Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021, từ ngày 1/3, Tổng cục Thống kê chính thức tiến hành Tổng điều tra kinh tế trên phạm vi cả nước.
Mục đích của cuộc Tổng điều tra nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương.
Cuộc điều tra cũng nhằm tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu GDP, GRDP năm 2020 theo Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia.
Đồng thời, cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành thống kê, của các bộ, ngành, địa phương.
Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện thông qua hình thức thu thập thông tin qua phiếu trực tuyến sử dụng internet (Web-form) và phiếu điện tử trên thiết bị điện tử di động (CAPI).
Sau đó toàn bộ dữ liệu điều tra từ phiếu Web-form, phiếu CAPI và dữ liệu điều tra của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ được tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung Tổng điều tra và được xử lý để tổng hợp kết quả điều tra.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 1/3 đến 30/5 sẽ tiến hành thu thập thông tin các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối doanh nghiệp; các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp; tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam; cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên.
Từ ngày 1/7 đến 30/7, tiến hành thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Dự kiến kết quả sơ bộ Tổng điều tra sẽ công bố vào tháng 12/2021 và kết quả chính thức công bố vào quý II/2022.
Về cuộc Tổng điều tra, Tổng cục Thống kê cho biết đây là 1 trong 3 cuộc tổng điều tra quan trọng do ngành thống kê thực hiện.
Hoạt động này cung cấp số liệu toàn bộ các ngành kinh tế; giúp chúng ta nắm được quy mô GDP, cơ cấu từng ngành kinh tế trong GDP, làm tiền đề quan trọng cho việc tính toán số liệu GDP của toàn quốc và GRDP của mỗi địa phương. Qua đó các bộ, ngành và địa phương tăng cường trong công tác tham mưu giúp Đảng và Nhà nước có được bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước; nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế nói chung và của từng ngành, từng địa phương để từ đó định vị được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển.
Tổng điều tra kinh tế là hoạt động có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, bao gồm tất cả các đơn vị kinh tế: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Do đó việc đổi mới theo hướng ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, cải tiến về nội dung, quy trình, cách thức triển khai là rất cần thiết vừa nhằm bảo đảm chất lượng nguồn thông tin vừa giảm kinh phí thực hiện.
Cuộc Tổng điều tra năm 2021 có một số điểm mới, gồm: Bổ sung thu thập thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ phản ánh kinh tế số ở Việt Nam; xác định và nhận dạng đối tượng điều tra, đơn vị điều tra; cải tiến cơ bản phiếu điều tra; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin; điều tra đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp; xây dựng bài giảng điện tử.
Để thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương đề nghị ngành thống kê thực hiện tốt vai trò chủ trì, hướng dẫn phương án, nghiệp vụ, kế hoạch triển khai đối với Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Ban Chỉ đạo địa phương, Tổ công tác các bộ, ngành; tham mưu và lập kế hoạch cho lãnh đạo bộ, lãnh đạo địa phương chỉ đạo cuộc điều tra theo phương án thống nhất, phù hợp với đặc thù của ngành và mỗi địa phương.
Các bộ, ngành, UBND các cấp, các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê và cơ quan thống kê các cấp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai thực hiện Tổng điều tra.
Thanh Xuân