Hình ảnh tại buổi Họp báo. (Ảnh:M.P)
Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tại buổi Họp báo chuyên đề về "Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại", do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay 19/7, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đã tạo được lòng tin và quyết tâm chính trị cao đối với lãnh đạo các cấp. Nhận thức về một xu hướng tất yếu phải cải cách, áp dụng công nghệ quản lý mới theo chuẩn mực quốc tế đã hình thành và chiếm vị trí chủ đạo khi xây dựng chính sách và thể chế.
Các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển của Việt Nam như: Ngân hàng Thế giới, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có những ghi nhận đáng kể đối với những cải cách của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời bày tỏ mong muốn thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật dành cho các cơ quan chính phủ để đẩy nhanh tiến trình cải cách, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, đưa Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu đã giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ). Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.
Ông Nguyễn Công Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ chế một cửa ASEAN được triển khai chính thức từ tháng 11/2014, đến ngày 10/6/2018. Hiện đã có 11 Bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua cơ chế một cửa quốc gia.
Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các Bộ, ngành.
Về cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 10/06/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 04 nước nêu trên là 28.509 C/O, tổng số C/O gửi tới 04 nước là 14.392 C/O.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất. Khi thực hiện một số thủ tục, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy.
Đáng chú ý, trong khi thực hiện, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan, phí kiểm tra một số mặt hàng vẫn cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính chưa kết nối đầy đủ với các cơ quan chính phủ để đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như tạo tiện ích để rút ngắn thời gian vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển, sân bay quốc tế, kho bãi; thanh toán và kiểm soát chứng từ thanh toán cho các giao dịch thương mại xuyên biên giới... qua đó rút ngắn thời gian thông quan tại cửa khẩu.
Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện.
Đến 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử. Các chứng từ điện tử (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được cấp thông qua cơ chế một cửa quốc gia được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan...
Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng thông tin về Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.” do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức dự kiến diễn ra vào ngày 24/7 tới đây. Hội nghị sẽ tổng kết lại kết quả triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành.
Dự kiến, sau Hội nghị, Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào kết luận của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định và kế hoạch hành động về “Thực hiện các thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”./.
Minh Phương