đẹp nhất trong truyền thống hàng nghìn năm của tâm hồn Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Đó là truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường và mưu trí trong đấu tranh cho độc lập và tự do; là tình thương giữa những người lao động; là đức tính cần cù sáng tạo và lạc quan yêu đời. Đó còn là chủ nghĩa quốc tế vô sản đã bắt rễ vào đời sống tinh thần của nhân dân ta từ ngày có Đảng đến nay. Nền văn hóa ấy là sự kết hợp hài hòa những tinh hoa văn hóa có phong cách riêng của các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Xây dựng nền văn hóa mới là quá trình xây dựng, vun đắp những tư tưởng đúng, những tình cảm lành mạnh, những phong tục tập quán đa dạng, đồng thời là quá trình đấu tranh không khoan nhượng chống tư tưởng tư sản, phê phán tư tưởng tiểu tư sản, quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng thực dân, phong kiến, những nhân tố lạc hậu trong đời sống văn hoá của xã hội ta.

2. Tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng con người mới

Là nhà lãnh đạo kiệt xuất, đồng chí Lê Duẩn không chỉ quan tâm đến vấn đề văn hóa mà còn quan tâm đến việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam; hoài bão lớn của đồng chí đồng chí là xây dựng hệ giá trị chân – thiện – mỹ mới của con người mới, đáp ứng yêu cầu của “chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa”. Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng khẳng định: Chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có những con người mới phù hợp với nó, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Và “những con người mới”, “con người làm chủ tập thể” ấy phải mang những đặc trưng về văn hóa, phẩm chất được đồng chí khái quát như sau: “Yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, đó là những phẩm chất cơ bản cần được bồi dưỡng và hoàn thiện để cho con người có thể từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được cái đúng, cái tốt và cái đẹp của cuộc sống.” Có thể nói, chân lý mà Tổng Bí thư Lê Duẩn hướng đến và cô đúc lại trong xây dựng “con người mới” đó là “Lao động, tình thương, lẽ phải”.

Đối với “lao động”, đồng chí Lê Duẩn khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của “lao động” trong việc tạo ra con người và văn hoá: “Từ trong cội nguồn của nó, văn hóa là lao động. Hành vi văn hóa đầu tiên chính là lao động của con người tác động vào tự nhiên. Có lao động mới có con người, và có con người là có văn hoá”.

Nhờ có “lao động” và tích lũy lao động thì mới có thể đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn để xây dựng và phát triển đất nước trong chế độ mới, mà trong quá trình tích lũy lao động thì:“Chúng ta phải thấy rằng tích lũy trong nước là chủ yếu. Nguồn tích lũy bên trong là lao động của nhân dân ta”. Do đó, “lao động” là yếu tố rất quan trọng, là phẩm chất hàng đầu của con người mới để xây dựng một chế độ mới – chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa: Con người mới tất yếu phải là con người lao động, lao động với tinh thần tự nguyện, tự giác cao, với đầy đủ nhiệt tình, tận tụỵ, sẵn sàng cống hiến mọi trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là con người có tinh thần cách mạng tiến công, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào, coi lao động là vinh dự, là hạnh phúc, là lẽ sống….

Và cũng theo đồng chí:“Chỉ bằng lao động và thông qua lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, mới từng bước xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, làm nảy nở tình thương rộng lớn, một phẩm chất tốt đẹp vốn có của con người Việt Nam.”

 *Về “tình thương”, theo đồng chí: “Dân tộc Việt Nam ta xây dựng đất nước trên tình thương và đấu tranh…”; “Thương nước – thương nhà, thương người – thương mình là những tình cảm lớn làm nên vẻ đẹp của con người, lối sống và nền văn hóa Việt Nam.”. Trong đó “tình thương” lớn lao nhất là lòng yêu nước, cũng là nguồn cội làm nên sức mạnh cho dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược:“Dân tộc ta có tinh thần yêu nước rất cao, đồng thời là một dân tộc giàu lòng nhân ái”; Lòng yêu nước làm cho người Việt Nam đoàn kết gắn bó với nhau. Khi có khó khăn thì càng dân chủ hơn, thương yêu nhau hơn, đoàn kết hơn. Đó là cơ sở đầu tiên để tạo nên sức mạnh của dân tộc ta để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

