Thống kê Việt Nam tuân thủ chuẩn mực quốc tế, phù hợp thực tiễn trong nước 

(ĐCSVN) - Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương khẳng định, với sự vận động không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới nảy sinh, sự tiếp cận đa dạng của người dùng tin, sự bùng nổ của công nghệ liên quan đến mọi mặt của đời sống... đòi hỏi ngành Thống kê phải luôn vận động, đổi mới. Với đặc thù của một ngành chuyên môn sâu, phương pháp luận của Tổng cục Thống kê luôn tuân thủ theo chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Ngày 19/6, tại trụ sở Tổng cục Thống kê ở Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chủ trì Tọa đàm “Số liệu Thống kê và Truyền thông Chính sách”. Sự kiện do Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức. Đây cũng là một trong các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: HNV) 

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, thời gian qua, ngành Thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới đông đảo đối tượng dùng tin trong nước và quốc tế. Ngành Thống kê luôn xác định việc đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin Thống kê là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài thể hiện trong nhiều hoạt động của Ngành, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, cập nhật Danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phù hợp với quốc tế và thực tiễn của Việt Nam; xây dựng Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là căn cứ để định kỳ 5 năm và hằng năm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo thuận lợi cho lãnh đạo các cấp trong việc sử dụng thống nhất, đồng bộ các chỉ tiêu từ Trung ương đến địa phương nhằm theo dõi, giám sát, đánh giá, quản lý, điều hành tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.

Bên cạnh đó, ngành Thống kê đã đẩy mạnh đổi mới cách thức thu thập thông tin thống kê, sử dụng phiếu điện tử thay thế phiếu giấy nhằm có được thông tin chính xác, kịp thời; Nghiên cứu xây dựng đề án về Tư liệu hóa và chuyển đổi số trong Ngành; Tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ của người làm công tác thống kê. Đặc biệt, đã có nhiều chuyên gia từ các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, giám sát các cuộc điều tra, Tổng điều tra hoặc các nghiệp vụ chuyên sâu của Tổng cục Thống kê, như các chuyên gia đến từ ILO, UNFPA trong Tổng điều tra dân số và nhà ở, Điều tra Lao động việc làm; chuyên gia IMF trong Đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam, trong điều tra giá…

 “Sự tin tưởng, sử dụng số liệu thống kê một cách trách nhiệm trong mỗi con chữ, dòng tin, bài viết của các nhà báo sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Tổng cục Thống kê tiếp tục nghiên cứu, tìm ra cách thức, phương pháp để thông tin thống kê ngày càng chất lượng.”- Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Số liệu thống kê và tác động tới chính sách

Theo bà Hương, Tọa đàm nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi hơn nữa về cách tổng hợp, biên soạn số liệu thống kê tới các nhà báo, từ đó góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao công tác truyền thông về các chính sách.

Ở khía cạnh phân tích thống kê, bà Hương cho rằng công việc của ngành cũng giống như viết một bài báo, cơ quan Thống kê cũng cần có những dữ liệu, căn cứ xác thực để biến những con số khô khan thành những “con số biết nói.”

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (đứng) chia sẻ tại Tọa đàm (Ảnh: HNV)

Phân tích và làm rõ hơn khía cạnh về “sức nặng” của số liệu thống kê, đặc biệt những tác động của số liệu thống kê với chính sách, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá đã chia sẻ thêm về phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được áp dụng từ năm 1995 đến nay theo chuẩn mực quốc tế và được hầu hết các nước trên thế giới (áp dụng tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của các tổ chức quốc tế ban hành năm 2020).

“Theo đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực,” bà Oanh khẳng định.

“Hiện, toàn quốc có khoảng 40.000 điểm điều tra giá với địa điểm kinh doanh ổn định, thuộc các loại hình kinh tế. Hiện nay, cơ quan thống kê đã triển khai điều tra giá tiêu dùng bằng thiết bị điện tử-CAPI tại 63 tỉnh, thành. Từ đó, chất lượng số liệu điều tra được nâng cao đồng thời minh bạch quá trình điều tra, rút ngắn thời gian sản xuất số liệu và tiến tới hội nhập với thống kê thế giới,” bà Oanh nói.

