Tổ công tác số 3 của Bộ Y tế đến Quảng Trị hỗ trợ khắc phục hậu quả sau mưa lũ 

(Suckhoedoisong.vn) - Chiều 4/11, đoàn công tác của Bộ Y tế do TS. Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đến làm việc với ngành y tế tỉnh Quảng Trị nhằm hỗ trợ tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả sau mưa lũ: xử lý vệ sinh môi trường, tư vấn dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh.

Tham gia đoàn công tác còn có đại diện Viện Sốt Rét ký sinh trùng và Côn trùng Quy Nhơn cùng các chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm, Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Viện Dinh dưỡng… Đây là tổ công tác số 3 trong 7 đoàn công tác của Bộ Y tế cử về hỗ trợ các tỉnh Miền Trung  khắc phục hậu quả mưa lũ và phòng chống dịch bệnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Lê Văn Giang,  Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, đoàn công tác có nhiệm vụ  lắng nghe, nắm bắt tình hình, kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực của y tế địa phương, đồng thời hỗ trợ cán bộ y tế  địa phương cũng như người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; phòng chống những dịch bệnh phổ biến sau lũ…

Nhiều cơ sở y tế bị thiệt hại nặng sau lũ, dịch bệnh chưa ghi nhận đột biến

Ông Hà Lâm Chi, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết, mưa lũ trên diện rộng tại địa bàn tỉnh đã gây ngập lụt sâu tại nhiều địa phương của Quảng Trị.  Trong đó, các cơ sở y tế cũng chịu thiệt hại. 40 trạm y tế xã bị ngập lụt, sập tường rào, đổ hệ thống mái che…Đặc biệt, thời điểm này Trạm y tế xã Hướng Việt, Huyện Hướng Hoá  vẫn chưa thể đi vào hoạt động trở lại, vì nước đã rút nhưng hàng trăm khối bùn đất vẫn ngập cao.  Hôm nay, lực lượng chức năng đã được huy động vào để thu dọn.

TS. Lê Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Tổ trưởng tổ công tác số 3 của Bộ Y tế

Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cũng cho biết, trong  thời gian diễn ra mưa lũ ngành y tế đã khám cho tổng số hơn 20 nghìn người, trong đó 253 người khám cấp cứu tai nạn do mưa lũ.

Về tình hình dịch bệnh trong đợt mưa lũ vừa qua theo ông Chi không có điều gì đột biến, các bệnh ngoài da cũng không nghiêm trọng. Theo báo cáo địa phương đã ghi nhận 52 trường hợp sốt xuất huyết rải rác ở các ổ dịch nhỏ, song các ổ dịch này không phải nằm ở vùng bị lũ . Bệnh tay chân miệng cũng ghi nhận 10 trường hợp mắc. Các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận trường hợp nào.

Ông Hà Lâm Chi Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Trị

Sau lũ lụt vấn đề vệ sinh môi trường đảm bảo nước sạch cũng là một trong những vấn đề rất cần được quan tâm nên Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp cũng các ban ngành và nhân dân cùng làm.

Thống kê mới nhất cho thấy có 57.484 hộ gia đình bị ngập lụt, 25.782 giếng nước và 10.631 công trình vệ sinh bị ngập. Hiện công tác vệ sinh môi trường tại các vùng bị ngập đang được chính quyền phối hợp với nhân dân tích cực triển khai với phương châm “nước rút đến đâu làm sạch đến đó, xử lý tồn nguồn phân, chất thải, xác súc vật chết. Mặc dù vậy, môi trường sau ngập lụt đang bị ô nhiễm nặng, tổng lượng chất thải ra môi trường từ cống rãnh, nhà tiêu, xác chế động vật còn trôi nổi. Lượng bùn tồn đọng cũng chưa được xử lý kịp thời.

Giám sát, tuyên truyền trực tiếp an toàn thực phẩm, xử lý môi trường  đến mỗi hộ dân

Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đại diện Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Trị cho biết, 9/9 huyện thị đã có chỉ đạo giám sát trực tiếp và gián tiếp về xử lý môi trường, nguồn nước phục vụ ăn uống và đẩm bảo an toàn thực phẩm sau lũ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tổ chức tuyên truyền đến người dân thực hiện “Ăn chín, uống chín” tất cả các đồ ăn, thức uống được bảo quản tốt. Đồng thời, phối hợp với Mặt trận tổ quốc tỉnh giám sát an toàn thực phẩm do các tổ chức hỗ trợ thông qua mua hàng đảm bảo ở siêu thị. Hiện 5/9 huyện đang triển khai công tác này, các địa phương còn lại cũng sắp thực hiện.

Tổ công tác của Bộ Y tế tặng quà Sở Y tế Quảng Trị

Ông Chi cũng khẳng định, công tác phòng chống lũ luôn nằm trong kế hoạch từ trước, trong và sau lũ. Ngành y tế đảm bảo cơ số thuốc phòng, chống lụt bão cũng như hoá chất  xử lý môi trường.  Đến nay, địa phương nhận được 1 triệu  viên khử khuẩn nước do Bộ Y tế cấp phát và phân phối đến các Trạm y tế và sau đó phân chia về các hộ dân có nhân viên y tế thôn bản hướng dẫn thực hành.

Quảng Trị cũng đề xuất Bộ Y tế cung cấp 100 cơ số thuốc để phòng chống các bệnh sau lũ. Nâng cấp, sửa chữa một số trạm y tế, Trung tâm y tế bị hư hỏng sau lũ…

Sau khi lắng nghe báo cáo của ngành y tế Quảng Trị,  TS Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đánh giá cao kết quả cũng như tính chủ động trong công tác phòng, chống dịch của Quảng Trị. Tại đây, các chuyên gia của Bộ Y tế cũng đã đưa ra những ý kiến đóng góp xây dựng cũng như các phương án dự phòng về diễn biến dịch bệnh, vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo chế độ dinh dưỡng sau lũ để ngành y tế Quảng Trị hoàn thiện và làm tốt hơn nữa công tác khắc phục hậu quả sau lũ lụt.

Đoàn công tác sẽ báo cáo Bộ Y tế về đề xuất của địa phương để sớm có hỗ trợ. Đoàn cũng đã trao cho Sở Y tế Quảng Trị hàng ngàn phần quà, thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng cường sức khỏe cho người dân vùng lũ.

 

Ngày 29/10, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành quyết định số 4511/QĐ- BYT thành lập các Tổ công tác hỗ trợ, tăng cường cho 07 tỉnh miền Trung xử lý vệ sinh môi trường, tư vấn dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ tháng 10 năm 2020 tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

H.Nguyên

266 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 845
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 845
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77258200