 Đồng chí mong muốn xây dựng con người mới phải là con người có “tình thương”, biết đoàn kết, phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp: “Con người mới là con người có tình thương yêu sâu sắc đối với Nhân dân, biết đoàn kết hợp tác, giúp đỡ nhau trong lao động, chiến đấu và xây dựng cuộc sống mới, lấy việc xây dựng cuộc sống tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người, là lý tưởng cao đẹp, là hạnh phúc lớn của mình. Đồng thời cũng khẳng định: “Tình thương lớn ấy cần phải được bồi dưỡng và nâng lên trong các mối quan hệ của chế độ làm chủ tập thể.”

* Về “lẽ phải”, đối với đồng chí Lê Duẩn, “lẽ phải” trước hết là phải biết coi trọng đạo lý làm người và biết làm người. Chính điều đó đã giúp chúng ta viết nên những trang sử vô cũng oanh liệt và vẻ vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc: Có lẽ do biết coi trọng đạo lý làm người và biết làm người mà dân tộc Việt Nam ta đã đấu tranh tồn tại được và trưởng thành nên một dân tộc độc lập, một quốc gia độc lập. Đạo lý làm người đó đã hun đúc nên dân tộc Việt Nam, tạo cho dân tộc ta có sức sống mãnh liệt và cũng nhờ thế mà ngày nay chúng ta mới có được những trang sử vô cùng oanh liệt và vẻ vang.

 “Lẽ phải” trong quan niệm của đồng chí còn là ý thức không cam chịu ách thống trị của thực dân, không chịu cảnh nước lớn ức hiếp nước nhỏ; là lý tưởng cách mạng, khát vọng đấu tranh để mang lại tự do, cuộc sống ấm no, bình đẳng cho người dân. Đồng chí viết: Cái làm nên sức mạnh của những người cộng sản luôn cao hơn nỗi đau khổ cá nhân; người ta đến với lý tưởng, chấp nhận hy sinh vì nó là nỗi khát vọng về tình thương và lẽ phải cho mỗi đồng bào mình.

Còn trong xây dựng đất nước, “lẽ phải” lớn lao mà đồng chí hướng đến chính là phát huy sức mạnh tổng hợp và tinh thần làm chủ tập thể của Nhân dân từ đó tạo nên lực lượng tổng hợp của cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà trong lực lượng tổng hợp đó, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: Làm chủ tập thể là yếu tố quan trọng nhất. Đồng chí khẳng định: “Làm chủ tập thể chính là cái đúng, cái tốt và cái đẹp cao nhất mà con người đang vươn tới trong thời đại mới”.

Có thể nói, ba khái niệm “lao động”, “tình thương”, “lẽ phải” gắn bó hữu cơ, biện chứng, không thể tách rời trong tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn. Một xã hội phát triển cả 3 mặt “lao động” (sức mạnh kinh tế), “tình thương” (sức mạnh văn hóa), “lẽ phải’ (sức mạnh con người) như thế là một xã hội phát triển hài hòa, cân đối, toàn diện và bền vững, tạo nên sức mạnh tổng hợp như đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Sức mạnh kinh tế không thể tách rời sức mạnh văn hoá, sức mạnh con người, và sức mạnh của văn hoá, của con người phải được hiện thực hoá trong sức mạnh kinh tế”.

Hiện nay, chúng ta đã và đang xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Đại hội XIII của Đảng một lần nữa xác định:“Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Điều đó, đòi hỏi phải kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc, giá trị văn hóa và con người Việt Nam, đã được vun đắp nên qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Việc tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan điểm, tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn về văn hóa và con người Việt Nam gắn với việc kế thừa giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sẽ giúp chúng ta có cơ sở vững chắc để xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hình thành trong các thế hệ người Việt Nam nói chung, Nhân dân Quảng Trị nói riêng những phẩm chất tốt đẹp đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Minh Huyền

366 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1035
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1035
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77065333