|
Khả quan xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo trong năm 2020 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Phối hợp chặt chẽ cơ quan quản lý và doanh nghiệp
Theo chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân, ngành nông nghiệp nói chung và gạo nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Thời tiết thuận lợi sản lượng sẽ tăng và ngược lại.
Hiện nay, Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới - đang chịu thiệt hại lớn do hạn mặn. Sản lượng gạo của nước này giảm gần 2 triệu tấn. Việt Nam bị hạn mặn song chỉ khoảng 28.000 ha lúa bị ảnh hưởng. Bởi vậy, Việt Nam có nguồn cung gạo khá dồi dào. Đó là chưa kể, 2 vụ trước Việt Nam đều trúng mùa, sản lượng tăng mạnh.
Ở thị trường nhập khẩu, Philippines, Indonesia đang thiếu gạo và phải nhập khẩu khối lượng rất lớn từ Việt Nam.
Ngay từ tháng 9-10/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã dự báo, hạn mặn trong vụ Đông Xuân sẽ gay gắt, thậm chí còn khốc liệt hơn đợt hạn mặn năm 2015-2016.
Ngành trồng trọt đã chủ động yêu cầu các địa phương xuống giống sớm và cắt bỏ xuống giống những diện tích trồng lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, vụ lúa Đông Xuân năm nay có thay đổi lớn là sản lượng lúa cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được cung ứng sớm hơn trung bình hằng năm từ 20 ngày đến 1 tháng.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phân tích, khi xác định sẽ xuống giống sớm, cơ quan chức năng cũng chủ động thông báo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp là thời điểm Tết Nguyên đán sẽ có gạo tung ra thị trường, sớm hơn mọi năm để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các đơn hàng.
"Sản lượng cung ứng kịp thời, gặp đúng lúc nhu cầu tăng cao tại nhiều thị trường nên xuất khẩu lúa gạo sôi động ngay từ những tháng đầu năm, kéo giá lúa Đông Xuân tại thị trường trong nước tăng cao dù không ít mặt hàng khác bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19", ông Tùng nói.
Quay trở lại cách đây tròn 1 năm, ngày 4/3/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản số 1289/NHNN-TD yêu cầu các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh ngành hàng này gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đã cam kết cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp với lãi suất 6% cho kỳ hạn từ 3 đến 6 tháng. Đây cũng là động thái tiếp sức cho doanh nghiệp nắm bắt thời cơ, đặc biệt các doanh nghiệp lớn được “tiếp lửa” để chạy đường dài tạo nên những kết quả hôm nay.
Cơ hội để phát triển bền vững
Hai tháng đầu năm tại thị trường trong nước, giá lúa gạo cũng có chiều hướng tăng. Hiện các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL mua lúa ướt tại ruộng với giá dao động 4.400-5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300-500 đồng/kg; chỉ có giống lúa IR50404 tiêu thụ thị trường nội địa là giá thấp, khoảng 4.400 đồng/kg. Trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300-800 đồng/kg.
Giá lúa thu mua tại kho của doanh nghiệp là 5.400-6.400 đồng/kg, cao hơn mức bán lúa tươi tại ruộng của nông dân bình quân 1.000 đồng/kg. Nhiều thương lái, doanh nghiệp đã đến tận ruộng của nông dân đặt cọc và ký hợp đồng bao tiêu lúa dài với giá 5.000-5.200 đồng/kg. Đáng chú ý, giá gạo 5% tấm tại Việt Nam tăng lên 380 USD/tấn, mức cao kỷ lục kể từ tháng 12/2018.
Có tín hiệu khởi sắc là vậy nhưng nhìn vào thực tế hiện nay ngành hàng lúa gạo vẫn phát triển thiếu bền vững. Điển hình như thành phố Cần Thơ là một trong những địa phương đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp và đặc biệt chú trọng phát triển mô hình cánh đồng lớn nhưng diện tích bao tiêu lúa trên địa bàn cũng rất thấp, chỉ có 21.000/81.000 ha lúa được bao tiêu.
Ngay cả hình thức bao tiêu hiện nay cũng không mang tính bền vững vì một số doanh nghiệp, thương lái chỉ đặt cọc trước với hộ dân nhưng khi giá lúa xuống thấp thì bỏ cọc, không thu mua vì sợ thua lỗ.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nếu đầu tư theo chuỗi giá trị một cách căn cơ thì sẽ không có doanh nghiệp nào dám bỏ nông dân cả vì nếu bỏ nông dân sẽ mất vốn, mất nguyên liệu đồng thời nông dân cũng không thể bỏ doanh nghiệp vì sản xuất và tiêu thụ ổn định.
Hiện tại mặc dù giá trị lúa gạo Việt Nam được tăng cao trên thị trường thế giới nhờ một số doanh nghiệp đã xây dựng được chuỗi giá trị cho hạt gạo nhưng số lượng để giải quyết cho cả ngành hàng lúa gạo Việt Nam thì chưa thấm vào đâu. Giai đoạn có thể tăng trưởng xuất khẩu trong khó khăn hiện nay chính là cơ hội để ngành lúa gạo có đủ lực để bình tĩnh phát triển một cách căn cơ hơn. Quan trọng nhất để ngành hàng lúa gạo không phải giải cứu thì mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phải được thực hiện.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm nay Việt Nam rất khả quan xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo. Đặc biệt, với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, nhu cầu dự trữ gạo tại các nước, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng lên. Do đó, gạo Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin thêm, vụ lúa Đông Xuân đảm bảo đủ sản lượng cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Trong tháng 4 tới, các địa phương tiếp tục xuống giống vụ Hè Thu nên chắc chắn sản lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm sẽ đủ cung ứng cho thị trường.
"Năm nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo. Với những tín hiệu ấm ngay từ đầu năm, tôi tin mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được và ngành sản xuất lúa sẽ cung ứng đủ lượng gạo thị trường cần", ông Tùng nói.
Đỗ Hương