Trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 2: Tình thương và lẽ phải 

TP - “Đối với ông cụ (Tổng Bí thư Lê Duẩn), tình yêu thương đất nước, nhân dân, quê hương và gia đình đều không có sự phân biệt, với con cháu nhiều khi còn có phần nghiêm khắc hơn. Ông cụ thường xuyên răn dạy con cháu không được ỷ lại, sống là phải lao động, phải có tình thương và đề cao lẽ phải” - ông Lê Văn Thành (65 tuổi), người gọi Tổng Bí thư Lê Duẩn bằng ông, tự hào kể về nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng.

Đang học ở Hà Nội, “bị điều” về quê lái máy cày

Làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nơi “chôn rau, cắt rốn” của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm phía Đông dòng Thạch Hãn. Làng Bích La đẹp như tranh vẽ, ruộng đồng xanh mướt, ôm trọn ngôi làng sum suê cây trái. Ngôi làng trù phú và yên bình này được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt”, trong mấy trăm năm lịch sử của làng, đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước.

Nhà của ông Lê Văn Thành nằm đối diện mảnh đất bên kia đường, xưa là nhà của gia đình cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông Thành nói, ông nội của ông và Tổng Bí thư Lê Duẩn là anh em chú bác ruột. Quê gốc của dòng họ Lê Văn ở làng Bích La thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Bố của Lê Duẩn là cụ Lê Hiệp, còn mẹ là cụ Nguyễn Thị Đào. Cụ ông làm nghề thợ mộc và nấu cao thuốc dán (một dạng cao dán chống đau nhức xương khớp), cụ bà chạy chợ buôn bán tạp hóa.

Xưa, làng Bích La cũng thuộc xã Triệu Thành, đến năm 1976 xã này chia đôi, làng Bích La nằm trên địa phận xã Triệu Đông. Năm Lê Duẩn khoảng 2 tuổi, lúc đó có tên là Lê Văn Nhuận, cụ Hiệp chuyển nhà lên sát bờ sông Thạch Hãn, làng Hậu Kiên, cách nhà cũ khoảng 3km để tiện việc vận chuyển gỗ làm mộc. Cậu bé Lê Văn Nhuận ở đó cho đến khoảng 20 tuổi thì thoát li làm cách mạng.

Ông Thành tự hào mình là người trong số con cháu của dòng họ Lê Văn được tiếp xúc nhiều nhất với Tổng Bí thư Lê Duẩn. Năm 1972, lúc đó ông Thành 21 tuổi, được ra Hà Nội, sau đó học cơ khí ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, lưu trú ở ngôi nhà 65B Trần Quốc Toản cùng với người chị ruột của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông Thành được gần gũi với Tổng Bí thư Lê Duẩn qua những bữa cơm gia đình tại ngôi nhà số 6 Hoàng Diệu. Trong bữa cơm, Tổng Bí thư rất ít nói chuyện công việc, mà dành thời gian trò chuyện với con cháu về cuộc sống, học hành, định hướng tương lai. “Ông cụ hay nhắc con cháu “sống là phải lao động, phải có tình thương và đề cao lẽ phải” - ông Thành nói.

Theo ông Thành, Tổng Bí thư làm việc rất căng, bất kể ngày đêm. Cứ ăn cơm xong là Tổng Bí thư vào phòng làm việc nghiên cứu tài liệu, hoặc trao đổi với các cộng sự của mình. Đặc biệt, vào tối thứ 5 hàng tuần, Tổng Bí thư dành cả buổi để duyệt phim trước khi công chiếu. “Tui mê phim lắm, tối thứ 5 nào cũng chạy sang để được xem phim. Ông cụ xem phim rất kỹ, góp ý từng chi tiết một, đặc biệt là các phim tài liệu. Có khi cụ xem đi xem lại mấy lần” - ông Thành kể.

Năm 1977, khi đang học năm thứ 3 ở trường cơ khí, ông Thành được Tổng Bí thư Lê Duẩn gọi sang nhà, bảo nghỉ học để về quê. Ông Thành bồi hồi nhớ lại: “Ông cụ bảo: “Đất nước thống nhất rồi, chúng ta phải xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nay cháu có nghề cơ khí, nên về quê để xây dựng quê hương”.

Ông Thành được phân về HTX cơ khí 20/12, đóng ở ngã tư Sòng, huyện Cam Lộ, chuyên sửa chữa máy cày, máy ủi để khai hoang, phục hóa. “Ngày đó, Liên Xô hỗ trợ ta loại máy cày MTZ 80, nhưng không ai biết lái. Nhớ lời ông cụ dặn, không được ỷ lại, phải biết lao động, nhờ có kiến thức, tui mày mò mà lái được chiếc máy cày hiện đại đó. Rứa là HTX phân công tui lái máy cày và tui lái cho đến khi HTX giải thể, rồi về quê làm ruộng cho đến nay” - ông Thành tự hào nói.

Trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 2: Tình thương và lẽ phải ảnh 1
Ông San lục tìm tư liệu về Tổng Bí thư Lê Duẩn và trầm tư khi nói về mong muốn dựng lại ngôi nhà xưa.

Mong ước dựng lại ngôi nhà “chôn rau, cắt rốn”

Ông Lê Văn San (64 tuổi), Trưởng thôn Bích La Đông, cũng là con cháu trong dòng họ Lê Văn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, tự hào kể: Làng Bích la xưa rất rộng, nay chia thành 3 thôn, Đông, Trung, Nam và ngôi nhà nơi “chôn rau, cắt rốn” của Tổng Bí thư Lê Duẩn nay thuộc Bích La Đông. Thôn có 485 hộ dân, chủ yếu làm nghề nông nghiệp và đang phấn đấu cùng toàn xã Triệu Đông về đích Nông thôn mới vào cuối năm nay.

Theo ông San, đất nước thống nhất, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm làng 3 lần. Lần nào về Tổng Bí thư cũng ra viếng mộ tổ tiên, ông bà, rồi đi khắp làng trên xóm dưới thăm hỏi bà con. Ấn tượng nhất là lần thứ 2, Tổng Bí thư về thăm làng vào năm 1978. “Ông cụ cho gọi toàn bộ bà con dân làng về sân HTX Hợp Nhất để nghe bà con nói chuyện.

Sau khi nghe dân làng nói HTX làm không đủ ăn, nhà cửa xiêu vẹo, dột nát… ông cụ quyết định cho chia hai HTX để dễ quản lí. Ông cụ nói, “Đất nước còn nghèo, nhân dân chưa có tích góp, muốn nhanh làm được nhà thì phải trông cây xoan (loại cây nhanh cho gỗ nhất) và làm lò gạch thì sớm có nhà kiên cố để ở”. Cũng trong chuyến về thăm quê này, thấy đất chật, người đông, ông cụ động viên 50 hộ gia đình trong làng vào miền Nam làm kinh tế mới” - ông San nhớ lại.

Ông San nhận xét, Tổng Bí thư Lê Duẩn là người gần gũi với xóm làng nhưng rất nghiêm khắc với con cháu trong gia đình, dòng họ. “Có lần ông cụ không nghỉ trưa mà lẳng lặng rời nhà, một mình đi thăm bà con làng xóm. Đội cận vệ hớt hải đi tìm. Ông cụ cười bảo: “Mình về quê chứ phải đi đâu mà các cậu lo”.

Đến nhà con cháu, ông cụ luôn luôn dặn, không được ỷ lại, cậy quyền, cậy thế con cháu lãnh đạo, sống là phải lao động, phải có tình thương và đề cao lẽ phải”. Chính vì thế, dù ngày ông cụ còn đương chức, hay sau này, con cháu dòng họ Lê Văn vẫn luôn nhớ lời răn dạy ấy, cố gắng học tập, làm ăn, sống bình dị, khiêm nhường, hòa đồng với xóm làng - ông San tự hào nói.

Lục tìm trong tủ những bức ảnh ghi lại thời khắc Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm quê, ông San trầm tư nói: “Không chỉ dòng họ Lê Văn mà nhân dân làng Bích La rất mong muốn được dựng lại ngôi nhà nơi “chôn rau, cắt rốn” của ông cụ. Nơi đây đã một thời gắn bó với gia đình của ông cụ, mảnh đất đã hun đúc sinh ra một người con ưu tú của quê hương, người Anh hùng của dân tộc, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng. Lãnh đạo xã cũng mong muốn điều này, nên mảnh đất đó vẫn được giữ lại, dù nằm ngay ngã ba đường, rất có giá trị về kinh tế”.

Trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 2: Tình thương và lẽ phải ảnh 2
Ông Thành mặc áo đen và ông Tứ cũng trong dòng họ Lê Văn bên mảnh đất, nơi “chôn rau, cắt rốn” của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Ông Lê Văn Thành cho biết: Mảnh đất của nhà Tổng Bí thư Lê Duẩn ngày xưa vẫn còn nguyên vẹn, trên đó có một nhà sinh hoạt cộng đồng từ thời HTX để lại, đã xuống cấp không sử dụng. Các con của Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng rất mong muốn dựng lại ngôi nhà này. Con gái của Tổng Bí thư Lê Duẩn, bà Lê Thị Muội đã nhiều lần về đây, nói là sẽ tìm cách dựng lại ngôi nhà làm kỷ niệm.

Theo ông Lê Văn San, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhân dân, cùng cán bộ, đảng viên thôn Bích La Đông thống nhất có tờ trình đề xuất chủ trương lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước được xây dựng lại ngôi nhà truyền thống của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Về kinh phí dự tính hết khoảng 2 tỷ đồng, do nhân dân thôn Bích La Đông đóng góp và kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.

(Còn nữa)


3096 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 484
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 484
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88176998