Truy dấu những kẻ “tàng hình" 

(CADN)- Quảng Trị được biết đến là địa bàn hội tụ nhiều “anh tài” tội phạm công nghệ cao (CNC) với tuổi đời còn rất trẻ, nhiều trong đó gây án khi đang là học sinh, sinh viên.

Đặc thù của loại tội phạm này như tàng hình, manh mối lại là dữ liệu điện tử nên công tác đấu tranh truy tìm, thu thập như “mò kim đáy bể”. Tuy nhiên, với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, những năm qua, Công an (CA) Quảng Trị đã thể hiện sự xuất sắc trong đấu tranh với loại tội phạm CNC này.

Đối tượng Phan Trung dùng chiêu lừa đơn giản nhưng khiến người khác sập bẫy. 

Tháng 2-2017, Đội Phòng chống Tội phạm công nghệ cao (Đội PCTPCNC) thuộc Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Quảng Trị được thành lập. Lực lượng của Đội PCTPCNC được đào tạo chuyên sâu cùng thiết bị phục vụ điều tra hiện đại, khẳng định quyết tâm cao trong đấu tranh hiệu quả với tội phạm sử dụng CNC trên địa bàn. Trong những vụ án truy dấu những kẻ “tàng hình” trên không gian mạng mà Đội PCTPCNC đã khám phá phải kể đến Chuyên án 113M. 

Chuyên án 113M được Phòng CSĐTTP về QLKT và Chức vụ , CA tỉnh Quảng Trị xác lập vào tháng 11-2013 từ hồ sơ tài liệu do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm CNC chuyển giao. Theo đó, nhiều bị hại ở nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Hà Nội, Sơn La... tố cáo họ bị “người thân” liên lạc qua facebook để vay tiền, nộp thẻ cào điện thoại với giá trị lớn nhưng chuyển xong mới phát hiện là... người lạ.

Tiếp nhận những kết quả xác minh ban đầu này, Phòng CSĐTTP về QLKT và Chức vụ quyết định xác lập chuyên án, quyết truy tới cùng. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với loại tội phạm trên, lực lượng Ban chuyên án (BCA) phải tìm hiểu, lần dò từng đoạn để thu thập dữ liệu, trong đó đặc biệt phải tìm đường đi của số tiền chiếm đoạt được quy đổi dẫn đến túi kẻ chiếm đoạt. 

Với quyết tâm và bản lĩnh xuất sắc, đến đầu tháng 1-2014, lực lượng BCA sau nhiều lần rà soát đã “khoanh” được nghi can là Lâm Quang Tr. (P.2, TX Quảng Trị), thời điểm ấy vẫn chưa đủ 18 tuổi. Qua đấu tranh, Tr. khai nhận từ năm 2012 đã có hành vi sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, sau giờ học, Tr. đến chơi tại một tiệm game tại TX Quảng Trị, đối tượng được bạn bè “truyền nghề”, mua 1 đường link để gửi ngẫu nhiên đến hộp thư yahoo, facebook, chỉ cần người sử dụng kích vào là Tr. có thể thu thập mật khẩu. Từ đó, Tr. truy cập tài khoản rồi mạo danh để trò chuyện, nhờ gửi tiền, card điện thoại. Sau khi bị hại chuyển tiền, mã thẻ cào điện thoại, Tr. thực hiện thao tác quy đổi tiền để rút tiền mặt. Điều tra xác định được Tr. đã chiếm đoạt gần 200 triệu đồng của nhiều người từ miền Bắc vào miền Trung. 

Sau vụ án trên, nhiều đối tượng khác ở Quảng Trị cũng rơi vào lao lý tương tự nhưng thủ đoạn được nâng lên một bậc khác, đa dạng hơn. Như vụ của Ngô Mạnh C. (1999, trú P.5, TP Đông Hà) và Trương Đức A. (1999, trú P. Đông Lương, TP Đông Hà). Ngoài thủ đoạn cướp nick bằng cách truy cập vào tài khoản mạng xã hội của người khác, sau đó sao chép phần đuôi của đường dẫn rồi mở một trình duyệt mới để thực hiện các công đoạn chiếm đoạt tài khoản, mạo danh liên lạc nhờ chuyển tiền thì C. còn dùng chiêu lập nick tương tự của người khác để kết bạn, rồi tung chiêu vay tiền. Hoặc như vụ lừa đảo qua mạng xã hội do đối tượng Võ Đình Tuấn (1994, trú Hải Vĩnh, H.Hải Lăng) thực hiện. Cũng với thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản facebook của người khác, Tuấn mạo danh trò chuyện với người thân của họ, đề nghị hợp tác đầu tư thẻ cào chơi game. Bằng cách đó, Tuấn lừa đảo chiếm đoạt hơn 4.000 thẻ cào với trị giá hơn 900 triệu đồng...

Đối tượng Võ Đình Tuấn đã bị tuyên 9 năm tù. 

Càng đấu tranh, CA Quảng Trị càng “chạm” nhiều thủ đoạn khác của giới tội phạm này. Theo Đội PCTPCNC, khoảng tháng 3-2017, quá trình thâm nhập thực tế, trinh sát đã phát hiện 1 nam thanh niên có dấu hiệu nghi vấn sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản. Đối tượng này chủ yếu đến các tiệm Net trên đường Ngô Quyền và Hàm Nghi (TP Đông Hà) để truy cập. Do đối tượng thuê máy để truy cập Internet công cộng nên rất khó thu thập dữ liệu nên từ nghi vấn đến thu thập chứng cứ là một quãng dài, không dễ dàng. Tuy nhiên, càng bám sát đối tượng, thu thập căn cứ, các trinh sát càng khẳng định mình đang đi đúng hướng. Đến gần cuối tháng 3-2017, nhận thấy có đủ cơ sở xác lập chuyên án, Giám đốc CA tỉnh Quảng Trị đồng ý xác lập Chuyên án 617C đấu tranh. Đối tượng nghi vấn là Phan Trung (1999, xã Bình Điền, TX Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Qua đấu tranh, Trung thừa nhận vờ rao bán điện thoại, sim đẹp trên facebook rồi khi nhận tiền của “khách hàng” thì lặn luôn. 

Trong khi đó, chiêu thức của Nguyễn Quang Hiệp (1999, trú xã Triệu Thành, H.Triệu Phong) lại phức tạp hơn. Đối tượng mày mò nghiên cứu và tạo ra trang website “nhantienquocte-tructuyen...” với mục đích dẫn dụ nhiều người tin đó là trang chuyển tiền quốc tế từ nước ngoài về Việt Nam và khi đăng nhập các thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu mã đăng nhập, mã OTP thì tự động Hiệp sẽ “thu lượm” hết. Từ đó, thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền. Vào tháng 4-2019, sau rất nhiều phi vụ, chiếm đoạt gần nửa tỷ đồng, biết CA Quảng Trị đã lần ra tới, Hiệp ra đầu thú.

Một trong những cái khó trong điều tra những vụ án sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản chính là bị hại ở nhiều tỉnh, thành và việc lần ra được quy trình chuyển tiền và quy đổi ra tiền chiếm đoạt được. Tội phạm sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng, mượn hoặc mua dạo trên mạng, hay mua tiền ảo để quy đổi khiến gặp rất nhiều khó khăn để xác minh. Tuy nhiên, hàng loạt vụ án do đối tượng gây án tại địa bàn Quảng Trị đã lần lượt bị CA lật tẩy, khám phá thành công dù vụ sau phức tạp hơn vụ trước.

BẢO HÀ

237 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 582
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 582
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77485985