Thực hiện cam kết trách nhiệm ở Cam Lộ 

Phát huy cách làm, kinh nghiệm của các năm trước, trên cơ sở 03 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã lựa chọn và ký cam kết trách nhiệm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy và đồng chí Bí thư Huyện ủy Cam Lộ đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung cam kết, đạt kết quả đáng ghi nhận.

Ngay sau khi ký cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung cam kết trong đội ngũ cán bộ cốt cán của địa phương; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung đã cam kết, phân công trách nhiệm chỉ đạo đối với các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy và BCH Đảng bộ huyện; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương gắn với 03 nội dung đã cam kết. Gắn nội dung cam kết với xác định chủ đề năm 2019 của huyện là “Năm Nông thôn mới” để nêu cao quyết tâm chính trị của cấp ủy và các TCCS đảng, các cấp, các ngành trong việc thực hiện mục tiêu đạt huyện Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh ngay trong năm 2019. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã tổ chức ký cam kết với Ban Thường vụ, Bí thư các cấp ủy trực thuộc, các ban, ngành của huyện, giao việc cụ thể cho các địa phương, đơn vị theo hướng việc mới, việc khó, có tính chất đột phá, đòn bẩy để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chú trọng công tác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, rà soát tiến độ, kết quả thực hiện các nội dung công việc; duy trì nền nếp chế độ hội ý, trực báo ; quan tâm đối thoại với nhân dân; kịp thời cho ý kiến chỉ đạo xử lý khó khăn vướng mắc để việc thực hiện đạt kết quả, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung.

Kết quả 06 tháng đầu năm cho thấy, tình hình kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục có bước phát triển, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt khá (trên 70%), dự báo cuối năm các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nhất là chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn, nguồn thu từ phát triển quỹ đất.  Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững, tạo vùng chuyên canh, xây dựng các mô hình, tranh thủ tốt các nguồn lực; gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng các thương hiệu sản phẩm (tiêu Cùa, tinh bột nghệ, dược liệu...), gắn với tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thực hiện chủ đề năm 2019 của tỉnh về “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng tốc phát triển”, Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đã hoàn thiện các quy hoạch phát triển đô thị, thương mại dịch vụ của huyện. Thu hút 35 dự án tại các Cụm công nghiệp, có 02 dự án lớn là Nhà máy Bia quốc tế TTC (bia Camel), Công ty sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM thuộc tập đoàn FLC; hiện nay có 20 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 900 lao động. Tích cực chỉ đạo xây dựng khu tái định cư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để bàn giao thi công đúng tiến độ, phục vụ cho việc khởi công đường cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ- La Sơn đúng kế hoạch.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và thực hiện chế độ chính sách đối với thương, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sỹ luôn được quan tâm; đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, công tác quốc phòng - quân sự địa phương được củng cố và tăng cường. Chỉ đạo triển khai nhiều mô hình mới trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm trên địa bàn như “Phật giáo huyện Cam Lộ tham gia bảo vệ ANTQ và xây dựng nông thôn mới”, “Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ ANTQ và xây dựng NTM”, mô hình “Phòng, chống hoạt động xuất khẩu lao động trái phép”, tổ chức cho 142 họ tộc ký cam kết “Họ, tộc không có người vi phạm pháp luật”..., góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Công tác xây dựng Đảng được triển khai quyết liệt, sâu sát hơn và có nhiều nét mới. Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW, trong đó tập trung vào các đầu việc phải hoàn thành trong năm 2019 như triển khai thí điểm Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ huyện; thành lập Văn phòng phục vụ chung khối Mặt trận, đoàn thể; đặc biệt là đã hoàn thành Đề án sáp nhập thôn, khu phố trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau sáp nhập giảm từ 105 thôn xuống còn 80 thôn... Hoàn thành rà soát, bổ sung, phê duyệt quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ, các chức danh lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 cấp huyện và cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát, công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết đơn thư KN,TC được chú trọng. Công tác dân vận có nhiều nét mới, có 182 mô hình dân vận khéo đang phát huy hiệu quả tại cơ sở, góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/4/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 15/11/2016 về "Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016-2020". Tập trung chỉ đạo quy hoạch, dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng; đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến; đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất tại một số vùng sản xuất tập trung theo mô hình tiên tiến[1]. Xác định rõ các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện gắn với thực hiện chiến lược “5 tăng”[2] cho từng sản phẩm. Mặc dù gặp nhiều rủi ro do thời tiết và giá cả thị trường biến động bất lợi, khó lường, song Cam Lộ đã mạnh dạn tiên phong trong liên kết sản xuất và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trên các vùng đất khó khăn của huyện; kêu gọi được nhiều doanh nghiệp liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc khai thác tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, giá trị sản xuất cao hơn so với các loại cây trồng khác, nhất là cây Dứa, Cà gai leo, Sắn dây, Chè Vằng, cây ăn quả... Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; đến nay, nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương đã được công bố về tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ, nhãn hiệu và được vinh danh cấp tỉnh, cấp quốc gia, được tiêu thụ nhiều ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

 Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác về Chương trình; từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu một số sản phẩm chủ lực của huyện, đến nay đã có 10 sản phẩm đăng ký thực hiện (4 sản phẩm cấp xã[3] và 6 sản phẩm huyện đăng ký với tỉnh: Tinh bột sắn dây, ổi Tân Trúc, gạo sạch Cam An, Gà Cùa, Hồ tiêu, Miến gạo), là những sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế, có dấu ấn trên thị trường.

Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu huyện đầu tiên của tỉnh về đích Nông thôn mới vào cuối năm 2019 theo đúng cam kết, lãnh đạo huyện, xã, các phòng ban của huyện đã trực tiếp về tận địa bàn 08 xã đạt chuẩn NTM tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng tiêu chí xã nông thôn mới, kịp thời nắm bắt và chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn ở cơ sở. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các xã đăng ký nâng cao chất lượng 36 tiêu chí[4], xây dựng 20 KDC kiểu mẫu; 46 vườn mẫu; 2 xã Cam Hiếu, Cam Chính triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Phát động và tổ chức phong trào thi đua “nhà đẹp, vườn đẹp, đường đẹp, làng đẹp” giữa các đoàn thể, hộ gia đình, các thôn, xóm, làng, bản, xây dựng chính sách khen thưởng để động viên khích lệ, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong các KDC; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ lượng sang chất, tạo môi trường sống lành mạnh, an vui, đảm bảo sự hài lòng của người dân nông thôn. Tổ chức biểu dương điển hình tiến tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2016 – 2018, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 38- KL/HU ngày 17/7/2017 của BTV Huyện uỷ về Đề án huyện nông thôn mới; Kế hoạch hành động số 75- KH/HU ngày 18/3/2019 về “Hộ gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện các quy định của Trung ương và gương mẫu trong thực hiện xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Quyết liệt triển khai các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, công trình phục vụ sản xuất để hoàn thành 05 tiêu chí huyện Nông thôn mới còn lại, đó là: Quy hoạch, Giao thông, Thuỷ lợi, Y tế- Văn hoá- giáo dục, Môi trường, đến nay, cơ bản 05 tiêu chí đã đạt chuẩn, được các Sở, ngành cấp tỉnh thẩm định phê duyệt. Hiện đang hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định, đó là việc nhân rộng mô hình chưa nhiều, sản phẩm đa dạng nhưng khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường chưa mạnh. Việc nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia các các đề án chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết còn gặp khó khăn. Việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” còn chậm, hiệu quả chưa cao; số lượng doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất sản phẩm theo tiêu chí OCOP còn thấp, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình. Công tác phát triển đảng viên mới chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt một số xã, ban, ngành, đoàn thể chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể ở một số nơi chưa thực sự rõ nét, còn mang tính hình thức, kết quả chưa cao, chưa xây dựng được nhiều lực lượng đoàn viên, hội viên nòng cốt, đi đầu trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. HY- VPTU

 

[1] Dự án: Hệ thống điện vào vùng sản xuất cây dược liệu Cam Vũ 3, thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy; Đường GT, đường điện vào vùng SX cây tiêu tập trung xã Cam Chính; Đường GT, điện vào vùng SXTT thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu...

[2] Đó là thâm canh cao để tăng năng suất; áp dụng quy trình sản xuất an toàn để tăng chất lượng; đẩy mạnh chế biến, sơ chế để tăng giá trị sản phẩm; xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường; liên kết tiêu thụ để tăng doanh số hàng hóa bán ra.

[3] Ổi Cam Hiếu, gạo sạch Cam An, lạc Cam Thành, mướp Cam Tuyền

[4] Cam An: Giao thông, thuỷ lợi, thu nhập. Cam Thanh: Giao thông, trường học, Thu nhập, hệ thống chính trị, QP-AN. Cam Thuỷ: Giao thông, CSVC Văn hoá; Thu nhập, Tổ chức SX, Môi trường, Hệ thống chính trị. Cam Hiếu: Giao thông, Điện, Trường học, Thu nhập, Hộ nghèo, Y tế, Môi trường, Hệ thống chính trị. Cam Tuyền: Giao thông, Trường học, Thu nhập, Hộ nghèo. Cam Thành: Giao thông, Thuỷ lợi, Thu nhập. Cam Chính: Giao thông, Trường học, Tổ chức SX, Giáo dục, Y tế. Cam Nghĩa: Thu nhập, Giáo dục, Y tế

947 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 752
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 752
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76770839