Thúc đẩy hỗ trợ cho ngành chăn nuôi nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 

(ĐCSVN) - Để đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Cục Chăn nuôi kiến nghị cần có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời, các địa phương lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nhằm đảm bảo tăng trưởng ổn định, điều tiết được cung - cầu hàng hóa phục vụ tại chỗ và cung cấp cho các tỉnh, thành.

 

 Ảnh minh họa. (Ảnh: AT)

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong các tháng cuối năm 2021, ngành chăn nuôi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất. Đến nay, mặc dù các địa phương đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, tuy nhiên lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc; nhiều trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách, khách du lịch với số lượng hạn chế, do vậy mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn chưa cao.

Cùng với đó, với riêng sản phẩm thịt lợn, chu kỳ sản xuất từ khi nuôi lợn sau cai sữa đến sinh sản, nuôi lợn thịt đến xuất chuồng dài đến 17-18 tháng. Như vậy kế hoạch sản xuất phải có từ năm 2020 trở về trước, khi nhu cầu có thay đổi bất thường thì sản xuất không thể thay đổi kịp trong thời gian ngắn. Bình thường xuất lợn thịt từ 100-120kg/con nhưng khi nhu cầu thị trường tăng có thể xuất chuồng từ 70 đến dưới 100kg/con, khi thị trường giảm thì phải nuôi thêm thời gian. Nhưng nếu nuôi giai đoạn trên 120 kg thì tăng trọng lúc này chủ yếu là mỡ, nên khối lượng lợn càng lớn thì giá lợn hơi xuất chuồng càng thấp.

Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam làm đứt gãy hàng loạt các chuỗi cung ứng. Đặc biệt là nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dẫn đến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu trên 90% nguyên liệu thức ăn và thức ăn lại chiếm 65-70% giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Đáng chú ý, người sản xuất còn thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất do thời gian qua tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được; chi phí sản xuất phát sinh quá lớn. Một bộ phận người dân, cơ sở phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực tái sản xuất. Việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn,...

Hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục sản xuất

Để khôi phục sản xuất chăn nuôi trong các tháng cuối năm và trong thời gian sắp tới, việc tiếp tục duy trì và phát triển các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh là điều rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Thực tế, từ đầu năm 2021 đến nay, Cục Thú y và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 57 cơ sở, vùng, bao gồm: 48 cơ sở do địa phương cấp và 9 vùng do Cục Thú y cấp.

Về vấn đề này, ngành chăn nuôi đã có sự tính toán lâu dài khi phấn đấu đến năm 2025, xây dựng vùng của 9 huyện (thuộc tỉnh Bình Dương, Bình Phước; Đồng Nai) an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố thiết lập vùng đệm 23 huyện (bao gồm tỉnh Bình Dương; Bình Phước; Đồng Nai; Tây Ninh; Bà Rịa - Vũng Tàu; Thành phố Hồ Chí Minh). Các huyện này từng bước xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam, sau đó tiến tới áp dụng và đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE.

Đối với vùng chăn nuôi gia súc, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng vùng của 7 huyện (bao gồm tỉnh Bình Dương; tỉnh Bình Phước) an toàn với các bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố thiết lập vùng đệm 18 huyện. Các huyện này cần xây dựng để đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam, sau đó tiến tới áp dụng và đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE.

Cùng với giải pháp trên, trước tình hình sản xuất của ngành còn nhiều khó khăn như hiện nay, để góp phần ổn định sản xuất, Cục Chăn nuôi đề nghị cần tiếp tục khôi phục, tăng đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ và phát triển một số loại vật nuôi lợi thế. Tăng cường chỉ đạo triển khai mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; tăng cường chăn nuôi theo hướng hữu cơ trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.

Đồng thời, tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật của thế giới cả về giống và công nghệ, hiện đại hóa trong sản xuất để nâng cao năng suất chăn nuôi trong nước. Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ, nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng con giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường chăn nuôi.

Đi cùng với đó, cần tăng cường sử dụng nguồn phụ phẩm của nông – lâm – nghiệp để chủ động một phần thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt là cho gia súc ăn cỏ và gia cầm.

Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Các hộ chăn nuôi tăng cường xây dựng liên kết ngang thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác,... để tiếp cận vào chuỗi của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung - cầu. Mặt khác, thúc đẩy tổ chức kết nối, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có.

Để ngành chăn nuôi hoàn thành kế hoạch sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, Cục Chăn nuôi kiến nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do COVID-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết nguyên đán. Xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo việc sản xuất chăn nuôi thông qua việc lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nhằm đảm bảo tăng trưởng ổn định, điều tiết được cung - cầu hàng hóa phục vụ tại chỗ và cung cấp cho các tỉnh thành. Rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho duy trì sản xuất về giống, thức ăn,… Bên cạnh đó, chỉ đạo giải quyết triệt để ách tắc trong vận chuyển vật tư, thiết bị đầu vào để sản xuất và sản phẩm đầu ra của các cơ sở sản xuất, chế biến trong trường hợp có dịch bùng phát; chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý chặt chẽ đối với lái xe, người đi cùng phương tiện từ vùng sản xuất, cơ sở giết mổ, chế biến chở hàng tiêu thụ, xuất khẩu tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo hàng hóa được lưu thông; tăng cường chỉ đạo đa dạng kênh phân phối sản phẩm tại địa phương./.

 
BT
270 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 626
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 626
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78020691