Từ hội nghị Paris đến khúc khải hoàn đất nước 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi bằng cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội trong thế kỷ XX do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, là trang sử hào hung và mốc son chói lọi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta là cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày nhất, ác liệt nhất, đã trải qua 5 giai đoạn chiến lược, mỗi giai đoạn có nội dung chiến lược riêng, phản ánh sự phát triển của cuộc kháng chiến, đánh dấu sự chuyển biến về chất của cục diện chiến tranh, để cuối cùng thực hiện bước quyết định giành thắng lợi hoàn toàn.

Có nhiều nhà chính trị, quân sự, nhà nghiên cứu về lịch sử chiến tranh Việt Nam, nhà văn, nhà báo… trong và ngoài nước cắt nghĩa về nguyên nhân thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, mỗi người có nhìn nhận riêng, nhưng tất cả  đều khẳng định vai trò của lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do thiêng liêng, cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam, ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu anh dũng của quân đội ta là những nguyên nhân quyết định dẫn đến sự toàn thắng.

Với việc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973, dân tộc ta đã thực hiện được nhiệm vụ chiến lược “đánh cho Mỹ cút”. Sau khi ngụy quyền Sài Gòn được Mỹ hậu thuẫn phá hoại Hiệp định và tiến hành lấn chiếm ồ ạt khắp miền Nam, Hội nghị lần thứ 21 BCHTW khóa III (10/1973) đã quyết định tiếp tục thực hiện tư tưởng chiến lược của Bác Hồ: “đánh cho ngụy nhào”. Trên con đường tiến vào Sài Gòn, cùng với đội ngũ điệp trùng của 5 cánh quân  có “Bộ ba” cựu tù chính trị cộng sản ở nhà tù Sơn La: Lê Đức Thọ - Văn Tiến Dũng - Mai Chí Thọ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Paris trở về Hà Nội, đồng chí Lê Đức Thọ được Bộ Chính trị cử làm “Trưởng ban thi hành Hiệp định Paris” và từ tháng 3/1974 được cử làm Trưởng ban “Ban miền Nam” của Trung ương với nhiệm vụ giúp Trung ương và Bộ Chính trị lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện “Đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 5/1974, đồng chí Mai Chí Thọ - Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia định lúc đó cùng với một số đồng chí khác đã được Bộ Chính trị triệu tập ra Hà Nội để báo cáo tình hình đô thị miền Nam, chuẩn bị kế hoạch cho cuộc tổng tiến công chiến lược sắp tới. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã căn dặn đồng chí Mai Chí Thọ: “Thành ủy Sài Gòn - Gia Định phải có kế hoạch chuẩn bị thật tích cực và khẩn trương, khéo nghi binh, nghi trang để đảm bảo bí mật, bảo toàn lực lượng, khi thời cơ mới xuất hiện thì kịp thời kết hợp với lực lượng bộ đội chủ lực từ ngoài đánh vào để thực hiện cuộc tổng tấn công nổi dậy”.

Theo đề nghị của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Trưởng ban “Ban miền Nam” Lê Đức Thọ, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã được cử vào chiến trường Tây Nguyên để chỉ đạo trực tiếp tại chỗ nhằm bảo đảm chắc thắng cho trận đánh mở đầu vào Buôn Mê Thuột vào ngày 10/3/1975.

Ngày 28/3/1975, theo quyết định của Bộ Chính trị, Trưởng ban “Ban miền Nam” Lê Đức Thọ đã lên đường vào Tây Nguyên để phổ biến đầy đủ Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam” và truyền đạt những nhận định và quyết định mới của Bộ Chính trị về giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975 cho các đồng chí lãnh đạo ở chiến trường. Do tình hình chuyển biến nhanh, nên Bộ Chính trị đã yêu cầu đồng chí Lê Đức Thọ vào thẳng căn cứ Trung ương Cục miền Nam để cùng với các đồng chí Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp cuộc tổng tiến công và nổi dậy.

Ngày 8/4/1975, trong cuộc họp đông đủ của Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh B2, có thêm các cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh tham dự, đồng chí Lê Đức Thọ đã phổ biến nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị họp ngày 25/3/1975 ở Hà Nội. Cuối cuộc họp, đồng chí Lê Đức Thọ đã thông báo quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng  - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam làm Chính ủy...