Về tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động chia sẻ, số liệu lao động việc làm hoàn toàn căn cứ vào cuộc điều tra lao động việc làm được thực hiện hàng tháng từ mùng 1 đến mùng 7. Điều tra được tiến hành trên 18.000 hộ/tháng, 1 năm sẽ điều tra trên 200.000 hộ. Cuộc điều tra này đã được tiến hành trong 20 năm, với sự đồng hành của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) với bảng hỏi hơn 70 câu chặt chẽ. Đối tượng điều tra là những người lao động từ 15 tuổi trở lên và sẵn sàng làm việc trong thời gian tham chiếu (từ mùng 1-7). “Nếu người được hỏi trả lời không muốn làm việc trong thời gian tham chiếu thì không coi đó là thất nghiệp”, ông Nam giải thích.

Theo ông Phạm Hoài Nam, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thường ngang bằng Thái Lan và cao hơn Lào, Campuchia. Đây là những nước đều được ILO đồng hành trong điều tra lao động, việc làm.

Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cũng cho biết thêm về đặc điểm của lao động Việt Nam, trong đó, lao động phi chính thức chiếm đến 65%. “Chúng ta nhìn thấy nhiều công nhân mất việc, giảm việc làm nhưng đây là khu vực chính thức. Không thể thống kê nguyên khu vực này mà cần tính cả khu vực phi chính thức”, ông Phạm Hoài Nam lý giải. Điều này cũng diễn ra tương tự với các địa phương, tại TP. HCM, Bình Dương, công nhân mất việc nhiều nhưng những khu vực khác thì không. Do đó, thống kê cần rộng khắp cả nước chứ không riêng những phần chiếm số lớn. “ILO rất tin tưởng số liệu thống kê của GSO và bảo hộ dữ liệu mà họ đã đồng hành cùng Việt Nam trên thế giới”, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động nhấn mạnh thêm.

 Tọa đàm thu hút đông đảo các nhà báo theo dõi ngành thống kê và kinh tế vĩ mô quan tâm tham dự (Ảnh: HNV)

Tại Tọa đàm, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp cho biết thêm, Tổng cục Thống kê đã biên soạn các phân tích chuyên sâu cung cấp cho người dùng. Đây cũng là cơ sở để các nhà báo, phóng viên sử dụng biên tập làm thông tin, tư liệu viết bài về tình hình kinh tế-xã hội. Gần đây nhất, ngành cũng có những báo cáo chuyên đề phân tích nhằm nêu bật lên sự phục hồi trở lại của nền kinh tế (đơn cử báo cáo: Nỗ lực phục hồi, xuất, nhập khẩu năm 2022 đạt kỷ lục mới; Doanh nghiệp tái gia nhập tăng cao kỷ lục trong 8 tháng của năm 2022…).

Để nâng cao chất lượng thống kê, bà Dương Thị Kim Nhung, Vụ Phó Vụ Phương pháp chế độ thống kê cho biết trong những tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê đã tập trung triển khai công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật làm cơ sở cho hoạt động thống kê.

“Sau khi Luật Thống kê sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2021, Tổng cục Thống kê đã trình Chính phủ thông qua các văn bản dưới luật. Đây là những nỗ lực không chỉ của ngành Thống kê mà của tất cả các bộ, ngành và địa phương nhằm đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan tới thống kê. Thời gian tới, hai văn bản pháp lý liên quan tới tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê và chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia cũng sẽ được ban hành,” bà Nhung chia sẻ.

Về hợp tác quốc tế, bà Nhung cho biết, Tổng cục đang kết nối với các tổ chức quốc tế (như Tổ chức Lao động quốc tế-ILO, Quỹ dân số Liên hợp quốc - UNFA, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB…) và cơ quan thống kê các nước tiên tiến (Bangladesh, Italia, Nhật Bản, Đan Mạch…) nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm.

Ngoài ra, bà Nhung cũng thông tin ADB đang tài trợ cho Tổng cục Thống kê dự án JFPR TA 6856 về “Phát triển nguồn lực thống kê mới và xây dựng năng lực về công nghệ và nguồn lực dữ liệu mới.” Cơ quan thống kê Đan Mạch cũng phối hợp với Tổng cục thực hiện dự án “Hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng số liệu thống kê chính thức” và Cơ quan thống kê Hàn Quốc đã chính thức triển khai dự án “Hỗ trợ Tổng cục Thống kê cải thiện chất lượng số liệu thống kê chính thức, xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia và đào tạo cán bộ” trong thời gian 4 năm (từ 2022-2025).

Cần truyền thông đúng, đủ và kịp thời về các số liệu thống kê

Chia sẻ tại Tọa đàm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, số liệu của ngành thống kê đôi khi công bố còn chưa kịp thời và còn thiếu những số liệu thống kê chuyên ngành sâu hoặc số liệu cấp cơ sở.

Cũng theo bà Hương, dữ liệu thống kê luôn có độ trễ, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng như vậy. Riêng về số liệu liên quan đến thống kê hoạt động của doanh nghiệp, bà Hương cũng cho rằng, số liệu thống kê có sự chênh lệch xuất phát từ chính doanh nghiệp cung cấp thông tin. Có những doanh nghiệp cung cấp số liệu luôn khẳng định là đúng, nhưng với cuối kỳ thống kê mới cho là mình “nhầm”.

Về vấn đề kỹ thuật thống kê, bà Hương giải thích, số liệu thống kê có xu hướng tăng nhưng có điều chỉnh, không như trước đây, số liệu GDP của Việt Nam đi ra nước ngoài chỉ nói một con số.

Ví dụ như, “Tốc độ tăng trưởng GDP có thể ít nhưng quy mô kinh tế thì có thể thay đổi nhiều. Số liệu này năm trước thay đổi thì sẽ dẫn tới sự thay đổi của một chuỗi dữ liệu, khiến tốc độ của năm sau cũng thay đổi”, bà Hương cho biết.

“Bởi lẽ đó, thống kê phản ánh xu hướng là chủ yếu và các con số sẽ được thông tin ở 3 cấp độ: ước tính, sơ bộ và chính thức” – bà Hương thông tin.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giải đáp thắc mắc của báo chí tại Tọa đàm (Ảnh: HNV)

Cũng trong khuôn khổ Tọa đàm, liên quan đến thắc mắc của báo chí về sự kiện công bố công dân Việt Nam 100 triệu, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trước đó, bản thân Tổng cục Thống kê đã chuẩn bị rất kỹ, phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan, bộ, ngành để tiến hành tổ chức sự kiện chào đón 100 triệu dân. Tuy nhiên, vào thời điểm chuẩn bị tổ chức, Bộ Công an đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ tạm hoãn tổ chức sự kiện đón 100 triệu dân, vì dữ liệu của Bộ Công an không khớp với số liệu của Tổng cục Thống kê.

“Theo số liệu dân cư của Bộ Công an, thì dân số Việt Nam đã vượt qua 100 triệu dân từ lâu, tính đến đầu tháng 4/2023 là khoảng 104 triệu dân. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu vào tháng 4/2023. Do có sự chênh lệch về số liệu, nên Bộ Công an có công văn tạm hoãn sự kiện này để làm rõ”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, sở dĩ có sự chênh lệch này là do Bộ Công an cập nhật cả công dân Việt Nam làm việc tại nước ngoài. Mà theo Bộ Ngoại giao, thì có khoảng 5 triệu công dân Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài, vừa trùng khớp với con số dư ra của Tổng cục Thống kê. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê được ghi nhận dân cư trong nước. “Đây là 2 cách tính khác nhau, khái niệm khác nhau, số liệu khác nhau, nếu trừ đi số lao động đang làm việc tại nước ngoài, thì Việt Nam sẽ có công dân thứ 100 triệu vào tháng 4/2023”, ông Tiến nói.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: HNV) 

Người đứng đầu ngành Thống kê, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đặc biệt nhấn mạnh: "Cần bắt mạch đúng bệnh thì mới có thể đưa ra những giải pháp tối ưu cho các vấn đề của đất nước. Ngành thống kê luôn xác định việc đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin thống kê là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài thể hiện trong nhiều hoạt động của ngành. Ngành thống kê luôn xác định chất lượng thông tin, tính minh bạch kịp thời được ưu tiên hàng đầu. Tổng cục Thống kê đã ban hành những bộ chỉ tiêu đảm bảo tính so sánh quốc tế và đại diện cho Việt Nam, xây dựng những khung đánh giá để theo dõi với các định hướng của Nghị quyết.

Đến nay, Tổng cục Thống kê đã thay đổi cách thức thu thập, có đến 85% chỉ tiêu thống kê là sử dụng điện tử website thay vì dùng giấy như trước. Đặc biệt, đã tham vấn nghiệp vụ chuyên sâu của các chuyên gia đến từ ILO, UNFPA, IMF, ADB… để có những hỗ trợ kỹ thuật hiện đại, tiên tiến tương đồng với cơ quan thống kê thế giới.

Tới đây, Tổng cục Thống kê sẽ công bố thống kê về nhiều chỉ tiêu mới như kinh tế số, logistics, kinh tế xanh, việc làm xanh… Qua đó, chất lượng thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dùng tin trong nước và quốc tế./.

 
Hà Anh
129 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 473
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 473
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77580267