Ngày 12/4/1975, Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã họp dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ và ra nghị quyết chuẩn bị ráo riết cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Ngày 14/4/1975, trong cuộc họp với Tư lệnh các Quân đoàn, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đại tướng Văn Tiến Dũng đã yêu cầu các đồng chí Tư lệnh các Quân đoàn “phải nhanh chóng đưa đơn vị đến đúng ngày, tổ chức chỉ huy và thông tin cho chắc, giữ được bí mật mọi hành động của đơn vị trước ngày nổ súng. Phải đặc biệt chú ý giáo dục bộ đội về ý nghĩa quyết định của Chiến dịch đối với việc bảo đảm thắng lợi của chiến tranh và giữ gìn kỷ luật chặt chẽ, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách khi vào thành phố.”

Chính ủy Phạm Hùng đã xúc động nói với các đồng chí trong Bộ Tư lệnh các Quân đoàn: “Đảng ta có truyền thống đoàn kết, nhân dân và quân đội ta có truyền thống đoàn kết, Nam - Bắc một nhà, Việt Nam là một nước. Đây là cơ sở để bảo đảm thắng lợi của chúng ta…Làm sao lúc kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, chúng ta đã có mặt ở Sài Gòn.”

Trưởng ban “Ban miền Nam” Lê Đức Thọ căn dặn các quân đoàn: “Trung ương giao cho Đảng bộ miền Nam, toàn thể các lực lượng vũ trang của ta hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Quân đoàn là lực lượng mạnh, đánh hiệp đồng binh chủng lớn, có trang bị hiện đại, lại có sự phối hợp với các lực lượng tại chỗ, có sự yểm trợ của các binh chủng và quân chủng khác, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ta đánh Sài Gòn lúc địch đang ở thế tan rã, không còn ở thế mạnh. Nhưng đây là sào huyệt cuối cùng của chúng. Chúng không có đường chạy, sẽ cụm lại để đối phó. Chúng có 5 sư đoàn, ta có 15 sư đoàn, chưa kể các lực lượng dự bị chiến lược khác. Như vậy không cho phép chúng ta không đánh thắng. Đó là ý kiến của Trung ương. Lúc tôi đi, các đồng chí trong Bộ Chính trị nói: “Phải thắng, không thắng không về”. Đó là quyết tâm của Bộ Chính trị…

Ngày và đêm 29 rạng ngày 30/4/1975, trước khi các binh đoàn chủ lực của ta tiến vào nội đô, dưới sự chỉ đạo của các cơ sở cách mạng, của cán bộ chính trị do Thành ủy Sài Gòn - Gia Định phái vào và của các lực lượng biệt động thành, nhân dân ở nhiều nơi đã kịp thời nổi dậy phối hợp với cuộc tiến công của bộ đội trên các hướng; tổ chức đón và dẫn đường cho bộ đội; sử dụng các loại xe chở bộ đội nhanh chóng tiếp cận và đánh chiếm các mục tiêu; dùng loa kêu gọi, giải thích, buộc địch đầu hàng; hướng dẫn bộ đội bắt bọn cảnh sát ác ôn và sĩ quan ngụy ngoan cố chạy trốn.

Đúng 11giờ 30 trưa ngày 30/4/1975, quân ta đã lần lượt đánh chiếm và làm chủ các mục tiêu trọng điểm và lá cờ giải phóng do Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận - cán bộ của Lữ đoàn xe tăng 203, kéo lên đã tung bay trên Dinh Độc Lập. Sau đó, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đã đọc bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện trên Đài phát thanh Sài Gòn. Sài Gòn đã được giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Lời dạy của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã được thực hiện trọn vẹn.

Năm tháng đi qua, loài người đã đi vào thiên niên kỷ mới, nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta mãi mãi là nguồn sức mạnh to lớn cỗ vũ tinh thần, hun đúc thêm ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên mỗi bước đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phan Văn Lãn

 

* Bài viết sử dụng tư liệu của Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, “Đại thắng mùa Xuân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

1170 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 685
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 685
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77200392